Về chính trị

Một phần của tài liệu Quan hệ kinh tế Trung Quốc - Châu Phi từ sau chiến tranh lạnh đến năm 2010 (Trang 42 - 43)

7. Cấu trúc luận văn

1.3.2.Về chính trị

Mục tiêu đầu tiên mà Trung Quốc hướng đến trong quan hệ chính trị với các quốc gia châu Phi hiện nay chính là sự thừa nhận nguyên tắc “Một nước Trung Hoa”. Như đã nói ở trên, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa luôn cạnh tranh với Cộng hòa Trung Hoa ở Đài Loan để giành được sự thừa nhận về chính trị. Chiến thắng vẫn đang nghiêng về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khi số lượng các quốc gia thừa nhận Đài Loan ngày càng giảm (cho đến năm 1980, chỉ còn 22 nước thừa nhận Đài Loan là quốc gia độc lập) [28]. Tuy nhiên, mặc dù đã giành lại được vị trí Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như sự thừa nhận của đại đa số các quốc gia trên thế giới, trận chiến với Đài Loan vẫn chưa thể kết thúc cho tới khi vùng lãnh thổ hải ngoại này thực sự trở về với Trung Quốc như Hồng Kông hay Macau. Do vậy, cuộc chiến này vẫn còn tiếp tục khi hiện nay vẫn còn một số nước thừa nhận sự tồn tại của Đài Loan, trong đó có 6 nước châu Phi bao gồm Burkina Faso, Chad, Gambia, Malawi, Sao Tomé – Principe và Swaziland [28]. Bởi vậy, điều kiện chính trị duy nhất mà Trung Quốc đặt ra với tất cả các quốc gia (trong đó có châu Phi) khi thiết lập quan hệ với mình là thừa nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là đại diện duy nhất trên trường quốc tế, đồng nghĩa với việc không thừa nhận tính chính thống của chính phủ Đài Loan trong mọi quan hệ. Xuất phát từ nguyên tắc “Không can thiệp vào công việc nội bộ” mà Trung Quốc vẫn tuyên bố với thế giới, nước này cho rằng vấn đề Đài Loan cũng là “công việc nội bộ” của mình, và yêu

cầu bên ngoài không can thiệp vào việc Trung Quốc thực hiện mọi biện pháp nhằm đưa vùng lãnh thổ này về lại đúng vị trí của nó. Bao vây chính trị đang là một trong những đối sách được Trung Quốc sử dụng để đối phó với Đài Loan.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn muốn tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia ở châu Phi nhằm gia tăng vị thế trên trường quốc tế. Với tiềm lực kinh tế đang lên cùng xu thế đa cực hóa trật tự chính trị quốc tế, Trung Quốc không ngần ngại bày tỏ tham vọng muốn trở thành một cực trong trật tự thế giới mới để nâng cao tầm ảnh hưởng của mình trong các vấn đề quốc tế, bởi lẽ quyền lực luôn đi kèm với lợi ích.

Ngay từ những năm 1970, Trung Quốc đã muốn nâng cao hình ảnh của mình như một người lãnh đạo của các nước đang phát triển và các nước không liên kết, song nguyên nhân lúc này chủ yếu để cạnh tranh với Liên Xô cũng như giành chiến thắng trước Đài Loan. Sau khi Liên Xô sụp đổ, khối Xã hội chủ nghĩa không còn, Trung Quốc dần chuyển hướng sang mục tiêu trở thành một trong những nhân tố quyết định trên các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc cũng như trong hợp tác Nam – Nam. Những phản ứng tiêu cực từ các nước phương Tây trước sự kiện Thiên An Môn đã giúp Trung Quốc nhận ra một lực lượng chính trị quan trọng ở châu Phi. Tập hợp tiếng nói của gần 60 quốc gia đang phát triển ở đây, cùng với những thay đổi tích cực trong liên kết khu vực giúp châu Phi trở thành đối tác chiến lược quan trọng của Trung Quốc trong thời kỳ mới.

Một phần của tài liệu Quan hệ kinh tế Trung Quốc - Châu Phi từ sau chiến tranh lạnh đến năm 2010 (Trang 42 - 43)