Theo cam kết giữa Việt Nam và WTO về thương mại dịch vụ thì có hai loại phương thức cung cấp dịch vụ có ảnh hưởng đến việc người lao động nước ngoài vào Việt Nam. Đó là hiện diện thương mại và hiện diện thể nhân. Hiện diện thương mại tại Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, văn phòng đại diện, v.v… trên lãnh thổ Việt Nam. Các hiện diện thương mại này có nhu cầu rất lớn nguồn nhân lực có trình độ, kỹ thuật cao, do đó dẫn đến việc hàng loạt lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc.
Khi cam kết gia nhập WTO, nước ta đã đưa vào biểu cam kết những điều kiện của một hiện diện thể nhân khi họ làm việc trên lãnh thổ Việt Nam thông qua các gói dịch vụ. Tuy nhiên, do đặc thù của loại dịch chuyển thể nhân này khác với nhập khẩu lao động về bản chất nên ở một số nhóm đối tượng không đòi hỏi phải hội đủ các điều kiện của người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc theo hợp đồng. Họ không nhất thiết phải là lao động có trình độ, chuyên môn cao. Đó là những người thuộc diện di chuyển nội bộ
doanh nghiệp, những người chào bán dịch vụ và những nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng.
Chính phủ đã cụ thể hóa các quy định trong cam kết WTO bằng việc ban hành Nghị định 34/2008/NĐ-CP về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc là "người không có quốc tịch Việt Nam theo Luật Quốc tịch Việt Nam" và theo các hình thức:
- Thực hiện hợp đồng lao động;
- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp có hiện diện thương mại tại Việt Nam;
- Thực hiện các loại hợp đồng về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế;
- Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; - Chào bán dịch vụ;
- Người nước ngoài đại diện cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chuyên gia là người nước ngoài có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao về dịch vụ, thiết bị nghiên cứu, kỹ thuật hay quản lý (bao gồm kỹ sư hoặc người có trình độ tương đương kỹ sư trở lên; nghệ nhân những ngành nghề truyền thống) và người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, kinh doanh và những công việc quản lý.
... Người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp bao gồm nhà quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia nêu trên của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh
nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.
... Người nước ngoài chào bán dịch vụ là những người không sống tại Việt Nam và không nhận thù lao từ bất cứ nguồn nào tại Việt Nam, tham gia vào các hoạt động liên quan đến việc đại diện cho một nhà cung cấp dịch vụ để đàm phán tiêu thụ dịch vụ của nhà cung cấp đó, với điều kiện: không được bán trực tiếp dịch vụ đó cho công chúng và người chào bán không trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ [18].
Mục I trong Cam kết chung về hạn chế tiếp cận thị trường của hiện diện thể nhân trong Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam (sau đây gọi là Cam kết WTO) quy định: Người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia); người nước ngoài chào bán dịch vụ; người nước ngoài cung cấp dịch vụ theo hợp đồng. Những thể nhân nêu trên được phép nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc theo những thời hạn khác nhau, thời gian tối đa không quá 36 tháng. Người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thì mỗi doanh nghiệp có hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam được có ít nhất 20% tổng số các nhà quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia là công dân Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp nước ngoài sẽ được phép có tối thiểu 3 nhà quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia không phải là người Việt Nam [19].
Khoản 3 Điều 14 Luật Đầu tư ngày 29/11/2005 quy định nhà đầu tư được quyền thuê lao động trong nước; thuê lao động nước ngoài làm công việc quản lý, lao động kỹ thuật, chuyên gia theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Việc cho phép người lao động nước ngoài được vào Việt Nam làm việc với nhiều hình thức đã góp phần khiến cho số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tăng lên nhanh chóng. Theo số liệu báo cáo của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương va các Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất thì số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngày càng tăng qua các năm. Năm 2001, số lượng lao động nước ngoài tại Việt Nam chỉ hơn 7.000 người; năm 2005 tăng 8.615 người tương đương 68,4% so với năm 2004; năm 2006 tăng 12.900 người tương đương 61% so với năm 2006, năm 2007 là 43.766 người, năm 2008 đã tăng lên 20,26% (52.633 người) [27]; riêng 4 tháng đầu năm 2009 có tới 1.367 người được cấp Giấy phép lao động, chiếm tới gần 50% so với cả năm 2008 [25]. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 4 năm 2009, ba cơ quan quản lý lao động là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các Khu công nghệ cao và Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã cấp phép cho 14.656 lượt lao động nước ngoài của 73 quốc gia. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi. Kết quả đợt kiểm tra, khảo sát lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn cả nước cho thấy số lao động nước ngoài dang làm việc ở nước ta là hơn 75.300 người; trong đó, tại thành phố Hồ Chí Minh ước tính có trên 50.000 người. [27].
Trong số lao động được cấp phép, lao động từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm khoảng hơn 30%. Phần lớn lao động đến từ ba quốc gia này tập trung làm việc trong các ngành nghề gia công sản xuất giày, may mặc và xây dựng. Bên cạnh đó, một số lượng không nhỏ lao động châu Phi làm việc trong khu vực kinh tế phi kết cấu. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Xuất nhập cảnh phía nam, chỉ riêng trong năm 2008 đã có hơn 500 lao động châu Phi nhập cư vào thành phố Hồ Chí Minh để tìm việc. [25]. Ngoài ra, hiện nay có nhiều lao động nước ngoài đến từ Australia, Philippines, Malaysia muốn
tìm việc làm tại Việt Nam thông qua các mạng tìm việc như vietnamwork.com và dịch vụ “săn đầu người” (head-hunter) của các công ty dịch vụ phát triển nguồn nhân lực Việt Nam như NetViet, HR Vietnam, Pricewaterhouse Coopers… Tuy nhiên, hiện nay chưa có thống kê về số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo từng hình thức như trên.