- Thất thu do khai sai trị giá
3.2.5. Thất thu thuế đối với loại hình kinh doanh tạm nhập, tái xuất
Hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất chủ yếu tạm nhập qua cảng Hải phòng, tái xuất đi Trung Quốc, về bản chất vừa có TN-TX, vừa có dịch vụ trung chuyển hưởng hoa hồng; do các doanh nghiệp kinh doanh TN-TX chủ yếu làm dịch vụ cho các doanh nghiệp Trung Quốc, dẫn đến thường xuyên bị động từ nguồn hàng, điều kiện giao nhận, thanh toán, chi phí, thời gian tái xuất thường bị kéo dài, cửa khẩu xuất,… hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất đi Trung Quốc có đặc điểm là không đi thẳng được sang Trung Quốc mà thường phải dỡ ra, chia nhỏ để vận chuyển qua biên giới nên dễ bị thẩm lậu vào nội địa. Do hoạt động TN-TX chủ yếu thực hiện theo hình thức biên mậu, trong khi đó cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các thương nhân, giữa thương nhân và hãng tàu, giữa thương nhân và các cơ quan quản lý còn hạn chế, việc nắm bắt thông tin chính sách biên mậu của Trung Quốc còn chưa kịp thời; một số doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu mạnh ai người ấy làm, kinh doanh bằng mọi giá dẫn đến giá dịch vụ thu được từ chủ hàng nước ngoài ngày càng giảm, gây thiệt hại đến lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cũng do cơ chế phối hợp chưa tốt nên các cơ quan quản lý chưa điều tiết được lượng hàng đưa về cảng, phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra tại các cửa khẩu, điểm thông quan trên biên giới làm cho hàng hóa không tái xuất được đã gây ra tình trạng tồn đọng, ùn tắc tại các cảng biển, cửa khẩu biên giới; Các phương tiện chở hàng tạm nhập tái xuất chủ yếu là bằng container có tải trọng lớn, trong khi đó hạ tầng giao thông của Việt Nam còn thiếu và yếu là một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng đường bị hư hỏng, xuống cấp. Trong những mặt hàng tạm nhập, tái xuất, có những mặt hàng có nguy cơ thẩm lậu cao như: thuốc lá, rượu ngoại, bia. Trong khi công tác quản lý đường biên giới của ta có lúc, có nơi còn chưa chặt
chẽ; lợi dụng để vận chuyển hàng cấm (ma túy, ngà voi, động vật quý hiếm cấp đông, ắc quy, phế thải,…); Khai báo tên hàng trên tờ khai không đúng với tên hàng trong giấy phép hoặc mặt hàng cấm nhập hoặc phải có giấy phép khai thành mặt hàng không cần giấy phép để gian lận…;
Cơ chế, chính sách quản lý và thủ tục Hải quan đối với hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất quá thông thoáng, nên đối tượng hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa quá rộng. Chính sách thuế đối với loại hình kinh doanh tạm nhập, tái xuất cũng còn bất cập, cụ thể: thời hạn được phép lưu giữ tại Việt Nam tối đa tới 180 ngày và đối với hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất thông thường doanh nghiệp có thể mang hàng về bảo quản trong thời gian lưu giữ tại Việt Nam cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cơ quan Hải quan trong việc giám sát quản lý tính nguyên trạng của hàng hóa, thời hạn nộp thuế là 15 ngày kể từ ngày hết hạn tạm nhập (như vậy tính từ ngày tạm nhập thì thời gian ân hạn thuế tối đa lên đến 195 ngày), doanh nghiệp lợi dụng khai loại hình tạm nhập, tái xuất nhưng thực chất là tiêu thụ nội địa, sau đó khai bổ sung chuyển loại hình nhập khẩu để kéo dài thời gian phải nộp thuế (bán hàng xong mới có tiền nộp thuế).
Việc giám sát, quản lý hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất được triển khai đồng bộ giữa các lực lượng chuyên trách của cơ quan Hải quan như khâu thủ tục thông quan, khâu giám sát, khâu kiểm tra kiểm soát, khâu thanh khoản tờ khai tạm nhập, tái xuất tương ứng với các khâu đó có các lực lượng: Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Giám sát quản lý, Cục thuế xuất, nhập khẩu, Thanh tra Tổng cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan nhưng công tác phối hợp chưa thực sự tốt, khối lượng công việc lớn nên hiệu quả còn hạn chế.
Khâu tổ chức thực hiện tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu đôi khi vẫn còn chưa đúng quy trình. Có trường hợp có nghi ngờ bản chất của hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực chất là hoạt động quá cảnh, hoạt động chuyển khẩu đơn thuần nhưng chưa kiên quyết đấu tranh với chủ hàng để giải quyết thủ tục Hải quan theo đúng bản chất của hoạt động mà vẫn chấp nhận cho doanh
nghiệp được đăng ký tờ khai theo loại hình kinh doanh tạm nhập, tái xuất dẫn đến tình trạng khi cơ quan phát hiện có vi phạm thì doanh nghiệp thường từ chối nhận hàng để trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật.
Việc thực hiện FAX tờ khai tái xuất để theo dõi thanh khoản cho chi cục cửa khẩu tạm nhập của một số chi cục Hải quan cửa khẩu xuất về thời gian còn chưa thực hiện theo đúng quy định, ảnh hưởng đến thời gian thanh khoản tờ khai của chi cục mở tờ khai tạm nhập; Các đơn vị chức năng của Tổng cục Hải quan chỉ mới chú trọng về hướng dẫn văn bản, cơ chế chính sách mà chưa kịp thời tổ chức kiểm tra quá trình thực hiện tại địa phương, chưa tổ chức theo dõi việc thanh khoản tờ khai tạm nhập tại địa phương, khâu kiểm tra sau thông quan chưa chú trọng kiểm tra đối với loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất.