4. Những điểm mới của luận án
1.9.1. Những nghiên cứu về thoái hoá đồng cỏ do chăn thả
Đồng cỏ là đối tượng trong hoạt động kinh tế nông nghiệp, do đó nó luôn bị thay đổi dưới tác động thường xuyên của con người. Trên thế giới có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề thoái hoá của các đồng cỏ chăn thả cũng như các thảo nguyên ở các vùng khác nhau.
Ở Liên bang Nga đã có nhiều tư liệu về đới thảo nguyên và bán hoang mạc. Vưxốtxki (1915), đã xác định 4 giai đoạn thoái hoá của thực bì thảo nguyên dưới tác dụng chăn thả. Patrốtxki (1917) nghiên cứu đới nam của thảo nguyên Stipa longifolia, ông chia 5 giai đoạn thoái hoá trong đó có cả giai đoạn không chăn thả, chăn thả và ngừng chăn thả. Popov (1931) nghiên cứu thực vật trong đới phụ thảo nguyên Stipa, thảo nguyên nam Varonhet, tác giả cũng nhận thấy có các giai đoạn thoái hoá của thảm thực vật do chăn thả, (dẫn theo Hoàng Chung, 1980 [10]).
Aleokhin (1934) nghiên cứu ở vùng Kursk thuộc đới phụ (phía Bắc) của thảo nguyên đồng cỏ đã xác định các giai đoạn thoái hoá do chăn thả ở đây như sau: Khi chăn thả nặng nề, thì Stipa sẽ mất đi và thành phần hệ thực vật trở nên nghèo nàn hơn, đồng thời rất nhiều loài có số lượng cá thể không nhiều, thường đơn độc và rồi cũng mất dần đi, bắt đầu trội hẳn lên là Bromus, sau nữa còn lại chủ yếu là cây thuộc thảo và trên thảo nguyên phát triển mạnh tầng trên là cây Bromus riparius, tầng thấp là Festuca đồng thời trong vùng đó thảm cỏ biểu hiện hai tầng rõ ràng: Bromus - Poa; cuối cùng chỉ còn lại Festuca, những sự chèn ép này của thảm cỏ qua hàng loạt những trạng thái nhỏ nhặt sẽ dẫn đến giai đoạn phân bố rộng rãi của bào tử thực vật trên thảo nguyên (dẫn theo Hoàng Chung, 1980 [10]).
Abramtruk, Gortriakopski (1980) để đánh giá mức độ thoái hoá của các quần xã cỏ do tác động của con người, các tác giả đã đề ra bảng thang bậc riêng và đều gồm 3 mức, sự khác nhau giữa các mức là phụ thuộc vào mức thoái hoá do con người tạo ra.
Những công trình nghiên cứu sự thoái hoá của đồng cỏ do chăn thả ở Việt Nam cho đến nay vẫn còn rất ít. Dương Hữu Thời (1981) trong cuốn: “Đồng cỏ Bắc Việt Nam” khi phân tích thành phần loài và điều kiện sinh thái của đồng cỏ,
đã đề cập đến hai nguyên nhân gây thoái hoá của đồng cỏ miền Bắc Việt Nam là do cường độ chăn thả và điều kiện khí hậu [52].
Hoàng Chung (2002 [12], 2004 [13]) đã phân tích ảnh hưởng của chăn thả không có kế hoạch lên sự thay đổi thành phần loài, cấu trúc và năng suất của thảm cỏ vùng Thôm Luông (Ngân Sơn), cho thấy những tác động của con người trên lớp phủ thực vật vùng nhiệt đới đã bước đầu dẫn đến hình thành kiểu thực bì cỏ là một trong những loại hình thứ sinh. Sau đó do chăn thả và tác động khác nhau đã làm đồng cỏ bị thoái hoá dần và biểu thị bằng 5 giai đoạn của thoái hoá, cuối cùng của nó là trên mảnh đất của đồng cỏ sẽ xuất hiện savan cây bụi hay savan cỏ (hay một kiểu thảm thứ sinh nào đó của cây bụi rồi có thể tiến tới rừng).
Trương Tấn Khanh (2003) [30], với công trình đánh giá hiện trạng đồng cỏ tự nhiên huyện M’Đrắk - tỉnh Đắk Lắk, Nguyễn Thị Hải Yến, Hoàng Chung và Vũ Văn Thường (2006) [77], với công trình nghiên cứu về năng suất, chất lượng và xu hướng biến động một số đồng cỏ điển hình vùng Đông Bắc Việt Nam, các tác giả đều xác định rằng, các đồng cỏ tự nhiên hiện có đang bị chăn thả nặng nề dẫn đến thoái hoá ở mức độ nghiêm trọng…
Đồng cỏ Việt Nam hầu hết được hình thành do kết quả tác động lâu dài của con người, chủ yếu do khai thác bừa bãi, đốt phá rừng mà hình thành. Đồng cỏ phân bố chủ yếu ở vùng núi và trung du, có độ dốc khá lớn, do đó vấn đề thoái hoá đồng cỏ trong quá trình sử dụng là một trong những vấn đề cần đề cập cho việc sử dụng hợp lý đồng cỏ của các nhà nghiên cứu đồng cỏ ở Việt Nam.