Cho vay thương mại là trường hợp các nhà đầu tư, thường là các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính và các tổ chức tín dụng nước ngoài cho các nước (có thể là Chính phủ hay tư nhân) vay một khoản tín dụng. Sau một thời gian nhất định, các chủ đầu tư nhận lại toàn bộ số vốn cho vay ban đầu + một khoản lãi theo lãi suất được công bố trước.
Nguồn tín dụng này có một số đặc điểm sau:
- Đối tượng vay vốn thường là các doanh nghiệp, có độ rủi ro cao đối với các chủ đầu tư khi bên vay vốn hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ, phá sản.
- Chủ đầu tư nước ngoài thu lợi nhuận theo lãi suất ngân hàng cố định trong khế ước vay, độc lập với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vay, có quyền định đoạt tài sản thế chấp hoặc yêu cầu cơ quan bảo lãnh thanh toán khoản vay trong trường hợp bên vay mất khả năng thanh toán. Các định chế cung cấp vốn, tuy không tham gia điều hành doanh nghiệp, nhưng trước khi nguồn vốn được giải ngân, họ đều nghiên cứu tính khả thi của dự án đầu tư, có yêu cầu về bảo lãnh thế chấp để giảm rủi ro.
Do được đánh giá là có mức lãi suất tương đối cao cũng như sự thận trọng trong kinh doanh ngân hàng (tính rủi ro ở nước đi vay, của thị trường thế giới và xu hướng lãi suất quốc tế), nguồn vốn tín dụng của các định chế tài chính thường được sử dụng trong ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu. Một bộ phận của nguồn vốn này có thể được dùng để đầu tư phát triển, với tỷ trọng có thể gia tăng nếu triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế là lâu dài, đặc biệt là tăng trưởng xuất khẩu của nước đi vay. Đối với Việt Nam, việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn còn khá hạn chế.
Điều kiện ưu đãi đối với nguồn vốn này không dễ dàng như đối với nguồn vốn ODA, nhưng không kèm các ràng buộc về chính trị, xã hội. Thủ tục vay tương đối khắt khe, thời gian trả nợ nghiêm ngặt, lãi suất cao là những trở ngại đối với nước nghèo.