pháp luật tố tụng hình sự Liên Bang Nga
Sự ra đời của Viện kiểm sát Liên Bang Nga gắn liền với tên tuổi Sa hoàng Pie đại đế. Ngày 12/3/1722, Pie đại đế ban hành Sắc lệnh thiết lập một tổ chức kiểm sát hữu hiệu có chức năng giám sát các chính quyền địa phương ở đế chế Nga rộng lớn. Sau đó, năm 1864 mô hình trên được thay thế bởi chế định Viện kiểm sát với chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự và duy trì quyền công tố tại phiên tòa. Tuy nhiên, hệ thống cơ quan Viện kiểm sát này bị xóa bỏ vào năm 1918. Cho đến năm 1922, hệ thống cơ quan Viện kiểm sát ở Liên Xô được thành lập lại với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật để đảm bảo pháp luật được tuân thủ, thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Từ đó, cấu trúc của Viện kiểm sát Nga về cơ bản được giữ nguyên cho đến ngày hôm nay và được khẳng định trong các Hiến pháp năm 1936, năm 1977, năm 1993 và Luật Liên bang về Viên kiểm sát Liên bang năm 1995, được công bố ngày 17/11/1996. Theo Điều 4 Luật Liên bang về Viện kiểm sát Liên bang Nga năm 1996 quy định [23]:
"Viện kiểm sát Liên bang Nga xây dựng theo nguyên tắc tập trung thống nhất, trên cơ sở các Kiểm sát viên cấp dưới phải phục tùng các Kiểm sát viên cấp trên và tất cả đều phục tùng Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga...
Viện kiểm sát thực hiện các thẩm quyền của mình một cách độc lập với các cơ quan quyền lực của liên bang, của các chủ thể liên bang, của các chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội".
Theo BLTTHS Liên bang Nga, trong thủ tục giám đốc thẩm, vai trò của Viện kiểm sát Liên bang Nga được thể hiện ở quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Theo quy định của Bộ luật, Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khi có căn cứ cho rằng: (1) kết luận của Tòa án nêu trong bản án không phù hợp với những tình tiết thực tế của vụ án; (2) việc xét xử của Tòa án vi phạm luật tố tụng hình sự; (3) áp dụng không đúng pháp luật hình sự; (4) không bảo đảm tính công bằng của bản án.
Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga [9] quy định những người có quyền kháng cáo, kháng nghị yêu cầu xem xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm (còn gọi là thủ tục phá án) gồm: Người bị tình nghi, bị can, bị cáo, người được Tòa án tuyên vô tội, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của những chủ thể này; Viện công tố; Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Đối tượng kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm là các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có căn cứ cho rằng bản án, quyết định đó đã được ban hành không phù hợp với với những tình tiết thực tế của vụ án, việc giải quyết vụ án vi phạm pháp luật tố tụng hình sự hoặc việc giải quyết vụ án đã không áp dụng đúng pháp luật hình sự.
Tòa án có thẩm quyền hoặc trong những trường hợp cần thiết, cá nhân thẩm phán có trách nhiệm tiến hành thủ tục xem xét đơn kháng cáo, kháng nghị và ra một trong những quyết định sau:
- Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm;
- Chấp nhận giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm và chuyển kháng cáo, kháng nghị cùng hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền. Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án có thẩm quyền có thể ra quyết định huỷ bỏ quyết định của Thẩm phán về việc không chấp nhận giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm và ra quyết định chấp nhận giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm.
Qua xét xử giám đốc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm có quyền: (1) không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; (2) huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và các quyết định tiếp theo của Tòa án và đình chỉ vụ án; (3) huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và các quyết định tiếp theo của Tòa án và để xét xử lại; (4) huỷ bản án của Tòa án cấp chống án và trả lại vụ án để xét xử lại theo thủ tục chống án; (5) huỷ quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm và các quyết định tiếp theo của Tòa án cấp phúc thẩm và trả lại vụ án để xét xử phúc thẩm lại; (6) sửa bản án, quyết định của Tòa án.