Trong lịch sử phát triển xã hội loài người, kể từ khi ra đời Nhà nước đã sử dụng pháp luật như một công cụ hữu hiệu để quản lý đời sống kinh tế xã hội. Hiện nay ở Việt Nam, khi chúng ta thực hiện bước chuyển từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang KTTT, vai trò pháp luật cực kỳ to lớn. Trong những năm qua, với sự lỗ lực của Đảng và Nhà nước, nhiều luật và bộ luật, nhiều văn bản pháp lệnh đã được ban hành, sửa đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội mới. Trong lĩnh vực kinh tế, chỉ riêng Quốc hội khoá IX (1992- 1997) đã ban hành nhiều luật mới như: Luật công ty và doanh nghiệp tư nhân; luật doanh nghiệp nhà nước; luật hợp tác xã.v.v…Sự ra đời của các bộ luật này đã góp phần tạo dựng khung pháp lý cho kinh tế trong nước ổn định và các thành phần kinh tế nước ta hội nhập với kinh tế thế giới.
Bên cạnh những thành tựu đạt được trong lĩnh vực pháp lý, trong những năm qua “Nhà nước chưa thực sự quản lý bằng pháp luật và theo pháp luật. Hệ thống hành pháp chưa thống nhất và thông suốt từ Trung ương đến địa phương và cơ sở. Quyền lập pháp của hệ thống hành pháp không đầy đủ, hệ thống pháp luật vừa thiếu, không đồng bộ, chưa hoàn chỉnh, vừa có những mặt lạc hậu, không dáp ứng yêu cầu của cơ chế kinh tế và cơ chế thị trường mới cùng những yêu cầu khác”. [17, 45]. Nhiều văn bản pháp luật, dù rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế- xã hội, vừa ra đời đã phải sửa đổi, bổ sung, thậm chí có những nội dung còn cần phải xoá bỏ. Tình trạng này đối với các văn bản dưới luật còn bất cập hơn rất nhiều. Tình trạng vừa thiếu luật, vừa yếu trong việc đưa luật vào cuộc sống đòi hỏi phải “Đổi mới việc xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế- xã hội theo cơ chế thị trường. Bảo đảm tính hệ thống của luật và thông lệ quốc tế. Khẩn trương hoàn thiện và ban hành hệ thống luật kinh tế”. [29, 26]