Hiến pháp 1992 là Hiến pháp thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng, đã tạo ra một bước cải cách quan trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nhằm giải quyết các nhiệm vụ của quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế - xã hội từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trên cơ sở Hiến pháp 1992, ngày 21/6/1994, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức HĐND và UBND, đồng thời ban hành Luật bầu cử Đại biểu HĐND thay các Luật 1989. Luật mới qui định HĐND cấp xã có từ 19 đến 25 đại biểu. Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 1994 gồm 10 chương và 70 điều, bỏ chương bãi miễn đại biểu HĐND, tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung: Tiêu chuẩn của đại biểu HĐND ngoài các qui định trước đây còn phải là người tiêu biểu trong nhân dân và được nhân dân tín nhiệm, Điều 3. Ủy ban MTTQ, ngoài vai trò hiệp thương, phối hợp tổ chức bầu cử còn thực hiện nhiệm vụ giám sát bầu cử, Điều 6. Đối với các tổ chức phụ trách bầu cử: Giao thêm quyền hạn cho Hội đồng bầu cử, Ban bầu cử liên quan đến việc chỉ đạo, tổ chức bầu cử thêm, bầu cử lại; Qui định bổ sung chế độ làm việc của các tổ chức phụ trách bầu cử theo chế độ tập thể và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội tham gia vào cuộc bầu cử, Điều 19, Điều 20 và Điều 21. Qui định cụ thể trách nhiệm của công dân tự ứng cử, phải nộp hồ sơ tại Hội đồng bầu cử nơi mình ứng cử, Điều 27. Đối với người ứng cử và được đề cử theo qui định mới là không được tham gia vào Ban bầu cử hoặc tổ
bầu cử thuộc đơn vị mình ra ứng cử, Điều 30. Qui định trước đây là không được tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử, trong đó bao gồm cả Hội đồng bầu cử. Hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử được tiến hành theo bốn bước. Việc tổ chức tiếp xúc cử tri được phân công cho Ban thường trực Ủy ban MTTQ xã tổ chức, Điều 38. Qui định sửa đổi đối với phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử và phiếu ghi tên người ngoài danh sách ứng cử là phiếu không hợp lệ, trước đây qui định là phiếu hợp lệ.
Để phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001 và Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Bầu cử đại biểu HĐND được sửa đổi, bổ sung năm 2003. So với cơ cấu tổ chức, hoạt động của HĐND trước đây thì HĐND xã trong Luật năm 2003 không có nhiều thay đổi mà chủ yếu thay đổi ở cơ cấu, tổ chức hoạt động của UBND cấp xã, qui định bẩy chức danh công chức hoạt động chuyên trách trên các lĩnh vực. Đối chiếu với Luật Bầu cử đại biểu HĐND (sửa đổi) năm 1994, Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003 có những điểm mới cơ bản như: Tiêu chuẩn đại biểu HĐND được quy định cụ thể hơn. Tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã. Số lượng cử tri ở mỗi khu vực bỏ phiếu được quy định từ 300 đến 4.000 người (tăng 2.000 người so với Luật 1994).
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Bầu cử đại biểu HĐND – văn bản Luật Bầu cử hợp nhất. Những điểm mới của Luật tập trung vào sửa một số vấn đề thực sự cần thiết liên quan đến công tác tổ chức bầu cử khi tiến hành bầu cử đại biểu Quốc Hội và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày, bảo đảm sự thành công của cuộc bầu cử. Liên quan đến bầu cử đại biểu HĐND, đặc biệt là HĐND cấp xã – thuộc phạm vi đề tài nghiên cứu của luận văn, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2010 đã tiếp tục hoàn thiện hơn các nội dung:
- Về khu vực bỏ phiếu và số lượng cử tri trong mỗi khu vực bỏ phiếu (Điều 13). Luật sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu và quy định khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu được sửa đổi thống nhất từ 300 đến 4.000 cử tri. Với số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu được quy định như vậy sẽ bảo đảm thuận lợi cho việc bỏ phiếu của cử tri cũng như việc thành lập các khu vực bỏ phiếu; đồng thời cũng không gây quá tải về công việc đối với các Tổ bầu cử trong điều kiện đã tăng số lượng thành viên tại mỗi Tổ bầu cử.
Đối với những địa bàn và đơn vị có đặc thù riêng sẽ tùy thuộc vào số lượng cử tri và điều kiện cụ thể mà các cơ quan có thẩm quyền sẽ thành lập khu vực bỏ phiếu riêng hoặc phối hợp với các nơi khác thành lập khu vực bỏ phiếu chung nhằm bảo đảm thuận lợi nhất cho cử tri đi bầu cử.
- Về các tổ chức phụ trách bầu cử:
Về Hội đồng bầu cử được gọi chung là Hội đồng bầu cử Trung ương, giao cho UBND là cơ quan chủ trì thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, gọi chung là Ủy ban bầu cử. Sửa đổi về cơ quan chủ trì thành lập, thành phần Ban bầu cử nhằm bảo đảm tính thống nhất với việc thành lập tổ chức phụ trách bầu cử ở các cấp. Tổ bầu cử đồng thời thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại cùng một khu vực bỏ phiếu. Tổ bầu cử sẽ được tăng thêm số lượng thành viên. Sửa đổi thống nhất quy định về cơ quan chủ trì thành lập, thành phần và số lượng thành viên của Tổ bầu cử (từ 11 đến 21 người).
- Luật về bầu cử còn có các quy định mới về thời gian bầu cử, mẫu thẻ cử tri, phiếu bầu, thời hạn niêm yết danh sách cử tri, thời hạn giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri, mẫu biên bản bầu cử, việc gửi biên bản, phiếu bầu và trình tự, thủ tục trong ngày bỏ phiếu như: thời gian bỏ phiếu, việc kiểm tra hòm phiếu, việc bỏ phiếu của cử tri, việc đóng dấu trên thẻ cử tri… Những
vấn đề này đã được sửa đổi cho thống nhất và khắc phục những điểm chưa hợp lý. (Điều 18 và 51).
Theo Hiến pháp 2013, lần đầu tiên Hội đồng bầu cử quốc gia được Hiến định là một thiết chế độc lập. Theo Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn đánh giá: “Việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia là phù hợp với xu hướng chung
đang diễn ra trên thế giới, tạo tiền đề khắc phục những hạn chế của hệ thống quản lý bầu cử ở nước ta hiện nay. Điều này cũng phù hợp với định hướng tăng cường các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” [75]. Còn theo Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Ngô Đức Mạnh cho rằng, “điều này có ý nghĩa
vừa trước mắt, vừa lâu dài nhằm phát huy hơn nữa bản chất dân chủ của chế độ xã hội, quyền làm chủ của người dân. Mặt khác, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ chế tổ chức, quản lý bầu cử hiện nay” [75].
Tóm lại, “sự ra đời của chế độ bầu cử nước ta gắn liền với sự ra đời
của chính quyền nhân dân” [36, tr.134]. Kể từ khi ra đời đến nay, các qui định về bầu cử, bầu cử đại biểu HĐND đã thực sự có sự phát triển trên cơ sở xây dựng và hoàn thiện các qui định về nguyên tắc bầu cử, phân chia đơn vị bầu cử, quyền bầu cử của công dân, sự tham gia của các đơn cơ quan nhà nước trong quá trình bầu cử, qui trình tổ chức bầu cử… đã góp phần làm cho các cuộc bầu cử tại Việt Nam ngày càng công khai, dân chủ hơn.