e. Nguồn huy động qua thị trường vốn quốc tế
1.6. Kinh nghiệm huy động vốn đầu tư phát triển kinh tế 1 Ở Nhật Bản
1.6.1. Ở Nhật Bản
Việc huy động vốn và sử dụng vốn trong giai đoạn phát triển kinh tế của Nhật Bản có những đặc trưng cơ bản:
Nhật Bản đã thực hiện chính sách tài chính và tiền tệ nhằm mục đích duy nhất là tăng trưởng kinh tế. Thể hiện:
Về tài chính: chi tiêu ngân sách triệt để tiết kiệm, Chính phủ thực hiện nguyên tắc “chỉ được phép chi trong những khoản thu” đã được cho thu chi cân bằng và thậm chí ngân sách thặng dư. Khi tăng trưởng kinh tế cao làm chi ngăn sách thâm hụt, Chính phủ chọn phương pháp phát hành công trái nhằm vay nợ để tài trợ cho khu vực sản xuất kinh doanh. [7, tr 29,30].
Sử dụng công cụ thuế nhằm kích thích đầu tư và đẩy nhanh tích lũy. Trong thời gian này, thuế trực thu tăng nhanh và thuế gián thu giảm mạnh, qua đó, Chính phủ đã kích thích tiêu dung, mở rộng thị trường và thúc đẩy sản xuất.
Đầu tư tài chính và chương trình cho vay (FILP) được Chính phủ sử dụng linh hoạt và mềm dẻo. Thông qua FILP và các văn phòng, vốn ủy thác của nó mà Chính phủ kiểm soát một cách trực tiếp hơn đối với việc phân phối tín dụng trong hệ thống tài chính. FILP được chính phủ sử dụng như một nguồn ngân sách thứ hai và thông qua đó Chính phủ điều hành vĩ mô một cách nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời.
Về tiền tệ: Nhật Bản tạo ra được một hệ thống tài chính gián tiếp dựa trên cơ sở tín dụng, cơ chế của Chính phủ kiểm soát hoạt động tín dụng có lãi suất thấp “dưới mức cân bằng” được các ngân hàng phân bổ cho các quỹ tín dụng trước hết thông qua hướng dẫn của Bộ Tài chính. Do đó, Bộ Tài chính đã thực hiện phân phối các nguồn vốn cho các ngành công nghiệp ưu tiên.
Nhật Bản ít phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài, thực hiện quá trình kiểm soát và quản lý chặt chẽ nguồn vốn này. Tìm kiếm công nghệ và bí quyết sản xuất thông qua các thương vụ đầu tư nước ngoài.
Chính phủ Nhật Bản quản lý nguồn vốn nước ngoài chặt chẽ theo từng bước, quy định thống nhất thủ tục phê duyệt sử dụng vốn nước ngoài và xây dựng bộ máy quản lý vốn nước ngoài vững mạnh. Lập hội đồng thẩm xét vốn nước ngoài và quan tâm đến tính bảo hộ các doanh nghiệp trong nước.
- Đầu tư trong nước và cơ cấu ngành hiệu quả: Nhật Bản là một trong những nước điều chỉnh và bố trí cơ cấu ngành kinh tế khá thành công. Để kích thích việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh cho đúng hướng và kịp thời, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng một loạt giải pháp giúp các doanh nghiệp thay đổi hướng kinh doanh như: hỗ trợ tài chính, giảm, miễn thuế, giúp đào tạo lại,…Qua đó, nhiều nhà kinh doanh đã tránh được phá sản, nền kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển. Trong suốt thời kỳ tăng trưởng nhanh, Nhật Bản xác định các ngành kinh tế mũi nhọn để đầu tư.
- Lương thấp nhưng Nhật Bản lại có được tỷ lệ tiết kiệm cao là một trong những đặc điểm nỗi trội của nền kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn này. Tiền lương thấp tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các công ty Nhật Bản trên thị trường thế giới và là nguồn tích lũy quan trọng.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên các gia đình Nhật Bản thường chi tiêu trong các khoản tiền lương và để dành tiền thưởng. Thu nhập dần tăng lên làm cho ngân sách của các gia đình thặng dư, số tiền đó được chuyển cho các tổ chức tài chính trung gian dưới hình thức tiết kiệm. Nhờ có tỷ lệ tiết kiệm thường xuyên tăng lên đã tạo ra nguồn vốn quan trọng, tài trợ cho khu vực sản xuất kinh doanh.
Những năm gần đây, Nhật Bản là một trong những quốc gia phát triển mạnh nhất hình thức huy động vốn đầu tư tư nhân thông qua mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân (Public Private Partnership-PPP). Tại Nhật Bản, một hiệp hội các nhà đầu tư theo mô hình này đã được thiết lập từ đầu năm 2006 với hơn 50 thành viên bao gồm: các nhà đầu tư, ngân hàng và các nhà thầu hàng đầu của nước này. Hiệp hội này tham gia vào việc tổ chức các cuộc trao đổi cấp Chính phủ giữa Nhật Bản và cá nước khác để tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Theo kinh nghiệm của nước này, có ít nhất 02 lĩnh vực mà mô hình PPP có thể phát huy hiệu quả, đó là các dự án không thể hoặc khó áp dụng phương pháp cổ phần hóa và các dự án mà nhà nước không thể tham gia trực tiếp. Cụ thể như các dự án về sản xuất và phân phối điện, đường cao tốc, giao thông đô thị, dịch vụ cảng, cấp nước và các dịch vụ công cộng. Hiệu quả mà mô hình này đem lại là giảm chi phí, giảm rủi ro và tạo ra môi trường cạnh tranh cao. Nhật Bản rất thành công trong phát triển công nghiệp điện và sự hợp tác này đóng vai trò quan trọng trong suốt giai đoạn tăng trưởng cao của kinh tế Nhật đặc biệt mô hình này áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và cơ sở hạ tầng [7, tr 30, 31].