Lịch sử phát triển xã hội loài người cho thấy thuế ra đời, tồn tại và phát triển gắn liền với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước. Để có nguồn tài chính đáp ứng nhu cầu chi tiêu, Nhà nước thường sử dụng bốn hình thức động viên là: bán tài nguyên, quyên góp của dân, vay dân và dùng quyền lực bắt dân phải đóng góp. Trong đó, quyên góp và vay thêm của dân là những hình thức không mang tính ổn định lâu dài, thường chỉ được sử dụng giới hạn trong những trường hợp đặc biệt. Để đáp ứng nhu cầu chi tiêu thường xuyên, Nhà nước dùng quyền lực chính trị buộc dân phải đóng thuế. Có rất nhiều định nghĩa về thuế như:
“Thuế là một khoản tiền hay hiện vật mà người dân hoặc các tổ chức kinh doanh, tùy theo tài sản, thu nhập, nghề nghiệp v.v... buộc phải nộp cho Nhà nước theo mức quy định” [61, tr.15]; hoặc “Thuế là một hình thức phân phối thu nhập tài chính của Nhà nước để thực hiện chức năng của mình, dựa vào quyền lực chính trị, tiến hành phân phối sản phẩm thặng dư của xã hội một cách cưỡng chế bắt buộc không hoàn lại” [62, tr.25], hoặc “Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc từ các thể nhân và pháp nhân cho Nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật quy định nhằm sử dụng cho mục đích công cộng” [63, tr.15], hoặc “Thuế là khoản nộp bắt buộc mà các pháp nhân và thể nhân có nghĩa vụ phải nộp cho Nhà nước trên cơ sở các văn bản pháp luật do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành, không mang tính chất đối giá và hoàn trả trực tiếp cho đối tượng nộp” [108, tr.24].
Như vậy, tổng quát lại, thuế có thể được hiểu “ Thuế là một khoản tiền hoặc hiện vật mà các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi đóng góp theo luật định cho Nhà nước theo mức độ, thời hạn cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước”. Một phần thuế được trả về người dân một cách gián tiếp dưới các hình thức như trợ cấp xã hội, phúc lợi xã hội và các quỹ tiêu dùng khác.
Thuế quan là loại thuế mà các nước đánh vào hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm huy động nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước, bảo hộ sản xuất và can thiệp vào quá trình hoạt động ngoại thương, buôn bán trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia. Theo Từ điển Luật học: “Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là một loại thuế gián thu đánh vào các loại hàng hóa XK, NK qua cửa khẩu biên giới” [110, tr 78].
Theo từ điển Kinh tế học (Anh - Việt giải thích): “Thuế nhập khẩu (Import duty) là khoản thuế mà Chính phủ đánh vào sản phẩm nhập khẩu. Thuế nhập khẩu được sử dụng để tăng nguồn thu cho Chính phủ và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài” [111]. Từ các định nghĩa khác nhau về thuế nêu trên, ta có thể hiểu về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu như sau:
Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là sắc thuế đánh vào hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu trong quan hệ thương mại quốc tế. Thuế quan là cách gọi chung của hai loại thuế trong lĩnh vực thương mại quốc tế là thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là loại thuế đánh vào hàng hoá được chuyên chở qua biên giới hoặc lãnh thổ hải quan. Thông thường, các nước đều không đánh thuế xuất khẩu để khuyến khích hoạt động xuất khẩu ngoại trừ một số ít mặt hàng là nguyên liệu thô, tài nguyên, khoáng sản. Ngược lại, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đều bị đánh thuế nhập khẩu ngoại trừ một số mặt hàng khuyến khích nhập khẩu.
Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là một trong những loại thuế xuất hiện từ thời kỳ cổ đại, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Vào thế kỷ thứ 17 - 18
thuế xuất khẩu, nhập khẩu thịnh hành rộng rãi ở Anh và Pháp. Sau đó, chúng được sử dụng ở tất cả các nước có quan hệ buôn bán hàng hoá, dịch vụ với các nước khác trên thế giới.