2.2.2.1. Nội dung, chương trình
Chương trình môn Tiếng Anh với số giờ cho phép đối với môn học này là 225 tiết. Chương trình và nội dung chi tiết do Bộ môn Tiếng Anh của nhà trường xây dựng, phòng Quản lý đào tạo thông qua, trình Giám đốc duyệt.
Nội dung dạy học môn Tiếng Anh gói gọn trong cuốn giáo trình kể trên. Nội dung này có một số hạn chế sau:
- Nội dung không thể hiện đúng mục tiêu. Mục tiêu là “Giao tiếp được bằng tiếng Anh ở trình độ A” trong khi nội dung (phần luyện kỹ năng giao tiếp) chẳng có gì nổi bật hơn so với các kỹ năng khác, giao tiếp hay phi giao tiếp?
- Nếu tính bình quân số buổi/bài học có thể tính như sau: 225 tiết (toàn khoá học): 3 ( tiết/bài ) x 80 bài= tổng cộng 240 tiết. Nhìn vào phần nội dung chương trình và số thời gian thì không đủ để hoàn thành một chương trình. Chúng tôi đã xem nội dung từng bài trong cuốn giáo trình sinh viên hiện đang học thì thấy, mỗi một bài đều rất nhiều hiện tượng ngữ pháp và thực hành kỹ năng, từng bài có rất nhiều từ mới, chỉ nhớ từ thôi cũng khó, chưa nói gì đến sử dụng được những từ đó chỉ với thời gian 3tiết/bài để học một bài sinh viên phải học rất nhanh thì mới kịp. Thực tế chứng minh, mỗi một buổi học, thầy – trò chỉ tập trung giải quyết số bài có trong giáo trình ( nhiều khi phải bỏ bớt bài do không đủ thời gian ), thì còn đâu thời gian mà nói đến chuyện luyện nghe, nói, đọc, viết một cách kỹ càng nữa?
- Nếu tuân thủ nội dung như liệt kê ở trên một cách chặt chẽ với số giờ ít ỏi như vậy, không thể tránh khỏi tình trạng không có thời gian cập nhật kiến thức sát với cuộc sống hiện tại. Bỏ bớt bài trong giáo trình cũng không phải đơn giản vì các bài trong giáo trình có tính kế thừa, bài nọ nối tiếp bài kia.
- Chương trình được chia làm 2 kỳ học tuy nhiên sự phân bố giờ giảng giữa các kỳ không có tính khoa học kỳ 1 thường dồn quá nhiều giờ (180 h/ 20 tuần) và kỳ 2 (45h/ 3 tuần) do đó làm giảm chất lượng học tập của sinh viên.
2.2.2.2. Học liệu
Sinh viên học tổng cộng 225 tiết Tiếng Anh chia là 2 kỳ, sau 1 kỳ đầu có một bài kiểm tra viết giữa kỳ 1 và kiểm tra cuối kỳ 1, hết kỳ 2 sinh viên phải trải qua một kỳ thi kiểm tra kỹ năng nói. Không có kiểm tra kỹ năng nghe, đọc, hiểu. Nhìn vào cơ số bài kiểm tra như vậy có thể dễ dàng nhận ra các dạng bài viết vẫn là chủ đạo và cứ làm tốt các dạng bài viết là “ổn”. Ngoài cuốn giáo trình như vừa trình bày ở trên, sinh viên chẳng có “học liệu” gì nữa. Thư viện không hề có một cuốn sách tham khảo nào dành cho môn tiếng Anh.
Về thiết bị hỗ trợ cho việc dạy học môn tiếng Anh, ngoài máy chiếu và máy tính cá nhân giảng viên dùng trình chiếu thay vì viết phấn ra, hầu như không có thiết bị hỗ trợ cho công tác giảng dạy (không đài cassette, không băng..)