Thất thu thuế qua việc phân loại và áp mã hàng hóa (mô tả sai)

Một phần của tài liệu Giải pháp chống thất thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.PDF (Trang 87)

- Thất thu do khai sai trị giá

3.2.3. Thất thu thuế qua việc phân loại và áp mã hàng hóa (mô tả sai)

Hải quan Việt Nam đã thực hiện phân loại hàng hóa theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan Thế giới (HS) và Danh mục Biểu thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN). Các văn bản quy định về phân loại hàng hóa, xác định mức thuế tương đối đầy đủ, đồng bộ, quy định rõ nguyên tắc, căn cứ phân loại; trách nhiệm của người khai hải quan, cơ quan hải quan; trình tự, thủ tục phân loại trước; phân tích - phân loại; kiểm tra việc phân loại hàng

hóa và áp dụng mức thuế ..., tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện phân loại hàng hóa, xác định mức thuế thuận lợi. Đã sửa đổi Biểu thuế NK ưu đãi theo hướng giảm bớt số lượng mức thuế suất (đã giảm từ 48 mức xuống 42 mức thuế); thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch mức thuế giữa các mặt hàng có mức độ chế biến không cách xa nhau; quy định mức thuế bằng nhau đối với hầu hết các mặt hàng dễ lẫn, khó phân biệt; hướng dẫn tiêu chuẩn phân biệt cho các mặt hàng tương tự nhau nhưng Biểu thuế quy định mức thuế khác nhau; quy định mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng ô tô đã qua sử dụng NK.v.v. Qua đó khắc phục cơ bản tình trạng vướng mắc về mức thuế NK, hạn chế gian lận thương mại, trốn thuế. Quy định về các trường hợp phân loại trước tại Thông tư 49/2010/TT-BTC chưa đáp ứng nhu cầu được phân loại trước, cần sửa đổi để mở rộng đối tượng phân loại trước để khắc phục tình trạng phân loại không thống nhất, giảm sai sót phải truy thu thuế, giúp doanh nghiệp chủ động tính toán hiệu quả kinh doanh. Công ước HS và AHTN có tính kỹ thuật cao, đòi hỏi người áp dụng phải hiểu về hàng hóa và các quy tắc áp dụng nhưng các tài liệu hỗ trợ cho phân loại hàng hoá như Chú giải nhóm HS, Danh mục Bảng chữ cái của WCO, tuyển tập ý kiến của WCO chưa được ban hành công khai [116], [118]. Công tác hỗ trợ pháp luật cho người nộp thuế chưa mang tính chuyên sâu, chuyên nghiệp v.v… nên người khai Hải quan chưa hiểu kỹ, sâu về các quy tắc và cách thức phân loại, vì vậy nhiều trường hợp đã phân loại sai, thất thu ngân sách. Cụ thể:

Việc phân loại và áp mã hàng hóa nhập khẩu để xác định thuế suất thuế nhập khẩu hàng hóa phải được tiến hành dựa trên 06 quy tắc phân loại tổng quát; các tài liệu trong hồ sơ Hải quan liên quan đến phân loại hàng hóa; thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; các tài liệu kỹ thuật, catalogue của hàng hóa cần phân loại, mô tả tên hàng, mã số hàng hóa ghi tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Ngoài ra, còn căn cứ vào văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định đặc điểm, tính chất, cấu tạo, công dụng

hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng hóa, chú giải chi tiết HS, chú giải bổ sung AHTN. Tuy nhiên, với việc thúc đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa, giảm tỷ lệ và mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa nên việc xác định, kiểm tra tính chính xác trong mô tả hàng hóa của doanh nghiệp là rất khó khăn. Thêm vào đó, có rất nhiều mặt hàng có cấu tạo và tính chất phức tạp đòi hỏi trình độ chuyên môn cao của người kiểm tra, cũng như phải áp dụng các phương tiện máy móc kỹ thuật mới có thể xác định được.

Các hình thức thất thu thuế XNK qua việc phân loại và áp mã hàng hoá có thể dưới các hình thức chủ yếu sau:

Một là, cách doanh nghiệp khai báo thông tin mô tả hàng hóa không đầy đủ hoặc không chính xác như: khai sai tên hàng, thiếu thành phần cấu thành, chức năng công dụng không đầy đủ hoặc đối với các mặt hàng có tên gọi giống nhau nhưng có mã số và mức thuế chênh lệch khác nhau tùy theo các chỉ tiêu kỹ thuật thì khai báo sai kích thước, thành phần, mức độ gia công,…Ví dụ: Theo hiệp hội thép Việt Nam, một số doanh nghiệp đã nhập khẩu thép cuộn chứa chất Bo từ Trung Quốc nhưng khai là thép hợp kim, nhằm hưởng thuế nhập khẩu 0%. Việc gian lận thuế nhập khẩu thép này sẽ khiến giá thép nhập khẩu rẻ hơn, doanh nghiệp sản xuất thép trong nước không thể cạnh tranh được và nguy cơ phải ngừng sản xuất rất có thể xảy ra. Trong khi đó, theo quy định, thép có chứa chất Bo cũng giống như thép xây dựng nhập khẩu thông thường phải chịu thuế nhập khẩu là 12%. Vụ việc được Hiệp hội Thép Việt Nam phát hiện và trình báo cơ quan chức năng điều tra, truy thu thuế. Ngay sau đó Liên Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã kiểm tra, xác minh, phát hiện gian lận và thống nhất truy thu thuế loại thép này ở mức 15% và truy thu cả những lô thép đã nhập khẩu.

Phân loại áp mã tính thuế hàng hóa đang trở thành lĩnh vực gây ra nhiều tranh cãi giữa Hải quan và doanh nghiệp. Cùng một mặt hàng, nhiều doanh nghiệp khai tên khác nhau, áp mã khác nhau và kéo theo đó là mức thuế chênh

lệch nhau rất lớn. Một ví dụ khác: cùng mặt hàng có tên tiếng Anh là "Silver target", có doanh nghiệp khai báo là "bạc khối" (nguyên liệu dùng để sản xuất đĩa CD-R) với mức thuế nhập khẩu 30%; nhưng lại có doanh nghiệp khai là "hộp khuôn bạc" với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Chỉ riêng Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu Hải quan TP.HCM từ đầu năm đến nay đã lập 169 biên bản chứng nhận doanh nghiệp khai sai mã hàng hóa, với số thuế điều chỉnh tăng trên 3,6 tỉ đồng. Hoặc như tại Hải quan Hải Phòng, tính từ năm 2010 đến hết tháng 3/2012, các chi cục Hải quan cửa khẩu đã phát hiện, xử lý 570 vụ gian lận liên quan đến phân loại, áp mã hàng hóa, truy thu trên 33 tỉ đồng.

Hai là, gian lận qua tên hàng, chủng loại: Doanh nghiệp lợi dụng sự thông

thoáng trong thông quan hàng hoá (miễn kiểm tra thực tế hàng hoá, kiểm tra theo tỉ lệ), khai báo sai tên hàng, sai chất liệu, sai phẩm cấp của hàng hoá nhằm giảm giá trị hàng hoá nhập khẩu. Ví dụ: Doanh nghiệp khai báo đồ nội thất (bàn, ghế, tủ quần áo, tủ bếp) chất liệu bằng bột gỗ ép nhằm làm giảm giá trị hàng hoá. Thực tế, các nước tiên tiến thường dùng chất liệu gỗ công nghiệp trong sản xuất hàng hoá và để đạt được tiêu chuẩn chất lượng của những nước này (như Italia, Tây ban nha …) thì hàng hoá đều phải có phẩm cấp rất cao. Nhiều trường hợp khai sai tên, cấu tạo, đặc điểm, tính chất, mục đích sử dụng của hàng hóa để được phân loại vào mã số có mức thuế thấp đặc biệt là các mặt hàng mới, cấu tạo phức tạp, dễ lẫn, khó phân biệt. Trung bình hàng năm có khoảng 10.000 mẫu được phân tích phân loại trong đó mẫu khai báo đúng khoảng 47%, sai khoảng 53%, giảm thuế khoảng 7,4%. Có trường hợp khai báo hàng hóa thiết bị đồng bộ, toàn bộ nhưng thực tế hàng hóa không thỏa mãn các quy định hàng hóa thiết bị đồng bộ, toàn bộ. Khai báo hàng hóa linh kiện rời không đầy đủ nhưng thực tế là nhập khẩu đầy đủ linh kiện tách rời thành nhiều lô, nhiều chuyến, nhiều cửa khẩu, do nhiều đơn vị khác nhau nhập khẩu để tránh bị phân loại theo nguyên chiếc v.v…và được hưởng mức thuế suất thấp. Ví

dụ: Mới đây, Cục Hải quan Cao Bằng đã lật tẩy một hành vi thay đổi tên mặt hàng nhập khẩu của một số DN để áp sai mã số thuế có thuế suất thuế NK 0% và truy thu trên 143 triệu đồng cho ngân sách. Qua nắm bắt thông tin, Chi cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), Cục Hải quan Cao Bằng phát hiện một số DN nhập khẩu hàng hóa có nhiều tên khai báo như “Hồ điện cực dùng cho lò nung”, “than điện cực dùng cho lò nung”, “điện cực than dùng cho lò nung”.

Nghi vấn nằm ở chỗ dù có nhiều tên gọi khác nhau nhưng lại đều được DN khai cùng vào một mã số là 8545.11.00, có thuế suất thuế NK là 0%. Khi tiến hành KTSTQ (tại trụ sở DN), đại diện DN cho biết, hàng hóa là “hồ điện cực” (như DN khai báo) khi NK có dạng bánh với nhiều kích thước khác nhau. Công ty NK để phục vụ nhu cầu sản xuất. Khi nhập về nếu hàng hóa ở dạng cục to sẽ được nghiền nhỏ sau đó đổ vào ống thép tạo thành cây điện cực để dẫn điện giúp phát hồ quang, sinh nhiệt để làm nóng chảy quặng. Tuy nhiên, qua việc nghiên cứu các tài liệu kĩ thuật của cơ quan chuyên môn và phân loại hàng hóa trong danh mục và biểu thuế XNK, Chi cục KTSTQ Cao Bằng nhận thấy thực chất hàng hóa DN nhập về chỉ là dạng nguyên liệu Carbon để tạo thành cây điện cực trong lò nung, không phải “than điện cực” dùng trong lò nung như DN khai báo. Bởi nếu hàng hóa là “than điện cực” hoặc “điện cực than” dùng cho lò nung với mã số 8545.11.00 phải là sản phẩm hàng hóa hoàn chỉnh được sản xuất theo sơ đồ, thiết kế và nhu cầu của người sử dụng, lắp ráp trực tiếp vào hệ thống máy móc, thiết bị.

Ba là, lợi dụng chính sách ưu đãi thuế của nhà nước đối với linh kiện nhập khẩu thường có thuế nhập khẩu thấp hơn so với hàng đồng bộ, doanh nghiệp đã chia nhỏ hàng hóa đồng bộ ra thành linh kiện để tiến hành nhập khẩu nhiều lần theo các chuyến hàng khác nhau hoặc nhập hàng hóa đồng bộ nhưng tháo rời chia nhỏ cho nhiều công ty khác nhau (có quan hệ với nhau) cùng nhập khẩu hàng để được áp mã và tính thuế suất thuế nhập khẩu với linh kiện, sau đó tiến hành lắp ráp để thành hàng hóa hoàn chỉnh nhằm hưởng chênh lệch thuế.

Kết hợp với việc gian lận bằng thủ đoạn nhập khẩu các chi tiết, linh kiện rời không đồng bộ trong từng lô hàng nhập khẩu (nhưng lại là đồng bộ qua nhiều lô hàng nhập khẩu), doanh nghiệp sẽ khai báo giá của các chi tiết, linh kiện rời trên cơ sở chia nhỏ từ giá của bộ linh kiện (trên thực tế giá giao dịch của các chi tiết tháo rời dùng để lắp ráp sản phẩm nguyên chiếc thường được tính theo bộ sản phẩm nguyên chiếc), đồng thời, phân bổ giá thấp cho các chi tiết, kinh kiện nào có thuế suất cao và ngược lại, để sao cho số thuế phải nộp cho bộ linh kiện là thấp nhất. Rất khó phát hiện và xác định được bằng chứng gian lận của thủ đoạn này vì tổng số tiền thanh toán cho lô hàng thường là đúng với trị giá đã khai báo. Ví dụ: Điển hình là một thương hiệu điện tử điện lạnh nổi tiếng tại Việt Nam: Công ty Sanyo Ha Asean, Cục Hải quan Đồng Nai đã phát hiện nhiều lần doanh nghiệp cố tình gian lận trong việc khai báo, nộp thuế nhập khẩu điều hòa nguyên chiếc. Theo phản ánh, Cục Hải quan Đồng Nai gửi tới Tổng cục Hải quan về những phản ánh của công ty Sanyo Ha Asean đã có các thủ đoạn gian lận rất tinh vi, cố ý tìm cách khai báo giảm số thuế phải nộp. Cụ thể như: Giai đoạn 2007-2008, công Sanyo Ha Asean đã nhập khẩu bộ linh kiện đồng bộ, qua công đoạn lắp ráp đơn giản thành sản phẩm máy điều hòa không khó hoàn chỉnh. Khi đưa hàng về Việt Nam, công ty đã chia từng loại linh kiện nhập khẩu thành nhiều lô hàng tại nhiều thời điểm khác nhau để được phân loại tính thuế theo linh kiện rời rạc. Kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan Đồng Nai đã phát hiện vi phạm này (khai báo sai mã số thuế linh kiện máy điều hòa không khí nhập khẩu) và đã tiến hành truy thu số thuế lên đến xấp xỉ 70 tỷ đồng. Trường hợp Công ty Chế tạo máy (TP.HCM), khai báo nhập khẩu phụ tùng máy phát điện MECC là Roto. Sau đó doanh nghiệp tiếp tục mở tờ khai Hải quan nhập khẩu phụ tùng của máy phát điện MECC là Stato. Kết quả kiểm tra của cơ quan Hải quan cho thấy, nếu gộp toàn bộ linh kiện nhập khẩu tại 2 tờ khai này lại sẽ là máy phát điện đồng bộ. Nếu thực hiện trót lọt, doanh nghiệp đã

trốn được 250 triệu đồng tiền thuế. Không chỉ tách tờ khai, một số doanh nghiệp còn có chiêu thức tinh vi hơn, đó là nhập hàng hóa đồng bộ, nhưng tháo rời, chia nhỏ cho nhiều công ty khác nhau (có quan hệ với nhau) cùng nhập khẩu hàng. Vẫn Hải quan TP.HCM đã phát hiện một doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng bộ phận của micro, nhưng thiếu thiết bị lọc; còn một công ty khác nhập khẩu mặt hàng thiết bị lọc của micro. Cả 2 doanh nghiệp này có cùng đối tác mua hàng, đóng hàng nhập khẩu cùng container… Rõ ràng, hàng hóa của 2 doanh nghiệp này là một thiết bị hoàn chỉnh. Năm 2011, Công ty TNHH Luxx Việt Nam nhập khẩu (qua cảng Đình Vũ, Hải Phòng) bộ linh kiện đèn compact nhưng doanh nghiệp khai báo là linh kiện rời. Kết quả xác minh của cơ quan Hải quan cho thấy, toàn bộ lô hàng trên là linh kiện đồng bộ. Số thuế bị ấn định truy thu cho lô hàng này lên tới trên 824 triệu đồng.

Một phần của tài liệu Giải pháp chống thất thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.PDF (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(192 trang)