Hoàn thiện công tác nghiên cứu thị trường:

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ quản trị hoạt động nhập khẩu máy và phụ tùng của công ty cổ phần xuất nhập khẩu máy và phụ tùng (SPJ) (Trang 81)

IV Thu nhập bình quân Triệu

3.3.1.1.Hoàn thiện công tác nghiên cứu thị trường:

Trong cơ chế thị trường, hoạt động kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải gắn liền với thị trường, lấy thị trường làm mục tiêu hoạt động của mình. Thị trường cũng là nơi sàng lọc, loại bỏ doanh nghiệp nào yếu và hạn chế về năng lực cạnh tranh. Đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu thì công tác nghiên cứu để mở rộng thị trường trong và ngoài nước là rất cần thiết để làm sao lựa chọn ra những nhà cung cấp uy tín, phát triển được mạng lưới khách hàng trong nước rộng khắp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

* Nghiên cứu thị trường trong nước:

Khi nghiên cứu thị trường máy móc thiết bị phụ tùng trong nước, công ty cần chú trọng nghiên cứu tình hình sử dụng máy móc cũng như nhu cầu về phụ tùng thay thế và tình hình sản xuất máy móc trong nước ra sao để biết được tình hình tiêu thụ và sử dụng máy móc thiết bị phụ tùng trong nước, cần tạo ra các mối quan hệ chặt chẽ với các Vụ của Bộ Công Thương nhằm theo dõi sự biến động của thị trường trong nước. Căn cứ vào các luận chứng kinh tế kỹ thuật và các nghiên cứu, công ty có thể đánh giá được tình hình thị trường trong nước, lập ra phương án kinh doanh hợp lý.

Đối với thị trường có tính chất sống còn, công ty nên tổ chức đại diện thương mại chuyên biệt với chức năng nghiên cứu và thông báo thường xuyên các thông tin về thị trường hàng hoá tại địa bàn đó để giúp cho công ty xây dựng được các kế hoạch tác nghiệp cụ thể, nhanh chóng chớp lấy thời cơ kinh doanh để đạt hiệu quả cao.

Mạng lưới thu thập thông tin của doanh nghiệp phải được tổ chức theo vùng lãnh thổ, tức là lập ra nhóm chịu trách nhiệm nghiên cứu địa bàn được giao từ khâu thu thập cho đến khâu xử lý thông tin và báo cáo kết quả cho công ty, kết hợp chặt chẽ với việc nghiên cứu tại văn phòng nghiên cứu thị trường nhằm giảm bớt độ nhiễu tạp của thông tin, tăng độ chính xác và nhanh chóng để kịp thời phục vụ cho việc ra quyết định kinh doanh.

* Nghiên cứu thị trường ngoài nước:

Sau khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự hạch toán kinh doanh, Công ty phải tự tìm bạn hàng giao dịch nên nắm vững thị trường nhập khẩu là công việc rất có ý nghĩa đối với Công ty. Trong thời gian tới, Phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu cần đẩy mạnh hơn công tác này, cần nghiên cứu cụ thể hơn và nắm bắt chính xác các chế độ chính sách, luật pháp có ảnh hưởng như thế nào đến việc kinh doanh trực tiếp ở thị trường đó cũng như phong tục tập quán ở thị trường đó. Cần nắm rõ hơn uy tín, cơ sở vật chất và tình hình kinh doanh nội địa của bạn hàng cần giao dịch, xác định được phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của người đứng tên giao dịch bên bạn, áp dụng kỹ thuật hiện đại phân tích thị trường và so sánh giữa chúng để tìm ra thị trường tối ưu. Nghiên cứu nắm bắt nhanh chóng những thông tin cần thiết qua mạng Internet.

Hiện nay, Công ty đã và đang nhập khẩu máy móc, thiết bị phụ tùng của các nước đã và đang phát triển và trong tương lai hầu hết các loại máy móc sẽ được nhập khẩu từ các nước này. Do đó, cần có những thông tin về khu vực đó bao gồm: khả năng đáp ứng của từng nước, giá cả như thế nào? đặc biệt cần quan tâm đến các nước xuất khẩu lớn như Nhật Bản, Nga và Trung Quốc. Các thông tin nghiên cứu thị trường phải đầy đủ để có thể nhận định tổng quát về diễn biến tình hình thị trường thế giới và thị trường khu vực. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp lựa chọn mặt hàng kinh doanh, xác định số lượng nhập khẩu và lựa chọn phương án nhập phù hợp.

* Nghiên cứu về giá cả:

Khi nghiên cứu giá cả đối với mặt hàng máy móc và phụ tùng cần phải hiểu rõ tổng giá máy móc, thiết bị phụ tùng đồng bộ chào trong đơn hàng thường cao hơn tổng giá các thiết bị đơn lẻ bao gồm trong thiết bị toàn bộ ấy khi công ty nhập khẩu riêng rẽ trên thị trường thế giới. Để từ đó tránh nhập khẩu với giá cao, không tiết kiệm được chi phí và nâng giá thành lên.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng danh mục hàng hoá trong mậu dịch quốc tế rất rộng và không ngừng tăng lên. Do đó, khi nghiên cứu giá cả của mặt hàng máy móc phụ tùng cần lưu ý đến những đặc tính kỹ thuật để phân tích và đánh giá cho chính xác.

Từ nhận định tổng quan về thị trường trong và ngoài nước, về giá cả nhập khẩu, Công ty cần phải xác định số lượng nhập khẩu và các yêu cầu về thông số kỹ thuật, chất lượng, nhãn hiệu,.... của hàng hoá. Để xác định số lượng máy móc và phụ tùng nhập khẩu, Công ty cần nắm vững nguồn hàng nhập khẩu của các đơn vị, hạn ngạch được cấp hoặc chỉ tiêu được đăng ký. Ngoài ra Công ty cần xác định được số lượng mặt hàng nhập khẩu tối ưu sao cho vừa thoả mãn được nhu cầu trong nước vừa tiết kiệm được chi phí đặt hàng.

Tiếp theo là việc lựa chọn thương nhân hay đối tác nước ngoài khả dĩ, có khả năng công tác tốt ở nước ngoài, vì bên cạnh các công ty sản xuất máy móc và phụ tùng ngày càng phát triển và có uy tín trong giao dịch buôn bán còn có một số công ty “ma” chỉ có lượng vốn ít hoặc các công ty nhỏ dựa vào công ty lớn để làm ăn. Giao dịch với các công ty này có độ rủi ro rất cao. Vì vậy, Công ty phải nghiên cứu tình hình tài chính, uy tín của các hãng nước ngoài nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh của mình. Máy móc phụ tùng thường có giá trị cao, vốn bỏ ra lớn nên Công ty phải thận trọng trong giao dịch.

Các thông tin sau khi được thu thập phải xử lý và cần được sử dụng kịp thời để phục vụ cho công tác nhập khẩu nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Vận dụng kết quả nghiên cứu thị trường, giá cả trong việc đề ra chiến thuật kinh doanh của Công ty. Căn cứ vào việc dự đoán xu thế phát triển của thị trường và trước hết do nhu cầu về máy móc thiết bị phụ tùng phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước tăng, Công ty cần lên kế hoạch nhập khẩu từng loại mặt hàng với yêu cầu về thông số kỹ thuật phù hợp.

Giá máy móc thiết bị thuộc loại hàng hoá được sản xuất trong ngành kinh tế có trình độ tập trung sản xuất và lũng đoạn cao. Do vậy, nó chịu ảnh hưởng của các chính sách về giá cả của các tập đoàn lũng đoạn rất lớn. Khi dự đoán xu hướng giá trên thị trường sẽ tăng lên thì Công ty cần tích cực mua nhanh khối lượng hàng nhập để tránh khi giá tăng. Nếu giá thị trường có xu hướng giảm xuống thì tới mức thấp nhất mới mua vào với khối lượng lớn nhất. Nhưng giá máy móc thiết bị và phụ tùng thường ít biến động nên Công ty có thể áp dụng chiến thuật chủ động tới mức mua vào một khối lượng hàng hoá trong kế hoạch dự định nhập khẩu khi giá xuống thấp nhằm tiết kiệm được ngoại tệ.

* Vận dụng kết quả nghiên cứu thị trường cho việc giao dịch và ký hợp đồng:

Do đặc điểm tình hình của thị trường nên việc lựa chọn thời gian giao dịch đúng lúc có ý nghĩa rất quan trọng, lựa chọn thời gian giao dịch kịp thời hay chậm trễ sẽ đem lại những kết quả rất khác nhau.

Thời gian giao dịch dài hay ngắn tuỳ ở khối lượng hàng hoá định mua và dung lượng thị trường. Nếu khối lượng hàng hoá ít thì không nên kéo dài thời gian giao dịch. Ngược lại, nếu khối lượng hàng hoá lớn mà dung lượng thị trường lại hạn chế thì thời gian tiến hành phải dài thích đáng. Vì đối với số lượng lớn trị giá hàng triệu USD thì doanh nghiệp phải có thời gian nghiên cứu thị trường cẩn thận và chính xác.

Khi ký kết hợp đồng nhập khẩu, Công ty cần phải vận dụng các kết quả nghiên cứu và đánh giá tình hình thị trường và các hợp đồng nhập khẩu máy móc, thiết bị phụ tùng thường có giá trị lớn nên cần phải cẩn thận để tránh thiệt hại. Thông thường trong thực hiện đều có sự trả giá tuỳ thuộc vào nghệ thuật thương lượng, khối lượng mua và các điều kiện khác. Những cuộc thương lượng là những phương pháp đảm bảo giá cả cạnh tranh. Do đó, Công ty phải nắm bắt được các tình huống có lợi cho việc thương lượng.

Trong việc ký kết hợp đồng, Công ty cũng cần phải xem xét chặt chẽ các điều khoản trong hợp đồng để tránh rắc rối về sau và tránh sơ hở về pháp lý kinh tế.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ quản trị hoạt động nhập khẩu máy và phụ tùng của công ty cổ phần xuất nhập khẩu máy và phụ tùng (SPJ) (Trang 81)