sát trong thủ tục giám đốc thẩm
Một là, Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong thủ tục giám đốc thẩm phải trên cơ sở quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Ở nước ta, bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung quyền lực, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước. Đảng ta là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong suốt chặng đường lịch sử hình thành và phát triển, sự lãnh đạo của Đảng luôn là nhân tố cơ bản quyết định sự trưởng thành và thắng lợi của ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và trong lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp ở thủ tục giám đốc thẩm nói riêng. Bởi vậy, việc nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước là một yêu cầu khách quan bắt buộc trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo thủ tục giám đốc thẩm của Viện kiểm sát. Đổi mới, hoàn thiện vai trò của Viện kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm phải trên cơ sở thực hiện mục tiêu chiến lược của cải cách tư pháp "xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" (Nghị quyết số 49-NQ/TW); đặc biệt không được để xảy ra tình trạng kháng nghị giám đốc thẩm tràn lan, thiếu căn cứ. Ngược lại, trong quá trình kiện toàn về tổ chức, hoàn thiện, nâng cao vai trò của Viện kiểm sát ở giai đoạn giám đốc thẩm và thực hiện đầy đủ các quan điểm lãnh đạo của Đảng cũng cần tránh sự can thiệp quá sâu của cấp ủy Đảng vào các vụ việc cụ thể làm hạn chế sự độc
lập của Viện kiểm sát theo nguyên tắc VKSND hoạt động độc lập, nghiêm cấm sự can thiệp từ các phía các cơ quan, tổ chức cá nhân.
Hai là, Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn giám đốc thẩm phải phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Trong công cuộc đổi mới, sự phát triển về kinh tế cũng đòi hỏi sự đổi mới trên nhiều lĩnh vực của xã hội, trong đó có lĩnh vực tư pháp. Sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế. Ở giai đoạn giám đốc thẩm, hoạt động của Viện kiểm sát nhằm góp phần bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng pháp luật, kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng không bị xâm phạm bởi hoạt động giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là Tòa án. Các cơ quan tư pháp nói chung và cơ quan Viện kiểm sát nói riêng phải là "công cụ" hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế XHCN, đấu tranh không khoan nhượng đối với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm cho việc điều tra, truy tố và xét xử được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, tạo môi trường cho sự phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân phải đặt dưới sự giám sát của các cơ quan dân cử và của nhân dân.
Dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của dân và đặt dưới sự giám sát của nhân dân trở thành tiêu chí cho hoạt động của ngành kiểm sát nói chung và hoạt động của Viện kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm nói riêng. Qua thực tế cho thấy, vai trò công luận của nhân dân hết sức quan trọng giúp chúng ta
có thể khắc phục những sai lầm trong quá trình giải quyết án. Đây cũng là một trong những lý do mà Viện kiểm sát coi đơn đề nghị của mọi công dân hoặc kiến nghị của các cơ quan, tổ chức và các tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng là một trong những nguồn phát hiện vi phạm để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Vì vậy, để có thể hoàn thành tốt vai trò của mình, Viện kiểm sát cần có sự nhận thức đúng đắn các nguồn thông tin từ dư luận quần chúng nhân dân, tuy nhiên, cũng chỉ được coi đây là một kênh tham khảo, việc giải quyết đối với mỗi vụ án chủ yếu phải căn cứ vào những chứng cứ đã được chứng minh và những quy định của pháp luật. Sự giám sát của các thiết chế dân cử và các thiết chế chính trị khác như Hội đồng nhân dân - cơ quan giám sát của Quốc Hội (Ủy ban tư pháp), Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là những yếu tố quan trọng đảm bảo cho tính dân chủ, khách quan và minh bạch của hoạt động của Viện kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm. Ngược lại, thông qua những thiết chế này cơ quan Viện kiểm sát có thể nhìn nhận lại chính mình để khắc phục những thiếu sót hạn chế, và đó cũng là những thiết chế có thể hỗ trợ ngành Kiểm sát hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ.
Bốn là, Việc hoàn thiện vai trò của Viện kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm phải trên cơ sở Hiến pháp và phù hợp với các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Hiến pháp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp
luật. Bởi vì, Hiến pháp được ban hành bởi cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội. Trong mọi trường hợp, các quy định tại các văn bản do các chủ thể khác ban hành đều phải bảo đảm không được trái với các quy định của Hiến pháp. Chấp hành Hiến pháp cũng được hiểu là chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Ngay từ những Hiến pháp đầu tiên cho đến Hiến pháp năm 1992, đều dành một chương để quy định về nhiệm vụ, quyền
hạn cũng như trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân. Bởi vậy, việc hoàn thiện vai trò Viện kiểm sát trong thủ tục giám đốc thẩm nhất thiết phải trên cơ sở Hiến pháp. Không những vậy, mỗi một quy định mới được ban hành đồng thời cũng phải phù hợp với các quy định pháp luật khác có liên quan. Có như vậy, việc áp dụng pháp luật mới được thống nhất, tạo cơ sở và ổn định cho thực hiện nhiệm vụ của Viện kiểm sát đối với công tác giám đốc thẩm ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.