7. Cấu trúc luận văn
1.3.1.2. Tranh thủ AGOA và Cotonou
Không chỉ là thị trường tiềm năng cả về cung cấp nguyên liệu lẫn tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp Trung Quốc còn cố gắng tranh thủ những lợi thế mà Đạo luật về Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA) và Hiệp ước Cotonou được Mỹ và EU ký kết với các nước châu Phi nhằm tranh thủ những điều kiện thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa vào những thị trường lớn này. AGOA là một chương trình ưu đãi thương mại được chính phủ Mỹ đưa ra vào năm 2000 nhằm hỗ trợ phát triển cho các nước thuộc khu vực cận Sahara thông qua việc thực hiện miễn giảm thuế cho hơn 6400 sản phẩm (như quần áo, cacao, gỗ, da, thực phẩm chế biến, hoa khô...) của 39i nước châu Phi khi xuất sang thị trường Mỹ, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho người dân ở những nước châu Phi này. AGOA sẽ có hiệu lực trong vòng 15 năm (từ 2000 đến 2015). Cũng tương tự như AGOA, Cotonou là hiệp ước được EU ký kết với 77 nước châu Phi, Caribbean và Thái Bình Dương (ACP) dựa trên các nguyên tắc thương mại tự do nhằm ưu tiên tư nhân hóa doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu và FDI đi kèm với các điều kiện, biện pháp hà khắc khi tiếp nhận viện trợ (giải ngân, minh bạch, chống tham nhũng), yêu cầu tự do dân chủ của mỗi cá nhân và các xã hội. Song cũng chính bởi những điều kiện ngặt nghèo này đã đẩy các nước châu Phi một lần nữa đến gần hơn với số tiền viện trợ dễ dàng của Trung Quốc khi nước này không đưa ra bất cứ yêu cầu nào về chế độ, dân chủ, nhân quyền hay minh bạch cho các nước nhận viện trợ.
Mặc dù các hiệp định AGOA và Cotonou được đưa ra với mục đích hỗ trợ phát triển cho châu Phi, song lợi ích mà chúng mang lại dường như lại chạy khỏi châu Phi thay vì tìm đến châu Phi. Có rất ít các quốc gia
châu Phi có thể tranh thủ được những thuận lợi mà AGOA mang lại thông qua xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp, trang sức, đá quý, hàng dệt may, nhựa, coca sang thị trường Mỹ như Nigeria, Angola, Nam Phi, Cộng hòa Congo, Chad... Còn lại, hầu hết các sản phẩm của châu Phi phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các hàng hóa nông nghiệp được sản xuất quy mô lớn, nhận được nhiều trợ cấp từ chính phủ Mỹ, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ. AGOA vẫn được ví như các FTA giữa Mỹ và các nước châu Phi. Những bất lợi của hàng hóa châu Phi (như sản phẩm thô, độ pha tạp lớn, không đáp ứng các chỉ tiêu nuôi trồng, thu hoạch và chế biến...) cho thấy AGOA không mang lại nhiều cơ hội cho châu Phi như những lời lẽ hoa mỹ người ta gán cho nó. Trường hợp tương tự cũng diễn ra với Cotonou. Mục đích giảm nghèo ở châu Phi theo Hiệp ước Cotonou thường được kết hợp trong các chiến lược thương mại, tự do hóa nguồn vốn và FDI cũng như thông qua các EPA. Tuy nhiên, những nguyên tắc trong Cotonou khi đàm phán với các quốc gia châu Phi (như tự do, dân chủ) khiến cho chúng khó mang lại hiệu quả.
Song, một điều trớ trêu là AGOA lại “tiếp tay” cho Trung Quốc ở châu Phi khi nhiều sản phẩm xuất khẩu của châu Phi lại có “giá trị Trung Quốc” cao. Nói cách khác, Trung Quốc đã chuyển các nhà máy, nguyên vật liệu, thậm chí cả nhân công của mình sang châu Phi, sản xuất hàng hóa “Trung Quốc” tại châu Phi, gắn cho nó một cái mác châu Phi và tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ. Việc này giúp Trung Quốc thâm nhập một cách dễ dàng vào thị trường Mỹ cũng như mang lại một khoản thu lớn cho các doanh nghiệp Trung Quốc do được áp dụng những ưu đãi từ AGOA.