Danh sách những người chính thức được lựa chọn giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp xã qua 5 bước (3 lần hiệp thương) phải được gửi đến Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ cấp trên trực tiếp và Thường trực HĐND, Ủy ban bầu cử Hội đồng bầu cử chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử.
Chậm nhất 25 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban bầu cử công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử. Danh sách, tiểu sử tóm tắt của người ứng cử được niêm yết tại các khu vực bỏ phiếu và tại trụ sở Ủy ban bầu cử cấp xã.
Số người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó ít nhất là 02 người. Đây là đặc điểm quan trọng để phân biệt giữa bầu cử với các hình thức khác trong việc thành lập cơ quan nhà nước. Kể từ ngày công bố danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND thì công dân có quyền khiếu nại, tố cáo về người ứng cử; khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với ban bầu cử. Ban bầu cử giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo thẩm quyền. Nếu người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của ban bầu cử thì có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với Ủy ban bầu cử. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng. Tuy nhiên Ủy ban bầu cử không xem xét, giải quyết những đơn thư nặc danh.
Việc công bố danh sách những người ứng cử nhằm tạo điều kiện để nắm bắt, tìm hiểu rõ hơn về những thông tin cá nhân của những người tham gia ứng cử, để cử tri đưa ra những sự lựa chọn đúng đắn nhất. Trong cuộc bầu cử vừa qua các tổ chức phụ trách bầu cử đã sử dụng nhiều hình thức tích cực để công bố danh sách ứng cử viên, trong đó có việc gửi danh sách ứng cử viên đến từng hộ gia đình. Tuy nhiên việc này mới chỉ được áp
dụng trong bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện mà chưa được áp dụng ở cấp xã do không có hướng dẫn cụ thể và nguồn kinh phí không đảm bảo để thực hiện.