4. Những điểm mới của luận án
1.8. Những nghiên cứu về động thái đồng cỏ
Nghiên cứu về động thái của đồng cỏ tự nhiên được tiến hành từ rất sớm, Vưxốtxki (1908, 1908, 1915) và Patrôtxki (1917, 1921) khi nghiên cứu ảnh hưởng của sự chăn thả đến thảm thực vật đã đi đến kết luận: chăn thả gia súc là
một trong những yếu tố quan trọng làm thay đổi thảm thực vật trên diện tích lớn. Với phần nghiên cứu trên mặt đất có các tác giả: Kalinina (1954), Xemennova - Chian Sanskaja (1954, 1960), Krưm (1960), Xemenop (1966), Kharitonop (1967),...(dẫn theo Đồng cỏ nhiệt đới của nhiều tác giả 1969 [40]).
Laprenko (1938,1940) khi nghiên cứu về sự biến đổi của thảm cỏ trong quá trình chăn thả, đã đề nghị chia những biến đổi của thực vật trong đồng cỏ thành những thay đổi hàng năm và những thay đổi lâu năm. Đối với đồng cỏ chăn thả, những thay đổi ngắn hạn là quan trọng nhất. Nghiên cứu ảnh hưởng của việc cắt cỏ đến thành phần loài của thực vật, Dmitriep (1948) cho thấy, nếu nhiều năm cắt cỏ đúng vào thời gian ra hoa của cỏ sẽ làm thay đổi lớn loài thực vật trong đồng cỏ, (dẫn theo Cao Thị Lý, 2008 [35]).
Hoàng Chung (1974), Uchenkhin (1977) đã nghiên cứu về biến động mùa của từng loài riêng biệt trong quần xã và nhóm lại thành kiểu hình phân bố theo không gian và thời gian. Một tính chất quan trọng của thực vật có liên quan mật thiết với cấu trúc không gian và thời gian là năng suất. Đồng thời nó là vấn đề tích luỹ và động thái của phần sống và phần chết của thực vật thuộc thảo, đặc biệt trong thảo nguyên đồng cỏ, nó có ý nghĩa rất lớn trong nghiên cứu không chỉ thảm thực vật mà cả quá trình mùn hoá, quá trình tích luỹ và phân huỷ các chất hữu cơ [10].
Hoàng Chung (2000) [11], Hoàng Chung và cộng sự (2003) [17] đã nghiên cứu biến động mùa quần xã cỏ Việt Nam. Công trình này của các tác giả bắt đầu nghiên cứu từ năm 1975, đã đề cập khá đầy đủ về những chỉ tiêu khí hậu, đất đai, phần trên mặt đất và phần dưới mặt đất, đã rút ra nhiều kết luận về những qui luật của động thái đồng cỏ vùng núi Bắc Việt Nam.
* Những nghiên cứu về động thái của đồng cỏ tự nhiên cho thấy: Chăn thả gia súc là một trong những yếu tố quan trọng làm thay đổi thảm thực vật trên diện tích lớn. Việc cắt cỏ cũng ảnh hưởng đến thành phần loài của thực vật, nếu nhiều năm cắt cỏ đúng vào thời gian ra hoa của cỏ sẽ làm thay đổi lớn loài thực vật trong đồng cỏ. Điều kiện tự nhiên như khí hậu, đất đai cũng là nguyên nhân làm cho các thảm cỏ biến động về thành phần loài và dạng sống.