Những vấn đề chung

Một phần của tài liệu Tái định cư và sự thay đổi đời sống của nhóm Đan Lai (Thổ) ở vườn Quốc gia Pù Mát (Trường hợp người Đan Lai ở hai bản Tân Sơn và Cửa Rào, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Trang 74 - 75)

CHƯƠNG 3: QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN TÁI ĐỊNH CƯ 3.1 KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚ

3.4.1.Những vấn đề chung

Thực trạng công tác di dân TĐC ở Việt Nam hiện nay nói chung và ở dự án TĐC cho cộng đồng người Đan Lai ở VQG Pù Mát cho thấy còn nhiều bất cập trong tất cả các khâu như chính sách TĐC, tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đến khâu triển khai thực hiện và cấp phát vốn cho việc thực hiện.

Việc xây dựng khu TĐC theo quy hoạch gặp nhiều vướng mắc và tồn tại. Cơ sở hạ tầng chưa được chuẩn bị đầy đủ, đất để sản xuất kém chất lượng, không đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp, trồng trọt không cho thu hoạch và các hoạt động nhằm hỗ trợ phục hồi sau TĐC triển khai chậm và không đồng bộ. Những tranh chấp, xung đột giữa cộng đồng dân đến và cộng đồng sở tại đã xảy ra vì nhiều lý do, mà chủ yếu là tranh chấp đất đai, phong tục tập quán, thói quen sản xuất khác biệt giữa các cộng đồng dân tộc tại điểm TĐC.

Việc người dân tại khu TĐC không có được một mức sống bằng với nơi ở cũ sau khi di chuyển là phổ biến. Hầu hết họ đang gặp rất nhiều khó khăn về cuộc sống sau khi TĐC. Những khó khăn này chủ yếu là do thiếu một khung chính sách cho công tác TĐC trong dự án. Tầm nhìn trong công tác quy hoạch còn yếu, chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác TĐC trong toàn bộ dự án.

Di dân không tự nguyện và ép buộc là hoạt động không chỉ xảy ra trong quá trình thực hiện các dự án phát triển mà còn do nhiều nguyên nhân khác nhau như tác động của thiên tai, chiến tranh, xung đột, lường gạt... Trong trường hợp

di dân bắt buộc thì các yếu tố về kinh tế, mạng lưới xã hội hình thành giữa các cộng đồng nơi đi và nơi đến... không còn giữ vai trò quan trọng như một động lực thúc đẩy quá trình di cư, quyết định di cư cũng như là hướng di chuyển. Mặc dù trong chừng mực nào đó, động lực kinh tế và yếu tố xã hội vẫn có tác động đến người dân TĐC thông qua việc họ thường có mong muốn được TĐC gần, đến những nơi có ĐKTN gần gũi và tương tự với điều kiện của nơi ở cũ.

Tuy nhiên, TĐC bắt buộc liên quan đến việc di dời cả một cộng đồng không phân biệt giới tính, độ tuổi, học vấn, thu nhập hay quy mô hộ gia đình, mặc dù đây là những yếu tố tuyển chọn quyết định mô hình di dân tự do. Ngay cả khoảng cách di chuyển và địa bàn nơi chuyển đến, người di cư hầu như không có quyền lựa chọn như họ mong muốn. Thậm chí, người dân không có sự lựa chọn và quyết định dựa trên phong tục, tập quán, lối sống của mình. Chính vì vậy trong nhiều trường hợp cộng đồng dân di chuyển phải đối mặt với những cú sốc về văn hóa và tâm lý vốn không được chuẩn bị trước.

TĐC bắt buộc là một quá trình mà Nhà nước dùng thẩm quyền, quyền lực chính trị của mình để thực hiện các hoạt động thu hồi đất, quy định đối tượng phải di dời và cùng với nó là thay đổi cả các mối quan hệ xã hội, phong tục tập quán lối sống, phương thức canh tác, sản xuất của người dân.

Với những đặc trưng nói trên, công tác TĐC thường dẫn đến việc nảy sinh những mâu thuẫn và xung đột khác nhau, giữa những người phải TĐC với cộng đồng người sở tại; giữa chính quyền địa phương, chủ đầu tư và cộng đồng dân di chuyển; mâu thuẫn giữa văn bản chính sách và thực tế...

Một phần của tài liệu Tái định cư và sự thay đổi đời sống của nhóm Đan Lai (Thổ) ở vườn Quốc gia Pù Mát (Trường hợp người Đan Lai ở hai bản Tân Sơn và Cửa Rào, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Trang 74 - 75)