Công bố ngày bầu cử

Một phần của tài liệu Bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân qua thực tiễn xã Dương Xá huyện Gia Lâm-thành phố Hà Nội (Trang 50)

Để tiến hành một cuộc bầu cử, trước hết phải xác định cho được ngày bầu cử (ấn định ngày bầu cử - ngày bỏ phiếu). Trước đây, ở nước ta, ngày bầu cử được ấn định chậm nhất là 60 ngày trước ngày bầu cử nhưng thời hạn này là quá ngắn là cho công tác chuẩn bị bầu cử của các cơ quan tổ chức vốn yếu kém về năng lực lại tỏ ra bị động, lúng túng. Theo qui định của pháp luật hiện hành, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND do Ủy ban thường vụ Quốc hội ấn định và công bố chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử. Ngày bầu cử được ấn định phải là ngày chủ nhật để mọi người có điều kiện tham gia một cách đầy đủ.

Việc Ủy ban thường vụ Quốc hội ấn định ngày bầu cử là công đoạn đầu tiên của công việc tiến hành một cuộc bầu cử. Bắt đầu từ đây, mọi việc có liên quan đến việc bỏ phiếu và xác định kết quả bầu cử bắt đầu được tiến hành. Cử tri chỉ được đi bỏ phiếu đúng vào ngày đã được ấn định trước trên toàn quốc. Tuy vậy, đối với một số vùng miền có khó khăn về giao thông, liên lạc, việc bầu cử có thể tiến hành sớm hơn ngày đã ấn định để kết quả bầu cử có thể kịp chuyển về tổng hợp chung. Trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, một số vùng như huyện đảo Trường Sa (Khánh Hoà) và huyện đảo Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng) đã bỏ phiếu sớm hơn [59].

Tính đến năm 2014, các cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp diễn ra khá nhiều tại xã Dương Xá. Tương ứng với số khóa của từng cấp HĐND là số lần tổ chức các cuộc bầu cử. Đến nay, nhiệm kỳ 2011 – 2016 là HĐND thành phố Hà Nội khóa XVIII; HĐND huyện Gia Lâm khóa XVIII; HĐND xã

Dương Xá khóa XIX. Hầu hết cuộc bầu cử của các cấp HĐND đều được tổ chức diễn ra vào cùng một ngày, không trùng với ngày bầu cử đại biểu Quốc hội. Ngày 21/01/2011, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 1018 NQ/UBTVQH12 công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 vào ngày 22/5/2011, chủ nhật. Như vậy, lần đầu tiên bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 trên cả nước được tổ chức cùng một ngày với bầu cử đại biểu Quốc hội.

Việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày đã mang lại nhiều thuận lợi. Thứ nhất, tiết kiệm được thời gian, công sức của các cơ quan lãnh đạo và nhân dân; Thứ hai, tiết kiệm được chi phí và ngân sách từ hai cuộc bầu cử xuống còn một cuộc bầu cử; Thứ ba, thuận tiện hơn cho việc ứng cử của công dân và công tác cán bộ của các cơ quan lãnh đạo đồng thời thuận tiện cho cử tri trong việc giới thiệu người tiêu biểu nhất để bầu [6, tr.5].

Tại xã Dương Xá, sau khi nhận được Nghị quyết số 1018 NQ/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội các cấp ủy, đảng, chính quyền đã thực hiện thông tin, tuyên truyền về ngày bầu cử để nhân dân và cử tri nắm bắt được. Đặc biệt, trước cuộc bỏ phiếu 10 ngày, Tổ bầu cử thường xuyên, liên tục thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu đảm bảo theo qui định của pháp luật. Tuy nhiên việc công bố, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày vẫn còn thể hiện một số hạn chế liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử tại cấp cơ sở, việc kiểm phiếu bầu trở nên khó khăn, phức tạp hơn... Ngoài ra thời gian 105 ngày (tương đương với 3 tháng rưỡi) để chuẩn bị cho cuộc bầu cử cả ở bốn cấp là quá ngắn ngủi, cập rập ảnh hưởng lớn đến qui trình hiệp thương giới thiệu người tham gia ứng cử.

Một phần của tài liệu Bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân qua thực tiễn xã Dương Xá huyện Gia Lâm-thành phố Hà Nội (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)