7. Cấu trúc luận văn
2.5.1. Đối với Trung Quốc
Trong bối cảnh cạnh tranh thị trường xuất khẩu và đầu tư trở thành sức ép đè nặng lên Trung Quốc, khi nền kinh tế đang đi vào giai đoạn cải cách cơ cấu và cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra, Trung Quốc càng thấy rõ tầm quan trọng của châu Phi đối với nền kinh tế của mình. Để đối phó với tình trạng xuất khẩu giảm mạnh, Trung Quốc buộc phải thực hiện
chính sách ứng phó, tập trung chủ yếu vào tiền tệ và ngoại thương, đồng thời phải “đa dạng hóa thị trường”, tạo môi trường và không gian bên ngoài rộng lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu.
Với một loạt chính sách hỗ trợ của chính phủ nhằm phát triển kinh doanh và khai thác ở bên ngoài, an ninh năng lượng cũng như nguồn cung các nguyên liệu cần thiết phục vụ cho sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, đặc biệt là nguồn cung dầu mỏ từ bên ngoài đang được đảm bảo bằng nhiều hình thức và bằng nhiều chủ thể khác nhau, từ các hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ tới các thương vụ thăm dò, khai thác và mua đứt các lô khai thác dầu mà Trung Quốc ký kết với hầu khắp các quốc gia châu Phi. “Cơ thể” kinh tế của Trung Quốc đang được đảm bảo bởi nguồn “máu” dầu mỏ dồi dào của nhiều quốc gia châu Phi như Sudan, Angola, Nigeria...
Thực hiện đường lối đối ngoại không can thiệp, Trung Quốc nhận được những đánh giá tích cực của chính phủ và nhân dân các quốc gia nói trên về chính sách kinh tế - chính trị của mình. Trung Quốc đã gặt hái được thành công khi bản thân thế giới Hồi giáo ở châu Phi không coi nước này là mối đe dọa về chính trị giống như phương Tây hay Mỹ.
Không chỉ giải quyết vấn đề kinh tế, Trung Quốc còn đạt được thành công trong việc gây sức ép buộc các quốc gia công nhận chính sách “Một nước Trung Hoa” mà nước này vẫn theo đuổi. Với các cam kết viện trợ mang tính chất phi điều kiện trừ vấn đề Đài Loan, Trung Quốc đã thành công trong việc sử dụng sức mạnh của mình phong tỏa về mặt chính trị đối với Đài Loan ở châu Phi. “Maroc coi đảo Đài Loan như một tỉnh của Trung Quốc, và về phía mình, Bắc Kinh không công nhận Polisario và
coi vùng này như những tỉnh của Maroc” [18,70]. Cũng nhờ những chính sách phát triển kinh tế, Trung Quốc còn tiến thêm một bước trong vấn đề mở rộng “biên giới mềm” của nước này trên bản đồ thế giới. Để thực hiện mục tiêu mở rộng không gian sinh tồn và phát triển (hay cuộc tranh giành biên giới mềm) của mình, Trung Quốc muốn chinh phục thế giới theo triết lý của Khổng Tử với phương châm buộc các đối tác phải “tâm phục khẩu phục” chứ không phạm phải sai lầm của các chế độ thực dân trước đây. Từng bước một có tính toán kiểu “mưa dầm thấm lâu” nhờ ảnh hưởng ngày càng tăng của mình, Trung Quốc đã bước những bước vững chắc vào cả những khu vực truyền thống của các nước phương Tây, trực tiếp cạnh tranh với các cường quốc và chiếm lấy những thị trường triển vọng từ tay các nước này . Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng các quốc gia đang phát triển ở châu Phi tại các diễn đàn quốc tế. Tất cả những thành tựu trên đều nhằm phục vụ mục tiêu triển khai sức mạnh mềm của Trung Quốc trên toàn thế giới.