Kết luận chương

Một phần của tài liệu luận văn Phương pháp sử dụng trò chơi ngôn ngữ (Trang 93)

- Loại tá ý theo phương thức tổ hợp nét nghĩa

3.3. Kết luận chương

Chơi chữ có một vai trò quan trọng trong việc xây dựng câu đố. Các biện pháp chơi chữ được sử dụng rất đa dạng: chơi chữ bằng các phương tiện ngữ âm và chữ viết (đồng âm, nói lái, câu đố chữ quốc ngữ, câu đố chữ Hán), chơi chữ bằng phương tiện ngữ nghĩa (đồng nghĩa, trái nghĩa, tạo nước đôi về nghĩa, tách nhập trường nghĩa),câu đố sử dụng ngữ liệu ngoài văn bản (câu đố dùng cách tá ý). Trong nhóm các biện pháp chơi chữ, thì chơi chữ bằng phương tiện ngữ âm và chữ viết chiếm số lượng nhiều nhất, sau đó đến chơi chữ bằng phương tiện ngữ nghĩa. Đi vào các biện pháp cụ thể , đồng âm và đồng nghĩa là hai biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất.

Qua việc tìm hiểu các biện pháp tu từ trong câu đố dân gian của người Việt, chúng tôi tổng kết lại những vấn đề sau:

1. Câu đố là một loại hình văn học dân gian phản ánh sự vật và hiện tượng của thế giới khách quan theo lối nói chệch, nói một đằng hiểu một nẻo. Phương pháp này xuất phát từ những nét giống nhau giữa vật đố và vật được miêu tả trong lời đố.

2. Trong câu đố có hai đối tượng được đề cập: vật đố và hình ảnh ẩn dụ của

nó. Tập hợp những vật đố hợp thành thế giới vật đố. Tập hợp những hình ảnh ẩn dụ

của vật đố tạo nên thế giới liên tưởng từ vật đố. Thế giới vật đố gồm đồ dùng lao động và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, những công việc và thao tác lao động, sinh hoạt, những sự vật và hiện tượng quen thuộc khác. Thế giới những vật thay thế cho vật đố là thế giới được “sáng tác” ra từ nguyên mẫu vật đố chủ yếu dựa vào liên tưởng, tưởng tượng. Đây là một thế giới vừa có vẻ ngoài kỳ dị, vừa thân quen, sống động và có hồn. Thế giới thứ nhất là phản ánh trực tiếp của hiện thực khách quan. Thế giới thứ hai là phản ánh của thế giới thứ nhất qua lăng kính liên tưởng, tưởng tượng của những người chơi trò đố - giảng.

3. Nguồn khoái cảm nghệ thuật chủ yếu tìm thấy trong câu đố là ở chỗ khéo vận dụng trí thông minh và những hiểu biết về thế giới khách quan mà khám phá ra cho được những sự vật, hiện tượng trình bày một cách nửa kín nửa hở. Những điều này có được là do người đố đã biết vận dụng một cách triệt để hầu hết những biện pháp tu từ có trong ngôn ngữ để tạo ra những câu đố với những hình ảnh được là hóa để đánh đố người giải.

Các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu đố rất phong phú, đa dạng và linh hoạt. Các biện pháp tu từ này được chia làm hai nhóm: nhóm các cách chuyển trường trong câu đố (nhân hóa, động vật hóa, tự nhiên hóa và so sánh); nhóm các biện pháp chơi chữ (chơi chữ bằng các phương tiện ngữ âm và chữ viết, chơi chữ bằng phương tiện ngữ nghĩa, câu đố dùng cách tá ý). Tất cả các biện pháp nằm trong hai nhóm này đều được các nhà nghiên cứu câu đố gọi là những ẩn dụ đặc biệt - ẩn dụ không có qui ước và giới hạn hay phương pháp chuyển hoá tự do của câu.

Trong nhóm các cách thức chuyển trường, có thể thấy biện pháp nhân hóa và so sánh được sử dụng với tần số lớn nhất, điều này cho thấy các tác giả dân gian khi sáng tác câu đố thường có sự liên tưởng đến chính bản thân con người, làm cho sự vật, hiện tượng đội lốt con người. So sánh cũng được sử dụng nhiều thể hiện sự linh hoạt, nhạy bén của người đố trong việc nhìn nhận, đối chiếu sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng kia.

Trong nhóm các biện pháp chơi chữ, thì chơi chữ bằng phương tiện ngữ âm và chữ viết chiếm số lượng nhiều nhất, sau đó đến chơi chữ bằng phương tiện ngữ nghĩa. Đi vào các biện pháp cụ thể, chúng tôi nhận thấy, đồng âm và đồng nghĩa là hai biện pháp tu từ được sử dụng nhiều hơn cả.

Qua việc khảo sát, tìm hiểu các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu đố, có thể thấy việc sử dụng các biện pháp tu trong câu đố ngoài việc tạo hiệu quả nghệ thuật còn có chức năng thực tế là đánh lạc hướng suy nghĩ của người giải đố bằng sự vi phạm qui tắc chiếu vật đã khẳng định tính hấp dẫn, lôi cuốn của câu đố. Câu đố đưa người đọc, người nghe vào một mê cung, phải khó khăn lắm mới tìm ra lối ra. Và càng đi vào mê cung này thì người đọc càng cảm thấy thú vị. Sự đánh lừa có chủ ý của người đố là kết quả của quá trình sáng tạo câu đố. Nhưng ở đây người mắc lừa không hề tỏ ra tức giận mà ngược lại, họ cảm thấy hả hê sung sướng sau khi tìm ra lời giải đáp. Đây chính là nghịch lý mà chỉ trong câu đố mới có.

Xét cho cùng nghệ thuật đố chính là nguyên tắc mã hóa, là cách giấu tên đối tượng đố. Câu đố sử dụng các biện pháp tu từ để đánh lạc hướng người ta bằng cách chuyển từ sự vật này sang sự vật kia, làm cho sự vật so sánh vừa “giống” đối tượng được đố lại không quá “lộ”. Cái hay của câu đố chính là ranh giới giữa hai điều này. Chính vì thế, câu đố đòi hỏi một sự suy luận khách quan có căn cứ nên người giải phải biện minh cho căn cứ của mình. Quá trình tìm ra vật đố là quá trình vận động của tư duy lôgic kết hợp với tư duy hình tượng.

4. Câu đố là một trò chơi trí tuệ bằng ngôn từ, nó cung cấp cho con người vốn tri thức phong phú, đa dạng về thế giới khách quan. Có thể nói, câu đố gần như một bộ từ điển bách khoa về thế giới hữu hình (thế giới vật thể). Thế giới sự vật,

hiện tượng trong câu đố là thế giới động, thế giới có hồn. Câu đố như một lăng kính mà khi đã đi qua lăng kính này, sự vật hiện tượng này đều mang màu sắc mới, sinh động nhưng cũng rất chân thực. Điều này cũng chứng tỏ chính trên cơ sở kinh nghiệm sống, kinh nghiệm quan sát thế giới khách quan mà trí thông minh, óc tưởng tượng của con người được nảy nở, phát triển mạnh mẽ.

Học câu đố cũng chính là một các học tiếng Việt, đặc biệt là với trẻ em. Khám phá thế giới qua câu đố là cách học dễ nắm bắt nhất. Câu đố giúp các em học cách quan sát, nâng cao nhận thức, phát triển tư duy. Không những vậy, câu đố còn giúp ích trong viêc học tiếng Việt của người nước ngoài. Câu đố giúp họ hiểu thêm về cách nhìn, cách nghĩ, cách tư duy của người Việt. Có thể khẳng định, câu đố là một phương tiện nhận thức vừa thỏa mãn được nhu cầu nhận thức, vừa thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân lao động.

Một phần của tài liệu luận văn Phương pháp sử dụng trò chơi ngôn ngữ (Trang 93)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w