Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước để quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.
Quyền bầu cử là quyền chính trị quan trọng bảo đảm cho công dân có thể tham gia vào việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Quyền bầu cử là quy định của pháp luật về khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình ở cơ quan quyền lực nhà nước.
Quyền bầu cử không chỉ là quyền bỏ phiếu mà còn bao gồm quyền đề cử, tức là khả năng chủ động trong lựa chọn những người có khả năng thay mặt mình trong cơ quan đại diện [10, tr.202]. Vì tính chất quan trọng của quyền bầu cử nên quyền bầu cử chỉ được quy định cho những người phát triển bình thường về mặt thần kinh, đạt đến độ chín của sự phát triển tâm, sinh lý nhằm bảo đảm cho họ có sự lựa chọn chính xác và độc lập. Điều 27 của Hiến pháp năm 2013 qui định: “Công dân đủ mười
tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.
Hầu hết các nước trên thế giới đều quy định độ tuổi của công dân để có quyền bầu cử là mười tám tuổi. Cũng có nước chỉ quy định chung: Tất cả các công dân đến tuổi trưởng thành đều có quyền tham gia bầu cử (ở Hung Ga Ri). Cũng có nước quy định công dân đủ 16 tuổi là có quyền bầu cử (ở Cu Ba) [10, tr.203]. Pháp luật của một số nước khác thường có những quy định về điều kiện tài sản, thời hạn định cư, trình độ văn hóa để hạn chế quyền bầu cử của cử tri. Chúng ta không quy định những điều kiện như vậy. Ngoài các quy định về độ tuổi là quy định cần thiết bảo đảm độ chín chắn trong sự lựa chọn của cử tri, pháp luật nước ta không quy định điều kiện nào khác. Để tránh tùy tiện trong việc hạn chế quyền bầu cử của công dân, pháp luật quy định những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri, đó là: người đang bị tước quyền
bầu cử theo bản án đã có hiệu lực; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự. “Ở nước ta, quyền
bầu cử được coi là quyền chính trị rất quan trọng, là vinh dự của công dân. Công dân thực hiện quyền đó tự nguyện. Vì vậy, các cuộc bầu cử có số cử tri tham gia rất đông (thường là khoảng trên 80%)” [10, tr.203-204]. Ở một số nước, bỏ phiếu là quyền và nghĩa vụ của công dân (Mêhico); bầu cử là nghĩa vụ của mỗi người, trốn tránh là vi phạm nghĩa vụ trước Tổ quốc(Italia).
“Hình thức ghi nhận quyền bầu cử của công dân là danh sách cử tri”
[10, tr.204]. Công dân có quyền bầu cử, cư trú thường xuyên hay tạm thời ở đâu đều được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi đó. Để bảo đảm quyền bầu cử của công dân, pháp luật còn quy định thủ tục khiếu nại và xem xét, giải quyết khiếu nại về vấn đề này.