Vấn đề hiệp thương trong bầu cử đại biểu HĐND có vai trò rất quan trọng trong cuộc bầu cử. Quá trình hiệp thương là quá trình bàn bạc, thảo luận và đi đến thống nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND. Đặc biệt đây là quá trình để các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân tham gia tìm kiếm, giới thiệu các ứng cử viên để bầu làm đại biểu HĐND.
Quá trình hiệp thương là quá trình chi tiết, tỉ mỉ do Uỷ ban MTTQ Việt Nam chủ trì đã được xây dựng thành một qui trình hiệp thương gồm 5 bước (3 lần):
Bước 1: Tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất để thoả thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu HĐND.
Hội nghị này được tổ chức chậm nhất 85 ngày trước ngày bầu cử gồm Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của mặt trận, đại diện Ủy ban bầu cử, Thường trực HĐND, UBND
để thoả thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử (giới thiệu ứng cử và tự ứng cử) của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang, cơ quan nhà nước, thôn, tổ dân phố. Chậm nhất là 05 ngày sau hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, Thường trực HĐND xã điều chỉnh cơ cấu, số lượng, thành phần của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố tiến hành giới thiệu người ra ứng cử HĐND. Đây là bước rất quan trọng để tìm kiếm, lựa chọn các ứng cử viên để giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND.
Bước 2: Căn cứ kết quả Hiệp thương lần thứ nhất và điều chỉnh của thường trực HĐND xã, căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu HĐND, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, thôn, tổ dân phố được phân bổ đại biểu tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND xã. Cách thức tiến hành như sau:
Ban lãnh đạo dự kiến người của tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu HĐND, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của Hội nghị cử tri nơi người đó làm việc. Trên cơ sở ý kiến của Hội nghị cử tri, banh lãnh đạo tổ chức Hội nghị gồm lãnh đạo cơ quan, Ban chấp hành công đoàn, đại diện lãnh đạo đơn vị trực thuộc để thảo luận quyết định giới thiệu người của cơ quan mình ứng cử đại biểu HĐND. Đối với việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố: Trưởng ban công tác mặt trận cùng bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ dân phố họp bàn dự kiến người của thôn, tổ dân phố ứng cử theo chỉ tiêu được phân bổ của Ban thường trực MTTQ xã. Sau đó Ban công tác mặt trận cơ sở họp bàn dự kiến những người ứng cử và tổ chức hội nghị cử tri để thảo luận giới thiệu những người ứng cử của cơ sở mình. Người được giới thiệu phải được đa số đại biểu có mặt trong Hội nghị tán thành [65].
Việc giới thiệu người ra ứng cử ở các đơn vị, tổ chức, cơ quan, thôn, tổ dân phố có đặc điểm về cơ cấu tổ chức khác nhau nên Pháp luật bầu cử và quy trình Hiệp thương đã hướng dẫn cách làm, trình tự, thủ tục rất cụ thể để
sự áp đặt nào. Những quy định này còn cho phép đông đảo cử tri, nhân dân có thể tự do giới thiệu, phát hiện những người có đủ đức, tài ra ứng cử vào cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện ở địa phương. Quá trình giới thiệu người ra ứng cử cũng là quá trình lựa chọn, sàng lọc bước đầu rất quan trọng của cử tri trong việc tham gia giới thiệu, nhận xét và bỏ phiếu tín nhiệm đối với người ra ứng cử. Do vậy, tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thì cử tri cũng có quyền giới thiệu người khác để hội nghị cân nhắc, xem xét, thảo luận để biểu quyết bình đẳng như những người khác. Nếu người được giới thiệu đó được tín nhiệm cao, được hội nghị nhất trí giới thiệu thì cũng được hướng dẫn làm thủ tục ứng cử gửi đến Ủy ban bầu cử để chuyển đến Ban thường trực MTTQ xã đưa vào hiệp thương tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai. Tuy nhiên, “ để đảm bảo kết quả chung cho cuộc bầu cử, việc tổ chức
hội hiệp thương lần thứ nhất cũng cần quan tâm đến số lượng người ứng cử được giới thiệu cho hợp vì liên quan đến việc chốt số dư cuối cùng tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba” [6].
Bước 3: Tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để thoả thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng:
Hội nghị lần hai được tổ chức chậm nhất 55 ngày trước ngày bầu cử. Hội nghị căn cứ vào tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu và người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND, gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi làm việc (nếu có) của người tự ứng cử.
Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú: Tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của ứng cử viên là dịp để nhân dân nhận xét, phản ánh, khẳng định năng lực, phẩm chất của người ra ứng cử và bày tỏ sự tín nhiệm của mình đối với người ra ứng cử. Những nhận xét của cử
tri nơi cư trú góp phần đánh giá khách quan, toàn diện phẩm chất, năng lực của ứng cử viên cả trong công việc, trong cuộc sống đời thường.
Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú được tiến hành nơi người ứng cử cư trú thường xuyên, tại thôn (tổ dân phố) do Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ xã phối hợp với Thường trực HĐND và Uỷ ban nhân dân triệu tập và chủ trì, có sự tham gia của người ứng cử và đại diện cơ quan, tổ chức của người ứng cử.
Bước 5: Tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND (chậm nhất 35 ngày trước ngày bầu cử).
Hội nghị căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu, cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử (tự ứng cử và giới thiệu ứng cử) và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND.
Công tác ứng cử, hiệp thương giới thiệu đại biểu tham gia cử đại biểu HĐND xã Dương Xá nhiệm kỳ 2011 – 2016 được diễn ra theo đúng các bước qui trình luật định và theo các văn bản hướng dẫn. Trên cơ sở dự kiến cơ cấu đại biểu HĐND xã, sau hai lần hiệp thương lần nhất và lần hai cử tri và các cơ quan, tổ chức đã giới thiệu được 44 đại biểu tham gia ứng cử, không có đại biểu nào tự ứng cử. Đến lần hiệp thương lần ba (chốt danh sách người tham gia ứng cử), xã còn 43 đại biểu tham gia ứng cử, giảm 01 đại biểu do đại biểu xin rút khỏi danh sách ứng cử. Cơ cấu đại biểu tham gia ứng cử như sau:
Đại biểu nữ là: 13 đại biểu, chiếm 30.2%
Đại biểu là người ngoài Đảng: 11 đại biểu, chiếm 25.6% Đại biểu dưới 35 tuổi: 05 đại biểu, chiếm 11.6%
Đại biểu khác: 14 đại biểu, chiếm 32.5%
Đại biểu do các cơ quan, tổ chức giới thiệu: 20/43 đại biểu, chiếm 46.5%
Đại biểu do cử tri các thôn, tổ dân phố giới thiệu: 23/43 đại biểu, chiếm 53.5% [61. tr.6].
Số lượng đại biểu được phân bổ về 07 đơn vị bầu cử đảm bảo nguyên tắc: số lượng đại biểu được bầu không quá 05 đại biểu và đảm bảo số dư 02 đại biểu. So với cuộc bầu cử đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2004- 2011 thì số lượng đại biểu HĐND xã lần này được tăng 01 đại biểu, cơ cấu đại biểu được đảm bảo theo hướng dẫn của các cấp như: số đại biểu là nữ, đại biểu trẻ. Đại biểu ngoài Đảng tăng đã phản ánh rõ hơn được tính dân chủ, rộng rãi trong bầu cử tại chính quyền địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác ứng cử, hiệp thương giới thiệu người ứng cử tham gia bầu cử đại biểu HĐND cấp xã tại địa phương là đảm bảo theo đúng định hướng dự kiến cơ cấu, thành phần người tham gia ứng cử, thì mặt khác kết quả này lại phản ánh rõ mặt tồn tại trong công tác này đó là: Thứ nhất, trong việc lựa chọn người tham gia ứng cử tại xã chủ yếu sử dụng hình thức giới thiệu người tham gia ứng cử theo kiểu “chỉ mặt, đặt tên” mang tính “ áp đặt, chủ quan”. Thứ hai, chưa tạo được sự thu hút, lôi cuốn để công dân tự đăng ký tham gia ứng cử nên tại xã không có trường hợp ứng cử viên nào tự ứng cử. Thứ ba, việc tổ chức các hội nghị hiệp thương còn chủ yếu tập trung vào việc “làm các thủ tục” để “hợp thức hóa” người được giới thiệu ứng cử theo dự kiến cơ cấu, thành phần mà chưa thực sự quan tâm đến việc thông báo, hướng dẫn cụ thể nội dung cử tri tham dự hội nghị hiệp thương giới thiệu người tham gia ứng cử đại biểu HĐND được quyền giới thêm danh sách người tham gia ứng cử. Vì thế, rất ít các đơn vị bầu cử giới thiệu thêm được người tham gia ứng cử, nên số dư tại mỗi đơn vị bầu cử thường chỉ ở mức dư 2 – mức dư tối thiểu.