Quan hệ với các cộng đồng cư dân khác

Một phần của tài liệu Tái định cư và sự thay đổi đời sống của nhóm Đan Lai (Thổ) ở vườn Quốc gia Pù Mát (Trường hợp người Đan Lai ở hai bản Tân Sơn và Cửa Rào, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Trang 108 - 111)

CHƯƠNG 4: SỰ THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC MƯU SINH VÀ ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ XÃ HỘ

4.2.1.3. Quan hệ với các cộng đồng cư dân khác

Môn Sơn là một xã vùng biên, có đường biên giới giáp với nước CHDCND Lào. Cùng cải tạo thiên nhiên và tạo lập cuộc sống nơi đây có người Thái, người Đan Lai và người Kinh [40, tr.12]. Mối quan hệ tộc người ở đây không chỉ diễn ra trên địa bàn xã, huyện mà còn bao gồm cả quan hệ với các tộc người sinh sống bên kia biên giới. Tính đến tháng 3/2010 toàn xã có 1.883 hộ với 8.504 khẩu, trong đó người Thái chiếm 79,9%, người Đan Lai với 13,4% và người Kinh chiếm 6,7% [100, tr.1].

Trước đây, trong xã hội cũ người Đan Lai không có sự bình đẳng trong quan hệ dân tộc. Họ bị lệ thuộc vào các chúa đất người Thái. Do đó, họ thường mặc cảm, tự ti và bị cô lập trong quan hệ tộc người. Người Thái, người Kinh có tư tưởng kỳ thị và phân biệt đối với người Đan Lai. Tuy nhiên, do sinh sống trên cùng một địa bàn, nên giữa các tộc người nảy sinh quan hệ giao lưu, trước hết là giao lưu kinh tế. Người Thái, người Kinh trao đổi và thu mua các mặt hàng lâm thổ sản của người Đan Lai như mây - song, củ nâu, mật ong rừng, rễ hương… Ngược lại người Đan Lai sử dụng các loại giống cây trồng, công cụ sản xuất, vải

và váy áo của người Thái. Các thương nhân người Thái cung cấp các mặt hàng thiết yếu như muối, dầu đèn, kim chỉ... Ảnh hưởng của văn hoá Thái trong đời sống của cộng đồng người Đan Lai là khá đậm nét. Xu hướng Thái hoá ở người Đan Lai là điều nhận thấy khá rõ nét.

Vài chục năm trở lại đây, mối quan hệ tộc người đã có những chuyển biến và thay đổi. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước là bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và cùng phát triển giữa các dân tộc. Người Đan Lai đã được bình đẳng với các tộc người khác. Họ là mục tiêu quan tâm của các chương trình, dự án phát triển. Đồng bào Đan Lai đã bắt đầu hoà nhập để phát triển kinh tế - xã hội.

Trong vùng khe Khặng, dân cư chủ yếu là người Đan Lai, chỉ có một số ít người Thái và người Kinh có quan hệ hôn nhân hỗn hợp trong những hoàn cảnh khác nhau đã trở thành những thành viên của cộng đồng này. Những người Thái vào vùng này thường rơi vào hoàn cảnh éo le. Nếu là nam giới, do quá nghèo khổ, không có điều kiện lấy được vợ cùng tộc người nên vào trong này để lấy vợ và ở rể. Còn phụ nữ, thường là những trường hợp “quá lứa, lỡ thì” hoặc đã trải qua một đời chồng. Ở bản Cò Phạt có chị Lê Thi Hương là người Kinh, hay vào vùng này để buôn bán và trao đổi hàng hoá rồi lấy chồng là người Đan Lai và định cư luôn ở đây.

Về cơ bản cộng đồng người Đan Lai vùng khe Khặng là một cộng đồng tương đối thuần nhất, điều đó chính là nền tảng để duy trì các đặc trưng văn hoá truyền thống, cùng đoàn kết và tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Từ khi TĐC, đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong quan hệ dân tộc. Hai bản TĐC của người Đan Lai nằm giữa các bản làng của người Thái và người Kinh. Bản Tân Sơn với 125 hộ, chủ yếu là dân tộc Thái, có 5 hộ dân tộc Kinh. Bản Cửa Rào có 70 hộ, có 66 hộ dân tộc Kinh và 4 hộ dân tộc Thái [100, tr.18]. Chính điều này đã làm những dấu ấn văn hoá của người Đan Lai vốn đã nhạt nhoà trong

nhạt hơn. Những ảnh hưởng của văn hoá người Thái và người Kinh ngày càng rõ nét đến mức khó có thể tìm thấy những dấu ấn văn hoá truyền thống của người Đan Lai ngoài sự đói khổ triền miên vẫn đang đeo bám họ từng ngày.

Hiện nay, hiện tượng song ngữ và đa ngữ phổ biến ở người Đan Lai TĐC. Đồng bào chỉ sử dụng tiếng Đan Lai trong sinh hoạt gia đình và thôn bản. Ngoài ra, người Đan Lai còn sử dụng thành thạo tiếng Thái và tiếng Kinh để giao tiếp. Đồng bào cho biết, tiếng Kinh và tiếng Thái rất thuận lợi cho họ mua bán, trao đổi hàng hoá, giao dịch với cơ quan nhà nước. Đặc biệt, tiếng Kinh giúp con em học hành, đồng bào nghe và hiểu được các phương tiện nghe nhìn để nâng cao nhận thức và nắm bắt những tiến bộ trong đời sống.

Tuy nhiên, trong quan hệ dân tộc người Đan Lai TĐC vẫn mang nặng tính tự ty, luôn mặc cảm mình có trình độ thấp kém, lạc hậu và đói khổ nhất trong vùng. Trong giao tiếp với người Kinh họ thường trốn tránh và tỏ ra dè dặt. Tâm lý lệ thuộc vào người Thái vẫn còn ảnh hưởng rất lớn. Mặt khác, những người Thái, người Kinh luôn cho họ là những người lười biếng, nghèo khổ và đói rách.

“Đàn ông thì uống rượu còn đàn bà chẳng chịu làm gì, suốt ngày cùng nhau ngồi nhai trầu nên đói khổ là đương nhiên” (Vi Văn Lanh, bản Tân Sơn).

Người Đan Lai thường đi làm thuê cho người Thái, người Kinh trong vùng. Khi không có lương thực, thực phẩm hay các loại giống (lúa, ngô) và phân bón… họ thường đến các gia đình người Thái, người Kinh để vay. Đến khi thu hoạch hoặc có tiền thì thường phải trả gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với giá trị thực của sản phẩm hoặc bỏ sức đi làm thuê để trừ dần số nợ. Tình trạng nợ nần phổ biến trong hầu hết các gia đình Đan Lai TĐC.

Trải qua một thời gian sinh sống mặc dù còn có những mặc cảm, nhưng do địa bàn cư trú gần nhau nên quan hệ giữa các tộc người cũng đã rộng mở hơn. Đồng bào người Thái, người Kinh đã trao đổi, chỉ bảo cách làm ăn và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp… cho người Đan Lai. Thanh niên người Thái đến bản TĐC

để chơi và tìm vợ. Năm 2010, chúng tôi đã trực tiếp tham gia hai đám cưới của hai cô gái người Đan Lai lấy chồng người Thái.

Tuy nhiên, các hiện tượng xấu đã xuất hiện trong đời sống của người Đan Lai như hiện tượng thanh niên gây gổ, đánh nhau đã diễn ra. Đặc biệt, cuối năm 2009, gia đình anh La Văn Bằm ở bản Tân Sơn đã bị mất trộm một con trâu. Đây là tài sản có giá trị kinh tế cao nhất trong gia đình. Điều này đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong cộng đồng người dân TĐC và ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ với các tộc người Thái, Kinh trong vùng.

Một phần của tài liệu Tái định cư và sự thay đổi đời sống của nhóm Đan Lai (Thổ) ở vườn Quốc gia Pù Mát (Trường hợp người Đan Lai ở hai bản Tân Sơn và Cửa Rào, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)