NHỮNG HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN 1 Cơ chế khoán chi phí của NPC đối với NGC

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng Nâng cao hiệu quả quản lý tài chính tại Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc (Trang 57)

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TẠI CÔNG TY LƯỚI ĐIỆN CAO THẾ MIỀN BẮC

2.4. NHỮNG HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN 1 Cơ chế khoán chi phí của NPC đối với NGC

2.4.1. Cơ chế khoán chi phí của NPC đối với NGC

Hàng năm, cùng với việc lập kế hoạch sản xuất, các công ty thực hiện công tác QLVH, truyền tải điện phải căn cứ vào tình hình thực hiện chi phí truyền tải điện của các năm trước, sản lượng điện truyền tải theo kế hoạch, số km đường dây và số kVA các trạm biến áp hiện hữu...lập kế hoạch khoán chi phí của đơn vị mình trình NPC phê duyệt. Sau đó NPC sẽ thực hiện giao và khoán chi phí truyền tải cho từng công ty, trong đó có NPC như sau:

a/Chi phí sửa chữa lớn (SCL)

CP.SCLn =NG TSCĐ(n-3) x Tscl

Trong đó:

CP.SCLn: Chi phí SCL được giao khoán ở năm thứ n

NG TSCĐ(n-3): Nguyên giá TSCĐ năm thứ (n-3) (trong đó n >3)

Tscl: Tỷ lệ giao khoán xác định trên nguyên giá TSCĐ (T thường =0.9%/

năm theo nguyên giá TSCĐ của năm thứ (n-3)

Theo thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009, tại điều 7 quy định: Các chi phí sửa chữa tài sản cố định không được tính tăng nguyên giá TSCĐ (tối đa khống quá 3 năm) mà được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, như vậy ta có n lớn hơn 3

Việc tính mức khoán chi phí SCL theo cách này, NGC rất khó khăn trong việc điều phối vốn SCL cho các TSCĐ cần thiết phải sửa chữa mới đảm

bảo vận hành hiệu quả, an toàn hoặc làm cho mức khoán chi phí SCL có năm thừa, có năm lại thiếu. Do lưới điện NGC quản lý hiện nay khá lớn, có một số tài sản là trạm và đường dây được xây dựng từ trên 10 năm như: đường dây 110kV Long Bối – TP Thái Bình, trạm biến áp 110kV Trình Xuyên, trạm biến áp 110kV Bình Thủy, trạm biến áp 110kV Mông Dương, trạm biến áp 110kV Tằng Loỏng... có giá trị nguyên giá nhỏ do không có chi phí đền bù giải phòng mặt bằng hoặc các thiết bị nhận từ viện trợ. Các TSCĐ này hiện nay vẫn còn sử dụng đã được hình thành từ khá lâu nên nhu cầu nâng cấp sửa chữa để đảm bảo duy trì hoạt động của chúng là rất lớn nhưng được khoán chi phí SCL thấp. Hoặc các tài sản là đất đai nhà cửa, vật kiến trúc có giá trị lớn nhưng ít thường xuyên cần sửa chữa lại được phân bố mức khoán chi phí SCL cao.

Mặt khác, khi đã duyệt mức khoán chi phí SCL cả năm cho NGC, NPC không ứng trước kinh phí SCL mà căn cứ vào khối lượng thực hiện thực tế tại NGC để cấp vốn. Để có khối lượng SCL phát sinh nghĩa là NGC phải bắt tay vào SCL, phải mua vật tư thiết bị, phải thuê ngoài những hạng mục cần thiết... Chính cách làm như vậy gây bị động trong cân đối sử dụng các nguồn vốn tại NGC.

b/Chi phí vật tư

CPvl =(SKMĐi*ĐMvtĐi)+(SKMKi*ĐMvtKi)+(SKVAi*ĐMvti)

Trong đó: i=110kV

CPvl: Chi phí khoán vật tư theo địnhh mức

SKMĐi: Là số km ĐZ mạch đơn theo cấp điện áp i

ĐMvtĐi: Định mức vật tư cho 1km ĐZ mạch đơn cho cấp điện áp i SKMKi: Là số km ĐZ mạch kép theo cấp điện áp i

ĐMvtKi: Định mức vật tư cho 1km ĐZ mạch kép cho cấp điện áp i

ĐMvti: Định mức vật tư cho 1kVA trạm cho cấp điện áp i

Việc tính chi phí khoán vật liệu theo cách của NPC đã đánh đồng đường dây và trạm biến áp giữa cũ và mới với những trình độ công nghệ kỹ thuật khác nhau. Thực tế tại NGC cho thấy nhu cầu vật liệu (cho công tác sửa chữa thường xuyên, công cụ, dụng cụ vận hành...) có sự khác nhau giữa tuyến đường dây cũng như trạm biến áp cũ và mới. Chẳng hạn như đối với những trạm biến áp hoặc tuyến đường dây cũ (có từ những năm 1990 trở về trước do Liên Xô giúp đỡ xây dựng) hiện nay để tiếp tục quản lý vận hành thường phải duy tu sửa chữa (kể cả sửa chữa thường xuyên và SCL) nhiều, các công cụ dùng để vận hành ngày càng khan hiếm (hàng phải xuất xứ từ Nga) hoặc phải mua với giá khá cao (vì phải đặt từ các hãng lớn) như: xe ra dây, đồng hồ đo thông số kỹ thuật... Mặt khác, nếu là các tuyến đường dây và trạm biến áp mới thì nhu cầu sử dụng vật tư ít hơn.

c/Tiền lương, tiền thưởng vận hành an toàn

NGC là đơn vị hạch toán phụ thuộc NPC, tổng quỹ tiền lương do NPC quyết định phân bổ cho NGC dựa trên các tiêu chí: số lượng cán bộ công nhân viên, tỷ lệ điện truyền tải, tỷ lệ suất sự cố, mức độ hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật khác... Trong các tiêu chí đó thì tỷ lệ suất sự cố là một trong những tiêu chí khá quan trọng. Tuy nhiên việc tính chỉ tiêu tỷ lệ suất sự cố thì chưa thực sự thuyết phục vì ngay việc tính toán tỷ lệ suất sự cố của NPC ban đầu cho NGC đã chưa sát với thực tế. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật khác, khi một công ty truyền tải không hoàn thành sẽ phải giải thích với NPC và việc giải thích này nếu suôn sẻ sẽ là một thuận lợi. Nói chung việc duyệt quỹ lương cho NGC hiện nay vẫn còn mang dáng dấp của cơ chế xin - cho.

Tóm lại do cơ chế khoán chi phí hiện hành chưa sát với thực tế nên chưa khuyến khích tiết kiệm chi phí và phát huy tính tự chủ. Hình thức khoán chi phí truyền tải cho thấy vẫn tồn tại cơ chế xin - cho, khiến tính chủ động NGC bị hạn chế, không phù hợp với yêu cầu nhanh nhạy của nền kinh tế thị

trường. NGC thay mặt NPC quản lý số vốn khổng lồ của Nhà nước nhưng lại là cấp hạch toán phụ thuộc, không có tư cách pháp nhân đầy đủ, do vậy gặp nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch, kinh tế, không có quyền quyết định các vấn đề cấp bách, phù hợp với năng lực quản lý. Trên thực tế, có nhiều trường hợp cần phải đầu tư hay tiến hành nâng cấp năng lực sản xuất TSCĐ để phục vụ kịp thời việc truyền tải điện và làm gián đoạn truyền tải gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Dựa vào cơ chế khoán, định kỳ vào đầu tháng NPC sẽ ứng trước vốn sản xuất cho NGC. Việc ứng vốn này hoàn toàn do NPC định đoạt và thực tế xảy ra hiện tượng có tháng thừa vốn sản xuất, có tháng lại thiếu. Sau đó về quyết toán giữa chi phí truyền tải điện thực hiện trong năm so với mức khoán chi phí truyền tải điện năm, NGC phải hoàn tất việc kiểm toán báo cáo tài chính của năm đó cùng với văn bản giải trình sự biến động giữa chi phí thực hiện với mức khoán chi phí trong năm để quyết toán. Tuy nhiên NPC chưa cho phép NGC tự thuê một công ty kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo tài chính cho mình mà NPC tiến hành ký hợp đồng với một hay một vài công ty kiểm toán độc lập, sau đó chỉ định lịch kiểm toán cụ thể cho khối hạch toán tập trung tại văn phòng NPC. Do các công ty kiểm toán phải thực hiện kiểm toán ở rất nhiều đơn vị trực thuộc nên kết quả kiểm toán có được thường vào cuối quý 2 năm sau. Chính vì điều này đã làm cho tiến độ quyết toán chi phí trong một năm kéo dài đã gây bị động rất lớn đối với NGC trong vấn đề thanh toán các khoản công nợ và trả lương cho cán bộ công nhân viên.

2.4.2.Những tồn tại trong quá trình sử dụng vốn và tài sản a.Bảo toàn vốn và phát triển vốn

Các TSCĐ, chủ yếu là các đường dây và trạm biến áp mới, đã được đưa vào sử dụng nhưng do việc lập các chứng từ và luân chuyển các chứng từ

tăng, tài sản còn nhiều bất cập dẫn đến chưa tăng theo kịp thời trên sổ sách. Cũng có trường hợp việc tăng các TSCĐ khi đưa vào sử dụng chỉ có thể theo các giá trị tạm tính mà các giá trị tạm tính này thường thấp hơn nhiều so với giá trị thực của chúng (giá trị được quyết toán). Sở dĩ có các hiện tượng này là do những TSCĐ như các tuyến đường dây mới, các trạm biến áp mới đưa vào vận hành chủ yếu tiếp nhận từ các Ban quản lý dự án (là đơn vị thay mặt NPC đầu tư các TSCĐ này) nhưng việc quyết toán và chuyển giao hồ sơ từ Ban quản lý dự án sang NGC diễn ra khá chậm chủ yếu xuất phát từ phía các Ban quản lý dự án. NPC chưa có những ràng buộc hoặc biện pháp mạnh để thúc đẩy quá trình này, giúp việc quản lý sử dụng vốn và tài sản được đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, phản ánh đầy đủ cả hiện vật lẫn giá trị.

Chưa tính đủ chi phí khấu hao TSCĐ và chi phí quản lý doanh nghiệp cho hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Thực tế NGC chỉ hạch toán tượng trưng một phần các chi phí này. Việc khó hoặc không thể tính toán đầy đủ các khoản chi phí là do:

1- Đối với chi phí khấu hao TSCĐ: Toàn bộ TSCĐ hiện NGC đang quản lý sử dụng với mục đích phục vụ công tác vận hành lưới điện trong nhiệm vụ được NPC giao, song song đó có sử dụng một số TSCĐ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh khác, việc tính khấu hao TSCĐ vào chi phí được căn cứ vào thời gian sử dụng và mục đích sử dụng nên để tính đầy đủ khấu hao cho hoạt động sản xuất kinh doanh khác đòi hỏi phải xác định chính xác thời gian sử dụng các TSCĐ chỉ riêng cho hoạt động này,

2- Đối với chi phí quản lý doanh nghiệp: Hoạt động hàng ngày của NGC đan xen việc giải quyết hoạt động sản xuất kinh doanh chính và hoạt động sản xuất kinh doanh khác, do đó để tính chính xác chi phí phải xác định được thời gian cũng như phần việc cho từng hoạt động.

Kế hoạch đầu tư xây dựng một số dự án chưa bám sát tình hình nhu cầu sử dụng điện năng hiện tại và trong tương lai của các vùng liên quan đến dự án. Ngoài ra còn có hiện tượng đầu tư không đồng bộ giữa phát triển nguồn và lưới điện. Chính vì vậy, những công trình điện đưa vào sử dụng một thời gian ngắn phải thực hiện chống qua tải để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện năng, các trạm biến áp vẫn cứ được xây dựng để tiếp nhận nguồn điện từ khâu sản xuất. Các trạm biến áp tạm sẽ bị bỏ đi khi trạm biến áp chính được xây dựng là một sự lãng phí rất lớn.

c.Vấn đề quản lý vật tư

Việc lập kế hoạch dự trữ vật tư còn quá nhiều so với nhu cầu thực tế. Điều này đã gây ứ đọng vốn hoặc vật tư để lâu dẫn đến kém, mất phẩm chất. Việc duy trì một lượng hàng tồn kho thích hợp sẽ mang lại cho doanh nghiệp sự thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên NPC chưa xây dựng và ban hành bộ định mức chuẩn về dự trữ vật tư dùng trong sản xuất, kinh doanh cho dự phòng của các đơn vị dẫn đến tình trạng dự trữ vật tư trở thành hàng tồn kho chậm luân chuyển không có khả năng thu hồi vốn.

Giá trị tồn kho vật tư của NGC năm sau có xu hướng cao hơn năm trước. Để có một cơ cấu vật tư, thiết bị cũng như giá trị tồn kho hợp lý đã được NGC nghiên cứu nhiều năm. Nhưng kết quả đạt được còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân là thường xuyên phải tiếp nhận vật tư dự phòng thuộc các công trình chuẩn bị sản xuất từ các Ban quản lý dự án, dự án đầu tư xây dựng bàn giao và hàng dự phòng chiến lược của NPC. Trong đó chỉ có hàng dự phòng chiến lược của NPC là đúng tính chất, còn lại phần lớn là không cần thiết và phải dự phòng. Ngoài ra việc mua sắm vật tư thiết bị ồ ạt theo dự án phục vụ các công trình sửa chữa thường xuyên, SCL..mà chất lượng của các loại dự toán này thường có vấn đề, bộ phận lập dự toán có xu hướng thổi phồng số lượng các vật tư thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu nên sau khi công trình hoàn thành thường có một lượng vật tư thiết bị dư thừa phải nhập lại. Hiện tượng nhập vật tư thừa còn xảy ra do thay đổi thiết kế theo hướng thu

hẹp quy mô so với ban đầu. Việc tận dụng những vật tư này cũng có những hạn chế nhất định vì tính tương tương thích của chúng trong nhu cầu mới.

Mặt khác NPC đã ban hành nhiều văn bản, quy chế phân cấp về đầu tư xây dựng cơ bản, SCL, thanh lý vật tư tài sản nhằm tạo quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh cho các đơn vị trực thuộc nhưng việc phân cấp này không triệt để nên việc thực hiện phân cấp còn hạn chế.

2.4.3.Những tồn tại trong quản lý doanh thu và chi phí

Khâu truyền tải điện cùng với khâu phát điện là 2 khâu có chi phí rất lớn trong hoạt động ngành điện. Do NGC hoạt động theo chế độ cấp phát chi phí dựa vào kế hoạch khoán chi phí, tổ chức hạch toán tập trung tại NPC nên dẫn đến sự không khuyến khích tự chủ trong sản xuất kinh doanh.

Với thực trạng mạng lưới truyền tải điện do NGC đang quản lý vận hành còn tồn tại hiện tượng sử dụng chung cơ sở vật chất kỹ thuật giữa các công ty trong ngành. Chẳng hạn như trên cùng một trụ điện cao áp có tuyến đường dây của NGC và cũng có tuyến đường dây do công ty khác quản lý hoặc trong trạm biến áp lại có thiết bị đo đếm kỹ thuật của đơn vị khác trong ngành. Trong những trường hợp này NPC quy định nếu là trụ điện thì tuyến đường dây của công ty nào có cấp điện áp cao hơn sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo dưỡng, duy tu; còn trạm biến áp là công ty đang trực tiếp quản lý vận hành có trách nhiệm duy trì hoạt động của trạm biến áp đó. Như vậy toàn bộ chi phí phát sinh liên quan để đảm bảo cho các trụ điện, các trạm biến áp hoạt động an toàn, liên tục sẽ chỉ do một bên nào đó gánh chịu mà không được chia sẻ cho các bên có liên quan. Do đó việc tập hợp chi phí sẽ không chính xác, một bên tập hợp "thừa", một bên tập hợp "thiếu".

NPC cũng rất thường tổ chức hội nghị, hội thảo cho các thành viên trong ngành nhưng giao trách nhiệm chủ trì cho một đơn vị, NGC là một trong những đơn vị thường nhận nhiệm vụ đó. Toàn bộ chi phí phát sinh sẽ do đơn vị chủ trì tổ chức chịu. Những chi phí này không được đề cập trong mức khoán chi phí ban đầu. Như vậy nếu trong năm có nhiều đợt hội nghị, hội thảo

như thế mà NGC là đơn vị chủ trì sẽ là gánh nặng không nhỏ cho NGC, ảnh hưởng đến thành tích thi đua, khen thưởng.

2.4.4.Những tồn tại trong phân phối lợi nhuận và sử dụng các quỹ

Lợi nhuận sau thuế theo quy định hiện nay phải chuyển về NPC do nguồn gốc vốn phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh khác tại NGC đều thuộc NPC. Như vậy việc trích lập các quỹ từ lợi nhuận sau thuế (trừ quỹ dự phòng tài chính) sẽ không còn,.

NGC hạch toán phụ thuộc NPC, không xác định kết quả sản xuất kinh doanh đối với hoạt động truyền tải điện năng. Kết quả của hoạt động này sẽ được NPC hạch toán tập trung tại NPC. Do đó NPC cũng quản lý tập trung các nguồn quỹ của khối đơn vị hạch toán tập trung tại NPC. gồm quỹ đầu tư phát triển sản xuất, quỹ dự phòng tài chính, quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm, quỹ khen thưởng phúc lợi. Sau đó NPC thực hiện phân phối các quỹ này theo quy chế phân phối nội bộ. Chẳng hạn như đối với quỹ khen thưởng phúc lợi, sau khi cân đối, NPC sẽ chuyển cho NGC một lượng nhất định để NGC ghi nhận quỹ khen thưởng phúc lợi tại NGC. Việc chi tiêu quỹ này tại NGC thực hiện theo quy trình hiện hành.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng Nâng cao hiệu quả quản lý tài chính tại Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc (Trang 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w