CHƯƠNG 4: SỰ THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC MƯU SINH VÀ ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ XÃ HỘ
4.2.2 Giáo dục, y tế
4.2.2.1. Giáo dục
Có thể nói, giáo dục chính là con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất giúp người dân Đan Lai thay đổi nhận thức và nâng cao dân trí.
Theo như lời kể của ông La Đình Thám, giáo viên nghỉ hưu. “Trước đây, gia đình ông ở bản Búng. Năm 1955, cả gia đình chuyển ra trung tâm xã Môn Sơn. Thời gian đó ông là người duy nhất trong vùng khe Khặng ra Môn Sơn trọ học. Đến năm 1967, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Miền núi Nghệ An, ông được phân công về dạy học tại bản Cò Phạt. Lúc bấy giờ trong vùng khe Khặng có 3 giáo viên, mỗi bản một có một người. Tình hình dạy và học vô cùng khó khăn, nhiều khi cả ba bản chỉ có một học sinh đến lớp”.
Năm 1980, trường cấp I, II Môn Sơn III được thành lập. Cấp II có 3 giáo viên và cấp I có 7 giáo viên. Tổng số học sinh lúc đông nhất lên tới 70 em. Tuy nhiên, các em đi học chưa đều và còn bỏ học nhiều do gia đình không tạo điều kiện để các em đến trường và bắt ở nhà phụ giúp công việc hoặc lên rẫy. Khi thầy cô đến vận động thì đều nhận được câu nói: “Học nhiều không có cái gì ăn”.
Đến năm 1985, phải bỏ cấp II vì không có học sinh.
định, xa nhà, không có lương thực, tiền… nên chỉ được một thời gian là các em lại lần lượt bỏ học.
Trước khi TĐC cụm bản vùng khe Khặng có một trường tiểu học (Môn Sơn III). Gồm 10 lớp, 8 giáo viên, 8 phòng học, đóng tại ba điểm tương ứng với mỗi bản: Bản Búng: 2 lớp, 2 phòng học, 1 giáo viên: từ lớp 1 đến lớp 2; Bản khe Cồn: 3 lớp, 3 phòng học, 3 giáo viên: từ lớp 1 đến lớp 3; Bản Cò Phạt: 5 lớp, 3 phòng học, 4 giáo viên: từ lớp 1 đến lớp 5.
Cơ sở vật chất hết sức hạn chế, ngoài hai phòng học bán kiên cố ở bản Cò Phạt (đã xuống cấp) các phòng học đều tạm bợ làm từ tranh tre, nứa lá. Phổ biến tình trạng học sinh học trong lớp ghép do thiếu giáo viên và phòng học. Tỷ lệ học sinh học hết tiểu học rất hạn chế do việc đi lại hết sức khó khăn. Học sinh bản Búng muốn học đến lớp 3 phải ra bản khe Cồn với 2 con thác và nửa giờ đi bộ, còn nếu muốn học đến lớp 5 thì phải qua 6 con thác với gần 2 giờ đi bộ.
Học sinh ở đây cũng rất khó có khả năng học lên cấp II vì phải ra học tại trung tâm xã và không thể đi về mà phải trọ học. Chính điều này hạn chế rất lớn ý thức vươn lên của các học sinh tiểu học. Thêm vào đó là sự thiếu yên tâm công tác của đội ngũ giáo viên cũng như những khó khăn, thiếu thốn sách vở, đồ dùng học tập, giảng dạy, thiếu cơ hội giao lưu tiếp xúc… càng làm cho chất lượng học sinh tiểu học thiếu hụt nghiêm trọng.
Cô giáo Trần Thị Xuân kể cho chúng tôi về hành trình đưa cái chữ vào với người Đan Lai. Trong câu chuyện của cô, có niềm vui rạng ngời, có những tiếng thở dài và có cả những khát khao cháy bỏng về một ngày mai.
Cô tâm sự về hành trình đến với người Đan Lai: “Nói thật, chẳng ai muốn vào cái chốn khỉ ho cò gáy này để dạy học cả”. Việc đầu tiên cô làm là vận động các em đến trường. Cuộc sống của đồng bào vốn dĩ khó khăn nên các em đến tuổi đi học thay vì đến trường lại theo bố mẹ lên rẫy. Người Đan Lai ở đây khi nghe cô thuyết phục để học sinh đến trường đều hỏi: “Cái chữ có đổi được cơm
không? Ta cho các con đi học thì có được gạo không? Hắn đi học thì lấy ai lên rừng bẻ măng, xuống suối bắt cá?”.
Những ngày sau đó mới là quãng thời gian khó khăn trong hành trình gieo chữ. Lớp học chỉ có dăm ba em, học sinh thích thì đi học, không thích thì bỏ. Nhiều hôm, cô lại phải đi tìm các em đến lớp. Để cái chữ đến được với tất cả con em ở bản làng, bài toán đầu tiên là phải làm thế nào cho đồng bào nơi đây thoát khỏi cảnh đói nghèo. Biết là vậy nhưng lời giải cho bài toán này vẫn còn là một ẩn số. Qua thống kê của nhóm nghiên cứu đề án NA 97/036 (VNRP) năm 1998 tại bản Cò Phạt như sau: tỷ lệ người lớn nói được tiếng phổ thông: 73,1%, tỷ lệ người lớn biết đọc: 45,0%, tỷ lệ người lớn tốt nghiệp tiểu học: 11,3%, tỷ lệ người lớn có trình độ trên tiểu học: 0,6% [59, tr.45]. Đây sẽ là một trở ngại có ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của cộng đồng người Đan Lai.
Từ khi TĐC, học sinh Đan Lai đã có điều kiện học hành thuận lợi hơn trước rất nhiều. Học sinh TĐC đã vào học chung trường, lớp với người Kinh, người Thái. Thay vì học trong các lớp học tranh tre tạm bợ thì nay được học trong những lớp học kiên cố với cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập. Nhờ đó mà tỉ lệ học sinh tiểu học trong độ tuổi được đến trường tăng từ 57,3% tại vùng khe Khặng lên 83,8% tại khu TĐC. Tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm một cách rõ rệt, học sinh học hết cấp tiểu học theo học tiếp cấp THCS tăng lên nhanh chóng từ 44,5% lên 84,7%. Lực học của học sinh cũng đã từng bước có những chuyển biến tích cực hơn so với trước [101, tr.4].
Ở cấp mầm non, trẻ em TĐC được đến học tại trường Mầm non Môn Sơn I và II. Hiện nay, hai bản có 13 cháu thuộc lớp 4 và 5 tuổi. Gia đình các cháu có đời sống khó khăn nên nhà trường hỗ trợ 100% tiền ăn học. Nhà nước trợ cấp 70.000 đồng/người/tháng tiền ăn học bán trú. Tuy nhiên, các cháu đi học còn rất ít. Trong quá trình học còn nhút nhát, chưa hoà đồng với cô giáo, bè bạn. Đặc
biệt các cháu nhận thức rất chậm. Hiện tượng bỏ học diễn ra phổ biến do cha mẹ chưa ý thức được việc học tập và đưa các cháu đến trường học.
Trong công tác giáo dục phổ thông. Trường Tiểu học Môn Sơn III (năm học 2009 - 2010) có 283 học sinh. Học sinh Đan Lai là 147 em, trong đó bản Tân Sơn và Cửa Rào có 37 em, Cò Phạt có 43 em và khe Búng có 67 em.
Hiện nay, nhà trường đang xây dựng thêm hệ thống phòng học và cơ sở vật chất nhằm phục vụ cho việc dạy và học. Các gia đình có con đang học tập tại trường tham gia lao động công ích xây dựng cơ sở vật chất. Cán bộ giáo viên nhà trường tích cực tham gia ủng hộ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, động viên các em học tập… Đến nay, không còn hiện tượng học sinh Đan Lai TĐC bỏ học.
Ngoài cấp Tiểu học, học sinh TĐC còn học ở trường THCS Môn Sơn. Toàn trường có 561 học sinh, trong đó có 68 em học sinh Đan Lai (25 em ở Tân Sơn, Cửa Rào; 43 em ở Cò Phạt và bản Búng). Nhà trường cử giáo viên đến vận động từng gia đình cho con em đến trường học. Đi học các em được hưởng chế độ 112 của Chính phủ, trợ cấp học sinh nghèo (140.000 đồng/người/tháng) và không phải đóng tiền. Ngoài ra, còn được các cá nhân, tổ chức trong và ngoài huyện ủng hộ.
Như vậy, so với trước khi TĐC việc học tập của các em đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Năng lực học tập ngày càng được cải thiện. Để có được những thành quả đó chính là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương và các ban ngành chức năng. Các em được học hành trong những ngôi trường khang trang hơn, có trang thiết bị học tập. Không những thế còn thường xuyên nhận được những món quà có ý nghĩa của các nhà hảo tâm, các thầy cô giáo. Đây thực sự là những tín hiệu tốt từng bước hỗ trợ các em đến trường nhằm cải thiện và nâng cao trình độ dân trí cho thế hệ tương lai.
Tuy nhiên, năng lực học tập của đại bộ phận học sinh Đan Lai còn rất thấp, phần lớn là thuộc diện trung bình và yếu. Cả hai bản vẫn chưa có em nào học lên
THPT. Hầu hết các em đều đến trường học muộn so hơn so với độ tuổi quy định và chủ yếu học đến THCS là bỏ học.
Thầy cô giáo cho biết, các em đi học không phải đóng tiền. Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy học sinh hai bản TĐC đều phải đóng “tiền quỹ” cho nhà trường. Với số tiền từ 300.000 - 500.000 đồng/năm học tuỳ theo từng khối. Như em La Văn Quý (lớp 1) đóng 380.000 đồng, em La Thị Luông (lớp 3) đóng 350.000 đồng và em La Thị Liên (lớp 7) đóng 450.000 đồng… Ngoài ra, các em còn phải nộp cho trường từ 50.000 - 200.000 đồng để mượn sách giáo khoa cũ.
Tiền trợ cấp cho học sinh hộ nghèo, được nhà trường phát 3 tháng/lần. Gia đình nào chưa đóng góp các khoản tiền (tiền quỹ, tiền lao động20, tiền bỏ học21…) sẽ bị trừ vào số tiền trợ cấp.
Khi gặp gỡ, trò chuyện chúng tôi thử kiểm tra lực học của các em thì cho thấy một kết quả chung là hầu hết các em đều học rất kém. Có em học lớp 6 mà đọc chưa thành thạo, nhiều em học THCS làm phép tính cộng trừ hai chữ số còn rất chậm và chưa chính xác. Trong khi đó, các thầy cô vẫn cho các em lên lớp, không thấy có trường hợp nào lưu ban hoặc phải bổ túc thêm kiến thức. Đây thực sự là vấn đề đáng lưu tâm về tình hình chất lượng giáo dục của các trường trên địa bàn xã Môn Sơn đối với học sinh Đan Lai.
4.2.2.2. Y tế
Theo quy định của Chính phủ, mỗi thôn bản có một cán bộ y tế, hưởng một phần phụ cấp từ ngân sách. Trên thực tế, vùng khe Khặng do không có người đủ tiêu chuẩn chuyên môn do vậy cán bộ y tế được cử từ bên ngoài vào. Trong điều kiện phụ cấp ngân sách thấp, người dân không có khả năng để đóng góp thêm nên các cán bộ y tế thôn bản không có điều kiện bám trụ trong vùng khe Khặng,
20
Hàng năm nhà trường huy động các gia đình tham gia lao động công ích giúp trường chỉnh trang, cải tạo cơ sở hạ tầng. Nếu gia đình nào không tham gia lao động thì bị trừ 300.000 đồng.
dẫn đến tình trạng người dân không được chăm sóc y tế ban đầu tại thôn bản một cách thường xuyên. Mặt khác, tại các thôn bản đều không có tủ thuốc dự phòng, cơ sở y tế gần nhất là trạm y tế xã cách thôn bản gần nhất 30km, đi bộ qua nhiều đèo dốc, thác gềnh. Vì lẽ đó mà mỗi khi có trường hợp đau ốm người dân không được thăm khám và điều trị kịp thời. Trong cộng đồng phổ biến là dùng thuốc nam để chữa trị các loại bệnh. Song có những bệnh như bệnh lao, bệnh cần phẫu thuật… thì người dân bó tay. Anh La Văn Nhượng ở bản Cửa Rào cho biết:
“Trước khi TĐC gia đình anh ở bản khe Cồn. Năm 1997, vợ chồng cưới nhau được 4 năm thì người con qua đời do sốt rét ác tính, và chỉ ba tháng sau đến vợ anh mất do chảy máu dạ dày, sốt cao đã không được cấp cứu kịp thời”.
Đặc biệt, vấn đề chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình vùng khe Khặng chưa được quan tâm. Về lâu dài vấn đề dân số và gia tăng dân số sẽ là sức ép chủ yếu tác động tới tài nguyên rừng và đất rừng của VQG. Vì vậy, việc kiểm soát sự gia tăng dân số là vấn đề cần sớm được quan tâm. Khi chúng tôi hỏi vì sao sinh nhiều con, chị La Thị Mại, bản Búng cười tươi nói:
“Không lo đâu cán bộ ơi, nhà có thêm con là thêm người, đông vui lắm chớ, sao lại phải lo”. Những người sống ở bản Cò Phạt nhiều năm, ngoại trừ các thầy cô giáo và một số cán bộ, chiến sỹ biên phòng “cắm bản” hiểu rõ việc sinh đẻ nhiều con là vất vả và lạc hậu thế nào, còn lại ở bản này, đại đa số từ người già đến người trẻ đều có chung quan niệm “đẻ nhiều con mới quý”. Và nếu như chưa sinh được con trai thì phải sinh bằng được mới thôi.
Từ khi TĐC công tác y tế ở hai bản Tân Sơn và Cửa Rào đã có những thay đổi rõ rệt. Người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế tốt hơn nơi ở cũ. Số lượng các hộ gia đình đến với dịch vụ y tế xã tăng vọt so với trước. Lượng sử dụng dịch vụ y tế xã tăng từ 2,5% (năm 1999) lên 29% (năm 2005) [99, tr.4]. Tỉ lệ các gia đình mời thầy Khài (cúng) khi người nhà có bệnh so với thời còn ở vùng khe Khặng đã giảm đáng kể. Các hủ tục mê tín dị đoan từng bước được loại trừ khỏi
thôn bản, người dân có ý thức hơn trong việc phòng và chữa bệnh bằng các phương pháp khoa học. Công tác chăm sóc sức khoẻ đã từng bước thay đổi trong nhận thức của người dân.
Năm 2004, đã tiến hành cấp phát thẻ Bảo hiểm y tế cho một số hộ nghèo do xã quy định. Từ năm 2007, đã cấp thẻ Bảo hiểm cho toàn bộ dân Đan Lai TĐC, nhưng trong quá trình thực hiện còn có sai sót nên nhiều người vẫn chưa có thẻ. Đến năm 2008, toàn bộ dân ở hai bản TĐC đều đã được phát thẻ Bảo hiểm y tế. Từ khi có thẻ Bảo hiểm một số người có bệnh là đến trạm để khám chữa bệnh. Tuy nhiên, tình hình khám chữa bệnh của người dân còn rất hạn chế do thói quen và nhận thức của đồng bào còn thấp trong việc tới trạm xá để khám chữa bệnh.
Trong quá trình khảo sát chúng tôi nhận thấy công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân còn chưa được quan tâm đúng mức. Khi có bệnh người dân tới trạm xá để khám bệnh và cấp thuốc theo chế độ bảo hiểm. Tuy nhiên, chỉ khi nào trạm xá có thuốc thì được phát, còn không phải bỏ tiền mua trong hiệu thuốc của trạm xá hoặc ra chợ. Tình trạng thiếu thuốc diễn ra thường xuyên nên người dân phải bỏ tiền mua nhiều hơn được cấp phát. Ngoài ra, chúng tôi có gặp hai cán bộ y tế vào bản TĐC Cửa Rào lấy máu, xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét để phòng dịch. Trang thiết bị để tiến hành lấy máu rất thô sơ, chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật y tế và cũng không tiến hành thông báo cho toàn bộ dân bản biết.
Trong đời sống hàng ngày, người Đan Lai vẫn sử dụng phổ biến các bài thuốc nam để chữa bệnh. Ông La Văn Thám, bản Cửa Rào cho biết: “Có nhiều loại cây để chữa bệnh như cây Rì chữa bệnh đau bụng, cây Chạc chữa tê mỏi chân tay, cây Môn chữa bệnh đau đầu, cây Pho chữa bệnh đau bụng, ỉa chảy…”
Ngoài các bài thuốc nam, ở hai bản vẫn còn ba thầy Khài (bản Cửa Rào hai người, bản Tân Sơn một người) hành nghề cho một số gia đình.