Trong nền KTTT, hệ thống tài chính- tiền tệ có vai trò cực kỳ quan trọng. Hệ thống đó được coi là huyết mạch của nền kinh tế. Sức sống của một nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào sự thông suốt của hệ thống tài chính- tiền tệ. Vì vây Nhà nước luôn cố gắng đảm bảo sự thông suốt của hệ thống này. Chẳng hạn:
- Trên lĩnh vực tài chính: Nhà nước đã thực hiện một loạt chính sách tài chính nhằm tạo môi trường ổn định, lành mạnh: xoá bỏ bao cấp qua ngân sách nhà nước, tăng thu, giảm chi.
Tuy nhiên, nhìn tổng quát, nhiều giải pháp trên của Nhà nước mang tính tạm thời, mang tính tình huống, không thể sử dụng như một công cụ lâu dài. Muốn có nền tài chính vững mạnh, thực hiện tốt công cụ kinh tế vĩ mô, Nhà nước cần có sự bổ sung, tiếp tục hoàn thiện chính sách và cơ chế quản lý tài chính một cách có hiệu quả.
- Trên lĩnh vực tiền tệ: Hơn 20 năm đổi mới, Nhà nước đã sử dụng một loạt biện pháp nhằm đổi mới chính sách tiền tệ, đảm bảo “huyết mạch” của nền kinh tế lưu thông thông suốt, góp phần tạo dựng sự ổn định cho nền kinh tế (như: hình thành hệ thống ngân hàng hai cấp theo thông lệ của KTTT; hạn chế, tiến tới ngừng việc phát hành tiền để bù đắp thiếu hụt ngân sách; sử dụng công cụ lãi suất linh hoạt, mềm dẻo với các nguyên tắc lãi suất dương, đặc biệt là thị trường chứng khoán một kênh huy động vốn lớn cho các doanh nghiệp), song cũng như chính sách tài chính, chính sách tiền tệ và ngân hàng ở nước ta còn ở trình độ thấp, nhiều giải pháp còn mang nặng tính tình thế, tính tạm thời. Do vậy, trong tổng thể, việc xây dựng thị trường tài chính- tiền tệ, việc kiểm soát lượng tiền lưu thông trên thị trường, đặc biệt là ngoại tệ phải nhanh chóng hoàn thiện với nhưng chiến lược ổn định lâu dài.