0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (164 trang)

Nguồn gốc và phân bố

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA CÁC THẢM CỎ TỈNH ĐẮK LẮK VÀ XU HƯỚNG BIẾN ĐỘNG CỦA NÓ (Trang 76 -76 )

4. Những điểm mới của luận án

4.1.2. Nguồn gốc và phân bố

Các thảm cỏ có thể có nguồn gốc khí hậu, thổ nhưỡng và nhân chủng phát sinh. Thảm cỏ do khí hậu và thổ nhưỡng phát sinh thuộc loại hình thảm cỏ nguyên sinh, đặc biệt khí hậu phát sinh thường chiếm vùng rộng lớn. Thảm cỏ do Nhân chủng phát sinh (tác nhân phát sinh) là loại hình thứ sinh. Thảm cỏ thứ sinh có thể tồn tại ở các đai đới khác nhau, có nguồn gốc từ các kiểu thảm khác nhau nhưng trên thế giới thảm cỏ thứ sinh chủ yếu từ kiểu rừng vì kiểu rừng có nhiều đặc điểm sinh thái môi trường gần với thảm cỏ.

Đắk Lắk thuộc vùng trung tâm cao nguyên Trung bộ nên vừa chịu sự chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa mang tính chất của khí hậu cao nguyên mát dịu. Tỉnh Đắk Lắk ở độ cao trung bình 400 - 800 mét so với mặt nước biển và có địa hình khá đa dạng. Thời tiết chia làm 2 mùa khá rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11 kèm theo gió tây nam thịnh hành, các tháng có lượng mưa lớn nhất là tháng 7,8,9 hoặc 9,10,11 tùy theo vùng, lượng mưa chiếm 80 - 90 % lượng mưa cả năm. Mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3 - 4 năm sau, trong đó có từ 2 - 4 tháng khô kiệt, mùa khô độ ẩm giảm, gió đông bắc thổi mạnh, bốc hơi lớn, gây khô hạn nghiêm trọng. Nhiệt độ trung bình từ 22 - 23 oC, những vùng có độ cao thấp, nhiệt độ trung bình là 23 - 24 oC. Lượng mưa trung bình những năm gần đây đạt từ 1500 - 2100 mm, lượng mưa trong 6 tháng mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 9 hay tháng 11) chiếm trên 80 % lượng mưa/năm, vào mùa khô lượng mưa chiếm 16 %/năm. Độ ẩm không khí trung bình năm đạt trên 80 %. Tổng lượng bốc hơi trung bình năm khoảng 800 - 1300 mm. Tổng số giờ nắng bình quân hàng năm khá cao khoảng 2100 - 2300 giờ, mùa khô số giờ nắng trung bình cao hơn so với mùa mưa. Mật độ sông suối bình quân khoảng 0,8 km/km2. Mực nước ngầm trung bình từ 4 - 5 mét, thường tồn tại trong các khe nứt trong đá phun trào bazan. Đất đai chủ yếu là nhóm đất đỏ vàng chiếm 72,85 % diện tích tự nhiên, đây là loại đất tốt, phần lớn có tầng dày và phân bố trên địa hình ít dốc, đất tơi, xốp, độ phì cao.

Đắk Lắk có nhiều loại thảm thực vật và chỉ số đa dạng sinh học khá cao như các kiểu rừng (rừng kín lá rộng thường xanh nhiệt đới, kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, rừng kín nửa rụng lá mưa mùa nhiệt đới, rừng thưa, rừng hỗn giao tre nứa, thảm cây bụi, thảm cỏ tự nhiên) và các nông quần hợp như cà phê, cao su, tiêu, điều, mía, bông cùng các loại cây ăn quả và cây lương thực (theo báo cáo hiện trạng rừng của UBND tỉnh, năm 2010 [70]).

Với những điều kiện khí hậu như vậy, thì Đắk Lắk không có thảm cỏ nguyên sinh thuộc khí hậu phát sinh. Có thể có một số kiểu thảm cỏ thổ nhưỡng phát sinh (thuộc dạng nguyên sinh) nhưng diện tích không lớn được hình thành trên bãi bồi, ven sông suối hồ, ven đường hay trên vùng đất mới. Các thảm cỏ có thể ngừng sinh trưởng là do độ ẩm thấp chứ không phải do nhiệt độ cao hay thấp, thực tế gần như không có ngừng sinh trưởng mà chỉ giảm.

Căn cứ vào điều kiện tự nhiên của Đắk Lắk, căn cứ vào việc so sánh các thông tin và bản đồ trong các tài liệu của Schmid (1958) [86], cũng như căn cứ vào các đại diện của rừng thường xanh còn sót lại trên thảm cỏ tự nhiên và dựa trên những thông tin của người dân bản địa thì các thảm cỏ tự nhiên hiện ở Đắk Lắk có nguồn gốc thứ sinh, từ rừng thường xanh, rừng thưa và chỉ mới chuyển thành thảm cỏ trong khoảng 40 năm trở lại đây do nhiều yếu tố tác động khác nhau mà thành. Các yếu tố cơ bản tác động để hình thành các thảm cỏ tự nhiên có thể là do chiến tranh, do chặt phá, đốt rừng hàng năm, chăn thả gia súc, tập quán canh tác lạc hậu trên đất dốc,… Những yếu tố tác động khác nhau sau này đã làm cho các thảm cỏ trong khu vực có những biến đổi và tạo thành những thảm cỏ có sự khác nhau về thành phần loài, cấu trúc, năng suất và khả năng sử dụng cho chăn nuôi cũng khác nhau.

Phân bố của các kiểu thảm cỏ gắn liền nguồn gốc hình thành và những điều kiện tác động trong quá trình tồn tại của nó. Khi tiến hành nghiên cứu các thảm cỏ tại tỉnh Đắk Lắk để xác định loại hình và phân bố của các thảm cỏ, chúng tôi chia thảm cỏ tự nhiên ở Đắk Lắk thành 2 loại hình thảm cỏ chính.

Loại hình thảm cỏ dạng bụi - cao: Trên thảm cỏ bao gồm chủ yếu các loài thuộc họ Hoà thảo (Poaceae), thân cao hoặc vừa, mọc thẳng đứng thành bụi, cấu trúc liên tục, thảm cỏ dạng này chiếm 70 % diện tích các thảm cỏ tự nhiên. Phân bố

đều khắp khu vực, tập trung hay rải rác trên các sườn đồi, nương rẫy cũ bỏ hoang, tỷ lệ cây gỗ, bụi có mặt cũng rất khác nhau biến động từ 0 - 30 % độ phủ. Đây là loại hình thảm cỏ phân bố chủ yếu ở huyện M’Đrắk và Vườn Quốc gia Ea Sô.

Loại hình thảm cỏ thân bò, thân rễ bụi - thấp: Loại hình thảm cỏ này phân bố gần đường quốc lộ, gần các con suối các bãi đất trồng bỏ hoang và những nơi chăn thả quá mức. Một số quần xã ở loại hình này có tỷ lệ Cỏ tranh (Imperata cylindrica), Cỏ may (Chrysopogon aciculatus), Cỏ đắng (Paspalum scrobiculatum), Cỏ mật (Paspalum longifolium), Xuân thảo đỏ (Eragrostis unioloides), Cỏ gà (Cynodon dactylon) và Tràng quả lá nhỏ (Desmodium microphyllum) chiếm ưu thế, nhìn chung tỷ lệ cây họ Đậu rất thấp. Cây gỗ, cây bụi rất ít và phân bố cũng không đều. Các dạng thảm cỏ này phân bố chủ yếu ở huyện Buôn Đôn, dọc theo đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh.

Sự phân bố của các thảm cỏ còn bị chi phối bởi các yếu tố như: độ dốc, độ phì của đất, khả năng thoát nước, mức độ chăn thả gia súc hay độ che phủ của các thảm thực vật tại từng điểm…Như vậy, sự can thiệp của con người lên loạt diễn thế sinh thái các thảm cỏ tự nhiên là rất lớn, không chỉ làm tăng hay giảm năng suất mà còn mở rộng hay thu hẹp khu phân bố thậm chí còn làm thảm cỏ biến mất.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA CÁC THẢM CỎ TỈNH ĐẮK LẮK VÀ XU HƯỚNG BIẾN ĐỘNG CỦA NÓ (Trang 76 -76 )

×