Phân tích dư nợ quá hạn theo nguyên nhân

Một phần của tài liệu Giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng tại chi nhánh ngân hàng TMCP ngoại thương TPHCM Luận văn thạc sĩ (Trang 41)

- Chiết khấu bộ chứng từ hàng xuất; Bảo lãnh vay vốn.

2.2.2.3. Phân tích dư nợ quá hạn theo nguyên nhân

Bảng 2.9: Dư nợ quá hạn theo nguyên nhân

năm 2007 năm 2008 năm 2009

Chỉ tiêu Giá trị % Giá trị % Giá trị %

Phá sản 3,66 1,5 4,2 1,4 3,8 1,1

Thua lỗ 48,8 20 59,7 19,5 59,6 17,1

Hàng chậm tiêu thụ 90,28 37 115 38,5 140,6 40,3

Công nợ chưa thu hồi 34,16 14 51,1 17,1 66,3 19

Sử dụng sai mục đích 19,52 8 33,8 11,3 46,7 13,4

Nguyên nhân khác 47,58 19,5 34,9 11,7 31,7 9,1

Tổng 244,2 100 298,7 100 348,8 100

Nguồn: Phòng Quản lý Nợ Ngân hàng TMCP Ngoại thương TP.HCM

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ quá hạn của Chi nhánh là do hàng tồn kho của các doanh nghiệp vay vốn quá lớn nên nguồn vốn của doanh nghiệp bị kẹt trong hàng tồn kho. Các doanh nghiệp vay vốn ở nước ta nói chung và của Chi nhánh nói riêng, chủ yếu vay vốn ngân hàng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, vốn tự có lại rất mỏng (mà chủ yếu lại nằm trong tài sản cố định), nên khi hàng hóa không tiêu thụ được mà đến kỳ hạn phải trả nợ cho ngân hàng thì không có khả năng thanh toán, tình trạng này dẫn đến nợ quá hạn. Mặt khác các doanh nghiệp vay vốn của Chi nhánh đa số là các doanh nghiệp nhà nước, vay vốn với giá trị lớn, vượt xa so với vốn tự có (thường có bảo lãnh của nhà nước) nên khó có thể xoay sở được đủ lượng tiền trả nợ cho ngân hàng khi đáo hạn mà chưa hoàn tất được chu kỳ sản xuất. Năm 2007, nợ quá hạn do chậm tiêu thụ hàng là 90,28 tỷ đồng, chiếm 37% tổng dư nợ quá hạn. Năm 2008, nợ quá hạn này là 115 tỷ đồng, chiếm 38,5% tổng nợ quá hạn và tăng 1,5% so với năm 2007. Năm 2009, dư nợ quá hạn là 140,6 tỷ đồng, chiếm 40,3% tổng nợ quá hạn, tăng 1,8% so với năm 2008, chủ yếu do thị trường năm 2009 gặp khó khăn về tiêu thụ do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Nợ quá hạn do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản cũng chiếm tỷ trọng khá cao. Năm 2007 là 48,8 tỷ đồng, chiếm 20% tổng nợ quá hạn. Năm 2008 là 59,7 tỷ đồng, chiếm 19,5% nợ quá hạn và giảm 0,5% so với năm 2007. Năm 2009, nợ quá hạn do nguyên nhân này là 59,6 tỷ đồng, chiếm 17,1% tổng nợ quá hạn. Mặc dù nợ quá hạn do các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả có xu hướng giảm qua các năm về số tương đối, nhưng vẫn chiếm giá trị khá cao. Nguyên nhân là tình hình kinh doanh, sự biến động của thị trường ngày càng khó dự đoán,

giá cả thị trường biến động mạnh, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nhanh,… gây khó khăn không ít cho các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vay nợ nhiều, chi phí lãi cao gặp khó khăn, dẫn đến không thanh toán được nợ cho ngân hàng. Một nguyên nhân khác gây khó khăn cho các doanh nghiệp, là do không chuẩn bị kỹ cho quá trình hội nhập quốc tế, sản phẩm dịch vụ làm ra không đủ sức cạnh tranh, khả năng tiêu thụ giảm.

Việc chậm thu hồi công nợ phải thu của khách hàng cũng góp phần gây ra nợ quá hạn. Qua số liệu nợ quá hạn các năm, cho thấy nguyên nhân chậm thu hồi công nợ làm gia tăng nợ quá hạn và ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Nợ quá hạn do nguyên nhân này năm 2007 là 34,16 tỷ đồng, chiếm 14% nợ quá hạn. Năm 2008 tăng lên là 51,1 tỷ đồng, chiếm 17,1% nợ quá hạn và tăng 3,1% so với năm 2007. Năm 2009 nợ quá hạn do chậm thu hồi công nợ là 66,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19%, tăng 2,1% so với năm 2008. Hiện tượng các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau thay vì phải vay ngân hàng tốn chi phí ngày càng đáng lo ngại. Các khách hàng vay vốn của Chi nhánh đều có khoản mục phải thu chiếm tỷ trọng khá cao so với tài sản lưu động, nên khi đối tác của khách hàng chậm thanh toán, hoặc làm ăn thua lỗ thì khách hàng không có tiền trả nợ cho ngân hàng là khó tránh khỏi.

Nguyên nhân khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích cũng gây ra nợ quá hạn cho Ngân hàng. Nếu ngân hàng không giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay thì nguy cơ nợ quá hạn sẽ gia tăng. Năm 2007, nợ quá hạn do sử dụng vốn vay sai mục đích là 19,52 tỷ đồng, chiếm 8% nợ quá hạn. Năm 2008 là 33,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,3% nợ quá hạn. Đến năm 2009 nợ quá hạn này tăng lên 46,7 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng nợ quá hạn của cả năm. Như vậy nguyên nhân khách hàng sử dụng vốn sai mục đích do ý thức chủ quan của khách hàng, cũng như sự thiếu giám sát, kiểm tra của ngân hàng sau giải ngân cũng làm gia tăng nợ quá hạn, nhất là trong năm 2007 khi thị trường bất động sản tăng nóng, nhiều doanh nghiệp chuyển vốn vào thị trường này, nhưng đến năm 2008 khi thị trường đóng băng cũng làm gia tăng nợ quá hạn cho Chi nhánh.

Ngoài ra nhóm nguyên nhân khác cũng gây ra tỷ trọng nợ quá hạn khá cao cho Chi nhánh. Năm 2007, nợ quá hạn nhóm này là 47,58 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,5% nợ quá hạn. Năm 2008 là 34,9 chiếm tỷ trọng 11,7% nợ quá hạn và đến năm 2009 còn là 31,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,1% nợ quá hạn của năm. Đây là các nguyên nhân chủ quan và khách quan trong quá trình cấp tín dụng như: chính sách cho vay bán buôn của Chi nhánh, quá tập trung vào một số ít khách hàng lớn, tập trung vào một số ngành nghề, sự thiếu khách quan trong quá trình cấp tín dụng, môi trường vĩ mô có những biến động bất lợi, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp hạn chế, thông tin bất cân xứng, …

Một phần của tài liệu Giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng tại chi nhánh ngân hàng TMCP ngoại thương TPHCM Luận văn thạc sĩ (Trang 41)