Những nghiên cứu về thành phần loài trong các thảm cỏ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu những đặc điểm cơ bản của các thảm cỏ tỉnh Đắk Lắk và xu hướng biến động của nó (Trang 37)

4. Những điểm mới của luận án

1.4. Những nghiên cứu về thành phần loài trong các thảm cỏ

Cho đến nay, tài liệu nghiên cứu về thành phần loài của các quần xã vùng Đông Nam Á có rất ít. Phần lớn các công trình tập trung nghiên cứu thành phần loài họ Hoà thảo, tiêu biểu là Whyte (1975), Nguyễn Minh Thuật (1958), Bor (1960), Gibliland (1971) và một số tác giả khác (dẫn theo Hoàng Chung 1980 [10]).

Kết quả nghiên cứu thành phần loài thực vật đồng cỏ Bắc Việt Nam còn rời rạc và chưa đầy đủ. Nguyễn Đình Ngỗi và Võ Văn Chi (1964) [38] nghiên cứu kiểu “savan” ở huyện Hữu Lũng - Lạng Sơn; Dương Hữu Thời, Hoàng Chung, Doãn Ngọc Chất và Phạm Quang Anh (1969) nghiên cứu thành phần loài của đồng cỏ Ngân Sơn - Bắc Kạn [54].

Trong công trình tổng kết các kết quả nghiên cứu đồng cỏ Bắc Việt Nam của Dương Hữu Thời (1981) [53] có công bố số liệu thu được về thành phần loài của 5 vùng thuộc Bắc Việt Nam gồm 213 loài thường gặp. Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã đề cập khá đầy đủ về loại hình đồng cỏ Bắc Việt Nam .

Hoàng Chung (1980) [10] đã công bố thành phần loài thu được là 233 loài thuộc 54 họ khi nghiên cứu đồng cỏ vùng núi Bắc Việt Nam.

Lê Ngọc Công và Hoàng Chung (1997) nghiên cứu thành phần loài và dạng sống của cây bụi ở vùng đồi trung du Bắc Thái (cũ) đã phát hiện được 123 loài thuộc 47 họ khác nhau [19].

Nguyễn Thế Hưng và Hoàng Chung (1995) khi nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái, sinh học của savan Quảng Ninh và các mô hình sử dụng đã phát hiện được 60 họ với 131 loài thực vật [29].

Nguyễn Thị Hải Yến, Hoàng Chung và Vũ Văn Thường (2006) nghiên cứu một số đồng cỏ điển hình ở vùng núi Đông Bắc Việt Nam cũng đã điều tra được 144 loài thuộc 33 họ [77].

Khi nghiên cứu về đồng cỏ vùng Tây Bắc Việt Nam, Hoàng Chung và Nguyễn Thị Thuỷ (2006) đã thống kê được 201 loài thuộc 27 họ [55].

Đối với vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắc nói riêng thì có rất ít công trình nghiên cứu về thành phần loài của các đồng cỏ tự nhiên. Trần Tý và các cộng sự (1988) [63] đã điều tra, đánh giá các điều kiện tự nhiên trảng cỏ Tây Nguyên làm cơ sở khoa học cho chăn nuôi; Trương Tấn Khanh (2003) [30] cũng nghiên cứu hiện trạng đồng cỏ tự nhiên tại M’Đrắk nhưng tác giả không thống kê về thành phần loài mà chỉ nghiên cứu một số giải pháp nhằm cải thiện nguồn thức ăn xanh cho gia súc. Tuy nhiên, đã có nhiều công trình nghiên cứu về rừng như: Ngô Tiến Dũng và Nguyễn Nghĩa Thìn (2003) [25], nghiên cứu đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Yok Don đã tổng hợp được 566 loài thực vật thuộc 290 chi và 108 họ, trong đó có 14 loài quí hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam (1996) cần được bảo vệ.

Năm 2005, Ngô Tiến Dũng và Nguyễn Nghĩa Thìn đã nghiên cứu tính đa dạng hệ thực vật bậc cao có mạch của Vườn Quốc gia Yok Don đã ghi nhận được 858 loài thuộc 478 chi và 129 họ [26].

Dự án khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô tỉnh Đắk Lắk (1998), nghiên cứu thảm thực vật và hệ thực vật khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Ka, tỉnh Đắk Lắk của Nguyễn Đức Thịnh đã điều tra và xác định được 709 loài thuộc 139 họ. Trong đó có 15 loài được Sách đỏ Việt Nam đề cập đến ở các mức độ khác nhau. Đây là vùng khá phong phú về số loài và số họ thực vật [6].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu những đặc điểm cơ bản của các thảm cỏ tỉnh Đắk Lắk và xu hướng biến động của nó (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)