CHƯƠNG 2: NGƯỜI ĐAN LAI VÀ VƯỜN QUỐC GIA PÙ MÁT Ở NGHỆ AN
2.1.2. Người Đan Lai ở Pù Mát (vùng khe Khặng)
Vùng thượng nguồn khe Khặng được coi là vùng đất tổ của người Đan Lai. Trước khi thực hiện TĐC, dân số tại khe Khặng chiếm số lượng lớn nhất với 163 hộ, 894 nhân khẩu phân bố tại ba bản Cò Phạt, khe Cồn và bản Búng. Ngoài nương rẫy, hoạt động kinh tế với phương thức cơ bản là “chặt - bắt - đổi”13, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, vào nguồn thức ăn rừng nên họ sống theo hình thức DCDC, nay đây mai đó. Khi nguồn thức ăn nơi định cư đã cạn kiệt, họ lại rời đến một nơi mới để tìm kiếm thức ăn. Quá trình di chuyển nhiều lần đã làm cho cuộc sống có nhiều biến động về địa bàn sinh sống và dân số…
Quá trình di cư của người Đan Lai gắn với những con suối, con khe lớn như Khe Khặng, khe Choăng, khe Mọi, khe Thơi, trong đó khe Khặng (thượng nguồn sông Giăng) được coi là nơi “chôn rau cắt rốn” với nhiều truyền thuyết kể về cuộc đời và những cuộc chiến đấu chống lại sự khắc nghiệt của tự nhiên, bệnh tật để duy trì sự sống.
Những năm 50 của thế kỷ XX, người Đan Lai ở khe Khặng có mặt ở 12 ngọn suối, mỗi nơi từ 4 - 10 hộ. Năm 1958, theo sự vận động của chính quyền địa phương họ tụ về ba bản: Vàng Hù, Cò Phạt và Cò Nghịu và sau đó thành lập hai hợp tác xã là Cò Phạt và Cò Nghịu (cũng có nghĩa là hai bản). Giai đoạn này, người Đan Lai ở Cò Phạt cùng nhau đắp đập, khơi mương, san đất và làm ruộng.
Ở bản Cò Nghịu người dân bắt đầu học người Thái làm guồng đưa nước vào ruộng. Cây sắn cũng được đưa vào sản xuất đã giúp đồng bào có thêm sự lựa chọn cho nguồn lương thực, góp phần vượt qua nạn đói hàng năm. Không những thế đồng bào còn khoanh rừng chăn nuôi trâu, bò và đã có những đàn trâu hàng chục con.
Đến những năm 70, gỗ bắt đầu có giá, Lâm trường Con Cuông trở thành một điển hình về khai thác lâm sản. Ở mỗi bản, lao động chính được biên chế vào các đội khai thác, với sự trợ giúp của lao động phụ trong gia đình, đã làm cho cuộc sống khấm khá hơn. Lúc này người dân mới biết đến nhiều loại hàng hóa nhu yếu phẩm như đường, mỳ chính, vải dệt may… mang lại từ khai thác gỗ.
Trong những năm 1987 - 1989, cùng với quá trình đổi mới quản lý trong nông nghiệp, hợp tác xã mất vai trò lãnh đạo tập trung về kinh tế, các hộ được trao quyền tự chủ, tự quyết định về việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Một hai năm đầu được tự do khai phá nương rẫy, đời sống của người dân có khá lên, song về sau, nguồn tài nguyên gỗ cạn dần nên đời sống đã khó khăn hơn. Dân số tăng nhanh từ 61 hộ năm 1960 lên 86 hộ năm 1987 và 153 hộ năm 1997, quy mô mỗi hộ vẫn giữ mức trung bình 5,4 người/hộ. Diện tích trồng lúa nước không mở rộng thêm, các công trình thủy lợi xuống cấp và hư hỏng, đập Cò Phạt mùa khô cạn nước, guồng nước ở bản Búng hư hỏng mất tác dụng… tình trạng đó khiến cho diện tích canh tác nương rẫy quanh bản bắt đầu khó khăn, một số hộ ở Cò Phạt đã phải vào các chỉ lưu của khe Khặng để làm rẫy.
Từ năm 1995, KBTTN Pù Mát được thành lập. Chế độ quản lý và bảo vệ lâm sản trở nên nghiêm ngặt, các đội khai thác trước đây bị giải tán, việc khai thác gỗ tự do bị cấm hoàn toàn, diện tích nương rẫy bị giới hạn và không được lựa chọn, đã làm cho cuộc sống của người dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Phổ biến trong đời sống là tình trạng thiếu đói triền miên. Đặc biệt, trong các năm từ 1996 - 1999 là những năm hạn hán nặng nề, mùa màng thất bát. Cộng
với việc nghiêm cấm săn bắn làm cho các loại thú rừng như lợn rừng, nhím… có điều kiện về gần bản hơn, do vậy, các loại cây trồng trên rẫy như sắn, ngô, lúa bị phá hoại ngày càng nhiều, khiến cho nguồn tự chủ lương thực của người Đan Lai càng xuống thấp. Nhiều hộ dân ở thượng nguồn khe Khặng đã tự ý rời các bản để đi kiếm sống ở nơi khác, cụ thể như trong thời gian này ở bản Cò Phạt 6 hộ vào khe Lẻ, 13 hộ ở bản Búng vào khe Bông, khe Vang để định cư lâu dài.
Cuối năm 1999, theo số liệu của UBND huyện Con Cuông vùng khe Khặng có 163 hộ, 894 nhân khẩu sinh sống tại ba bản là Cò Phạt với bốn cụm dân cư, bản khe Cồn, bản khe Búng với ba cụm dân cư.
Bảng 2.2: Tình hình phân bố các hộ dân cư thuộc 3 bản vùng khe Khặng TT Bản Số hộ S Số khẩu Ghi Chú
1 Cò Phạt 73 420 4 chòm (khe Lẻ và 3 chòm chưa có tên)
2 khe Cồn 34 186
3 bản Búng 56 288 3 chòm (Búng, Bông, Vang) Tổng số 163 894
Nguồn: [20, tr.10]
Trước khi thực hiện dự án TĐC, đời sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn. Những năm qua đã có nhiều chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ ổn định được cuộc sống, bỏ truyền thống dư cư, có điều kiện hơn để tiếp cận với việc học tập và giao lưu. Tuy nhiên, trong quá trình đó chúng ta hầu như chưa tập trung cho định cư và chưa có giải pháp thoả đáng cho định canh. Về cơ bản cuộc sống vẫn dựa trên tập quán canh tác nương rẫy trên đất rốc do vậy dẫn đến tình trạng đất bị suy thoái nhanh chóng trong quá trình canh tác. Hơn nữa, do thiếu chú trọng đến công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ cũng như kế hoạch hoá gia đình nên gia tăng dân số luôn là vấn đề tạo nên sức ép lớn có nguy cơ phá vỡ các bản định cư, mà biểu hiện ban đầu là hiện tượng phân tán của từng nhóm hộ tạo thành các
cụm cư dân mới ở hai trong số ba bản vùng khe Khặng. Chính điều này đã trở thành những thách thức lớn đối với sự tồn tại của KBTTN Pù Mát.
Theo kết quả điều tra thu nhập năm 2000 của các hộ gia đình tại ba bản vùng khe Khặng cho thấy [93, tr.23]:
* Tổng thu nhập bình quân/khẩu/năm là: 721 ngàn đồng. Trong đó: - Thu từ trồng trọt: 66,5%
(Gồm ruộng nước 20%, đất vệ bãi 16%, nương rẫy 30,5%) - Thu từ chăn nuôi: 20%
- Thu từ khai thác, săn bắt: 13,5%
* Chi tiêu bình quân nhân khẩu/năm 698 ngàn đồng Trong đó: - Chi cho đầu tư sản xuất: 10,8%
- Chi cho lương thực: 68,3% - Chi cho sinh hoạt: 20,7%
- Các khoản chi: đóng góp xã hội, học tập của con cái và chi khác chiếm một tỷ lệ rất nhỏ: 2,0%
Tuy nhiên, nguồn thu nhập không đồng đều giữa các hộ gia đình đã tạo nên sự phân hoá kinh tế trong cộng đồng như sau:
Bảng 2.3: Kết quả PRA về phân loại kinh tế các hộ gia đình Loại hộ Tiêu chuẩn đánh giá của cộng đồng
* Nhóm hộ khá: 8 hộ, chiếm 5%
- Thu nhập bình quân4,5 triệu/hộ/năm
- Đủ ăn quanh năm (gạo + sắn), có tích luỹ. - Nhà sàn/nhà đất kê lợp ngói/prô xi măng/tranh. - Có từ 3 - 18 con trâu/bò.
- Con cái được đi học. * Nhóm hộ trung
bình: 22 hộ, chiếm 13%
- Thu nhập từ 1,5 - 4
- Đủ ăn quanh năm (gạo + sắn) hoặc thiếu dưới 3 tháng, cân đối thu chi, không có tích luỹ.
- Nhà sàn/nhà đất gỗ chắc chắn/lợp tranh. - Có từ 2 - 5 con trâu/bò.
triệu/hộ/năm - Con cái được đi học. * Nhóm hộ nghèo đói: 139 hộ, chiếm 82% - Thu nhập dưới 1,5 triệu/hộ/năm
- Thiếu ăn 4 tháng trở lên, thường xuyên phải vay mượn. - Nhà sàn chôn/nhà đất tạm/mái tranh.
- Trâu bò có một hoặc không có.
- Chủ yếu làm thuê, sống phụ thuộc nhiều vào rừng. - Con cái có thể không được đi học.
Nguồn: [20, tr.38]
Từ kết quả trên cho thấy phổ biến ở các bản là tình trạng đói nghèo. Đặc biệt là tình trạng thiếu đói. Kết quả trên cũng tương đồng với các kết quả nghiên cứu của đề án NA97/036 (VNRP) năm 1998, tại bản Cò Phạt với số hộ thiếu đói là 85,7% và kết quả điều tra của Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Nghệ An (9/1998) tiến hành ở cộng đồng Đan Lai với số liệu công bố:
- Số hộ thiếu đói từ 9 tháng trở lên: 90% - Số hộ thiếu đói từ 6 tháng đến 9 tháng: 5% - Số hộ thiếu đói từ 1 tháng đến 6 tháng: 5%
Nguyên nhân của tình trạng đói nghèo được cộng đồng đánh giá là do: - Thiên tai, mấy năm gần đây thời tiết diễn ra phức tạp, hạn hán thường xuyên, diện tích nương rẫy cho thu nhập thấp, nhiều gia đình có rẫy lúa bị mất trắng.
- Sự tăng cường quản lý tài nguyên của Nhà nước làm hạn chế diện tích nương rẫy, khả năng lựa chọn rẫy canh tác theo kinh nghiệm cổ truyền, đồng thời giảm các nguồn thu nhập từ khai thác lâm sản. Trong khi đó các giải pháp khắc phục và hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu chưa được thực hiện.
- Trình độ học vấn của người dân thấp, hạn chế khả năng tiếp cận kỹ thuật, tiếp cận thị trường, thiếu vốn nên khó có thể chuyển đổi để thích ứng được với điều kiện hiện tại.
- Quỹ đất nông nghiệp quá hạn hẹp, thuỷ lợi yếu kém đặt trong điều kiện đầu tư hạn chế nên cho năng xuất thấp, bấp bênh.
Để bảo đảm sự tồn tại và phát triển của cộng đồng đòi hỏi cần có những giải pháp cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình trên cơ sở phát huy triệt để các tiềm năng về đất đai, lao động giúp họ giải quyết nhu cầu cấp bách về dinh dưỡng, trước hết là vấn đề lương thực. Từ đó hướng tới những hoạt động nhằm tăng thu nhập, thoát khỏi đói nghèo.
Năm 2000, dự án di dời người Đan Lai ra khỏi vùng lõi của VQG đã được bắt đầu tiến hành. Ngày 23/10/2001, Quyết định số 3830/QĐ.UB của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án thực hiện TĐC đợt I cho 36 hộ, 195 nhân khẩu đến hai bản Tân Sơn và Cửa Rào xã Môn Sơn. Đợt II năm 2007, di chuyển 42 hộ đến bản Thạch Sơn xã Thạch Ngàn. Ngoài ra, còn có một số đợt di chuyển nhỏ lẻ khác đến TĐC xen ghép với các hộ người Kinh, người Thái tại các bản ở các xã Châu Khê, Môn Sơn, Thạch Ngàn, Chi Khê, Lạng Khê… Đề án TĐC cho người Đan Lai cho đến nay đã qua 9 năm vẫn đang trong quá trình thực hiện.