Đây là nguồn vốn thuộc chương trình hợp tác phát triển do Chính phủ các nước ngoài hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ cho một nước tiếp nhận với các mức ưu đãi khác nhau, bao gồm viện trợ không hoàn lại, các khoản cho vay ưu đãi về lãi suất, khối lượng vốn vay và thời hạn thanh toán. ODA là một nguồn vốn rất quan trọng được hỗ trợ từ bên ngoài nhằm giải quyết một phần khó khăn về vốn đối với các quốc gia đang phát triển.
Các nhà tài trợ ODA cho các quốc gia xuất phát từ nhiều lý do: - Trợ giúp phát triển kinh tế ở các nước nhận hỗ trợ.
- Đẩy mạnh việc thực hiện các lợi ích về chiến lược chính trị và thương mại của bản thân nhà tài trợ.
- Duy trì các mối quan hệ về lịch sử và văn hóa. - Biểu thị sự quan tâm về nhân văn,…
Thông qua các dự án ODA, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội của nước tiếp nhận được nâng lên. Việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA sẽ tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao mặt bằng dân trí, chất lượng lao động.
Nguồn vốn ODA tuy có ưu điểm về chi phí sử dụng, nhưng nước tiếp nhận viện trợ phải thường xuyên đối mặt với gánh nặng nợ quốc gia trong tương lai, chấp nhận những ràng buộc khắt khe về thủ tục chuyển giao vốn, đôi khi còn gắn cả những điều kiện chính trị. Mỗi tổ chức, mỗi Chính phủ đều có những phương thức và thông lệ riêng trong việc cung cấp ODA nhằm đạt những mục tiêu riêng. Với những ràng buộc như thế không phải nước nào cũng có thể nhận viện trợ hoặc sử dụng có hiệu quả cao.
Nguồn vốn này thường mang ý nghĩa (nhân đạo, từ thiện) ở tầm vĩ mô, chủ yếu dành cho mục đích phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí, lao động và chất lượng cuộc sống tại quốc gia tiếp nhận.