Thời kỳ từ năm 1954 đến năm 1975

Một phần của tài liệu Bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân qua thực tiễn xã Dương Xá huyện Gia Lâm-thành phố Hà Nội (Trang 30)

“Đây là thời kỳ mà đất nước còn tạm thời bị chia cắt thành hai miền, mỗi miền có nhiệm vụ khác nhau: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà ở Miền Nam” [27, tr.2]. Theo Luật số 110 SL/L ngày 31/5/1958 các đơn vị hành chính lúc này không còn cấp bộ (kỳ) nữa, nhưng lại tổ chức có khu tự trị và không có HĐND cấp Huyện mà chỉ có Ủy ban hành chính cấp Huyện. HĐND cấp nào thì bầu ra Ủy ban hành chính cấp đó, riêng UBND cấp Huyện do HĐND cấp xã bầu ra. Nhiệm kỳ của HĐND và UBND cấp xã là 2 năm. Sau khi kháng chiến thắng lợi ở Miền Bắc cùng với việc ban hành Sắc luật 110 SL/L, Chủ tịch nước đã ban hành sắc luật số 004–SLT ngày 10/7/1957 về thể lệ bầu cử HĐND và ủy ban hành chính các cấp nhằm củng cố lại chính quyền địa phương. Theo sắc luật 004-SLT đã có một số nội dung thay đổi về bầu cử đại biểu HĐND so với các qui định về bầu cử trước đó. Đó là:

Điều chỉnh nguyên tắc bầu cử từ nguyên tắc “tự do, trực tiếp và kín” sang thành nguyên tắc bầu phiếu “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và kín”, nhưng vẫn qui định “các cuộc vận động bầu cử tự do”; Số lượng đại biểu HĐND tăng có từ 15 đến 40 đại biểu, ở khu tự trị từ 9- 25 đại biểu; Thay đổi đơn vị phụ trách bầu cử từ gồm Ban phụ trách và Ban kiểm soát cuộc bầu cử thành Hội đồng bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử; Thời gian bỏ phiếu từ 7 giờ đến 18 giờ được kéo dài thành bắt đầu từ 6 giờ đến 8 giờ tối. Cách kiểm phiếu cũng có sự thay đổi, qui định “Những người ứng cử phải được quá nửa số phiếu hợp lệ mới trúng cử [71, Điều 24, tr.358 -370].

Ngày 31/12/1959, “Hiến pháp 1959 được thông qua đã thực hiện một

sự đổi mới căn bản tổ chức chính quyền địa phương” [13, tr.183], ở tất cả các cấp chính quyền địa phương đều thành lập chính quyền địa phương. Lần đầu tiên HĐND các cấp được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính năm 1962 tiếp tục cụ thể hóa các qui định của Hiến pháp 1959, theo đó hạn chế, thu hẹp những vấn đề chính quyền cấp trên phê chuẩn những quyết định của cấp dưới, đồng thời mở rộng nhiệm vụ quyền hạn của các cấp chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội… Ngày 18/01/1961, Ủy ban thường vụ Quốc Hội ban hành Pháp lệnh không số đầu tiên về việc bầu cử HĐND các cấp và thay thế Sắc lệnh 004 – SLT, các qui định về bầu cử đại biểu HĐND tiếp tục được kế thừa, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình đất nước. Số lượng đại biểu HĐND cấp xã có từ 20 đến 35 đại biểu, Điều 11; Không qui định số khu vực bỏ phiếu tùy theo tình trạng cư trú của nhân dân mà ấn định số lượng nhân khẩu cụ thể tại mỗi khu vực bỏ phiếu từ 500 đến 2.500 nhân khẩu. Các bệnh viện, nhà đỡ đẻ, nhà an dưỡng, nhà nuôi người tàn tật có từ 50 cử tri trở lên thì có thể tổ chức thành khu vực bỏ phiếu riêng, Điều 16. Tổ chức phụ trách bầu cử gồm có Hội đồng bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử, Hội đồng giám sát việc bầu cử, Điều 19. Người ứng cử không được tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử này; Thời gian bỏ phiếu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn giờ qui định nhưng không được kéo dài quá 10 giờ đêm, Điều 36; Qui định mức hình phạt đối với những người vi phạm quyền tự do bầu cử và ứng cử tùy theo từng tội danh và mức độ nặng nhẹ mà có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tù nặng nhất là hai hoặc ba năm, Điều 61 và 62 (trước đây qui định mức hình phạt tù từ 1 tháng đến 3 năm cho tất cả các hành vi vi phạm).

Một phần của tài liệu Bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân qua thực tiễn xã Dương Xá huyện Gia Lâm-thành phố Hà Nội (Trang 30)