Nguyên nhân chủ quan

Một phần của tài liệu Vai trò của Viện Kiểm sát trong thủ tục Giám đốc thẩm các vụ án hình sự (Trang 79 - 82)

Thứ nhất, Chất lượng giải quyết án ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa tốt,

còn nhiều thiếu sót, vi phạm dẫn đến án bị khiếu nại nhiều

Thủ tục giám đốc thẩm không được coi là cấp xét xử thứ ba, mà được coi là một thủ tục đặc biệt. Tuy nhiên, thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, số án

được đề nghị giám đốc thẩm phát sinh rất nhiều. Nhiều vụ án đã được Toà án phán xét bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn còn vi phạm nghiêm trọng mà Toà án khi xét xử không biết được. Một điều tất yếu xảy ra là khi có vi phạm thì phải có khiếu nại, có kiến nghị và buộc cơ quan có thẩm quyền phải tiếp tục xem xét lại.

Do vậy, từ chỗ là một thủ tục đặc biệt, là hãn hữu, thì trong thực tế, giám đốc thẩm trở thành một thủ tục gần như là thông thường. Việc thụ lý một số lượng lớn các trường hợp đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm như vậy đã tạo thành một gánh nặng quá lớn đối với các cơ quan có thẩm quyền trong nhiều năm qua. Hậu quả là, số lượng án chưa giải quyết được còn nhiều, chất lượng giải quyết án chưa được như mong đợi.

Thứ hai, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành chưa đồng bộ

Việc phát hiện các vi phạm pháp luật trong án văn cũng là một nguồn để kháng nghị giám đốc thẩm, tuy nhiên, đa số án văn lại gửi không đầy đủ, hoặc gửi chậm đến khi phát hiện ra vi phạm thì đã hết thời hạn kháng nghị. Trong khi đó, việc kiểm tra đối với cấp dưới lại chưa được quan tâm thực hiện đúng mức, chưa thường xuyên và thiếu tính liên tục, mặc dù đây cũng là một nguồn quan trọng để phát hiện ra vi phạm

Bên cạnh đó, do chưa có quy định rõ ràng về việc rút hồ sơ vụ án để nghiên cứu, dẫn đến nhiều trường hợp Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Tòa án đã xét xử vụ án chuyển hồ sơ để nghiên cứu, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng không được đáp ứng kịp thời, nhiều trường hợp không chuyển ngay mà phải yêu cầu nhiều lần, dẫn đến thời gian giải quyết đơn để kéo dài.

Thứ ba, về lực lượng cán bộ tham gia công tác thực hành quyền công tố

- Biên chế cán bộ theo dõi, xử lý kháng nghị giám đốc thẩm chưa đảm bảo so với khối lượng công việc. Trong đó, có một số bộ phận cán bộ, kiểm sát viên được phân công chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của mình khi giải quyết vụ án, chưa thực sự đầu tư thời gian, nghiên cứu sơ sài, không đi sâu thu thập những căn cứ để kháng nghị. Ở một số địa phương, lãnh đạo đơn vị còn chưa quan tâm đúng mức đến khâu công tác này, chưa xác định đúng vị trí của công tác giám đốc thẩm dẫn đến thiếu sự phân công, theo dõi, giải quyết.

- Trình độ, năng lực của một số cán bộ, kiểm sát viên còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, còn nhiều lúng túng khi xem xét giám đốc thẩm vụ án hình sự.

- Một khía cạnh khác nữa là việc lập hồ sơ kiểm sát của một số kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp dưới còn sơ sài nên khi Viện kiểm sát cấp trên có kiểm tra thì cũng khó phát hiện ra vi phạm. Hoặc nhiều trường hợp Viện kiểm sát cấp dưới biết rõ vi phạm của bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng vì lý do nào đó mà không báo cáo để Viện kiểm sát cấp trên xem xét giải quyết.

Thứ tư, Trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân

Do trình độ dân trí còn thấp, nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế nên việc đề nghị kháng nghị tràn lan đã tạo ra không ít khó khăn đối với công tác nghiên cứu, xem xét các căn cứ kháng nghị. Thậm chí còn tồn tại trường hợp "khiếu kiện cầu may", nhiều vụ án đã được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật, bản án, quyết định của Toà án là hoàn toàn đúng đắn, song các đương sự vẫn làm đơn đề nghị Viện kiểm sát kháng nghị để giải quyết lại vụ án. Thậm chí có trường hợp, qua xem xét giải quyết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời là án xử đúng, không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, nhưng họ vẫn tiếp tục làm đơn gửi các nơi, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết.

Theo quy định tất cả các đơn đề nghị gửi đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều được tiếp nhận, xử lý, giải quyết theo một quy trình như nhau, với nhiều công đoạn và thời gian từ việc nghiên cứu đơn, tiến hành rút hồ sơ vụ án, nghiên cứu hồ sơ vụ án, lập hồ sơ kiểm sát giải quyết án theo thủ tục giám đốc thẩm báo cáo lãnh đạo Vụ, tiến hành xác minh làm rõ các nội dung cần thiết, báo cáo lãnh đạo Viện, đề xuất kháng nghị hoặc không kháng nghị, trả lời người có đơn. Nhưng kết quả là Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phải giải quyết một số lượng không nhỏ các trường hợp khiếu nại cầu may, không có căn cứ như trên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm tình trạng quá tải, bức xúc trong việc giải quyết các trường hợp đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Một phần của tài liệu Vai trò của Viện Kiểm sát trong thủ tục Giám đốc thẩm các vụ án hình sự (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)