7. Cấu trúc luận văn
1.2. Quan hệ tốt đẹp Trung Quốc – châu Phi trong Chiến tranh lạnh
lạnh
Thập niên 1960 được cộng đồng quốc tế ghi nhận là “Năm châu Phi” khi một loạt các quốc gia ở châu lục này giành được độc lập từ các đế quốc thực dân phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ. Từ những năm 1950 đến những năm 1980, Trung Quốc tập trung chủ yếu vào hỗ trợ và giúp đỡ các nước mới giành được độc lập ở châu lục này. Từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX, mâu thuẫn Xô – Trung đã bắt đầu nhen nhóm và lên đến đỉnh điểm vào năm 1969, khi giới quan sát quốc tế lúc bấy giờ đã đưa ra nhiều nhận định xung quanh việc nổ ra một cuộc chiến có thể sử dụng đến vũ khí nguyên tử giữa Liên Xô và Trung Quốc. Do bất đồng về tư tưởng, ý thức hệ cũng như cạnh tranh vị thế lãnh đạo trong phe Xã hội chủ nghĩa và phong trào các nước Thế giới thứ Ba, cả Liên Xô và Trung Quốc đều muốn tăng thêm ảnh hưởng của mình trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là lôi kéo sự ủng hộ của một loạt các quốc gia mới giành được độc lập, trong đó có châu Phi. Do đó, cả hai quốc gia này đều đưa ra những chương trình viện trợ và hỗ trợ hào phóng với các quốc gia ở lục địa đen. Hơn nữa, vì muốn giành quyền lãnh đạo trong phe Xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc muốn hướng các nước châu Phi phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế của Trung Quốc, để lấy đó làm cơ sở khẳng định vị thế lãnh đạo của mình.
Vào năm 1964, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã có chuyến viếng thăm 10 nước châu Phi. Trong chuyến viếng thăm này, trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình tại Hội nghị Bangdung 1955, ông đã tuyên bố 5 nguyên tắc trong Chính sách châu Phi của Trung Quốc, đó là Đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, Vì một châu Phi không liên kết, Thống nhất, Giải quyết các tranh chấp mâu thuẫn một cách hòa bình và Độc lập chủ quyền cho tất các các quốc gia châu Phi [23]. Công cuộc đấu tranh giành độc lập ở châu Phi tạo cơ hội thuận lợi cho Trung Quốc đóng vai trò là người ủng hộ cho nền độc lập, tự do ở châu lục này. Bởi vậy, bên cạnh việc cung cấp hỗ trợ kinh tế, kỹ thuật, quân sự cho các quốc gia châu Phi đã giành được độc lập, chính phủ Trung Quốc còn giúp đỡ nhằm thúc đẩy phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở đây, đồng thời thiết lập một “vành đai liên minh” nhằm tăng cường khả năng chống đỡ của Trung Quốc trước các siêu cường trên các diễn đàn quốc tế.
Không chỉ bị thuyết phục bởi những hỗ trợ vật chất, các chính phủ non trẻ ở châu Phi còn được trấn an về tinh thần khi nhìn vào một nước Trung Quốc đang dần phát triển và không bị phụ thuộc vào viện trợ hay hỗ trợ từ phương Tây. Nói cách khác, Trung Quốc là mô hình phát triển của những quốc gia mới giành được độc lập ở lục địa đen này. Nhìn vào Trung Quốc, các quốc gia châu Phi cảm thấy vững tin vào tương lai độc lập, tự chủ của các nước đang phát triển, vào mối quan hệ Nam – Nam mà không cần sự trợ giúp của phương Tây.
Mục tiêu viện trợ nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước ở châu Phi của Trung Quốc bị gián đoạn bởi Đại nhảy vọt và Cách mạng văn hóa giai đoạn 1966 – 1976. Việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc hướng mục tiêu vào phát triển kinh tế trong nước, chú ý dồn toàn bộ nhân lực, vật lực
vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã khiến cho đầu tư và viện trợ nước ngoài bị gián đoạn trong thời gian này. Tuy nhiên, sau thất bại của Đại nhảy vọt và Cách mạng văn hóa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn xây dựng một nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa hiện đại. Và họ đã thấy được những điểm tương đồng ở các nước châu Phi nghèo đói mới thoát ra khỏi chiến tranh. Lúc này, châu Phi rất cần lương thực, quần áo, những đồ dụng thiết yếu hàng ngày được cung cấp cho người dân mới thoát khỏi cuộc sống lệ thuộc, bị bóc lột ở thuộc địa. Do đó, họ yêu cầu được viện trợ “khẩn cấp lẫn dài hạn”, đào tạo kỹ thuật và các kế hoạch hiện đại hóa công nghiệp và nông nghiệp. Họ tin tưởng các chuyên gia Trung Quốc sẽ giúp họ việc này. Ví dụ, trong thập niên 60, Trung Quốc đã giúp Guinea, nước đầu tiên chấp nhận lời hứa giúp đỡ của Trung Quốc ở châu Phi, xây dựng một nhà máy sản xuất dầu cọ và dầu đậu phộng cũng như một trung tâm chế biến tre, cấp vốn cho một nhà máy thuốc lá, xây một loạt hệ thống thủy lợi để tưới nước cho các cánh đồng lúa và trồng chè. Ngoài ra, Trung Quốc còn cấp vốn để xây dựng một rạp chiếu phim và một phòng họp lớn với sức chứa 2000 người. Năm 1967 có 34 chuyên gia Trung Quốc ở 4 quận, sau đó, có khoảng 3000 công nhân Trung Quốc hỗ trợ cho Guinea [20,34].
Việc Trung Quốc theo đuổi mục đích tranh thủ sự ủng hộ của các nước châu Phi vẫn còn tiếp tục cho đến những năm 70. Một trong 5 đặc điểm then chốt trong quan hệ Trung – Phi giai đoạn những năm 1970 chính là tăng nhanh về số lượng các nước châu Phi có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Nếu vào năm 1967, Trung Quốc có 13 phái đoàn ngoại giao ở châu Phi thì con số này đã tăng lên 140 vào năm 1974 [28]. Lúc đó, Liên Xô vẫn còn viện trợ chính thức cho khoảng 20 nước châu Phi,
trong khi Trung Quốc dành viện trợ cho khoảng 30 nước. Bước đầu thành công đó đã giúp Trung Quốc dần đạt được mục tiêu cạnh tranh ảnh hưởng với Liên Xô trong việc lãnh đạo phe Xã hội chủ nghĩa, cũng như thành công trong việc giành được ghế Ủy viên thường trực ở Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc từ tay Đài Loan nhờ số phiếu ủng hộ của các nước châu Phi cùng với sự ủng hộ ngầm của Mỹ. Viện trợ của Trung Quốc trong những năm 70 vẫn không nằm ngoài mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất, y tế và cơ sở hạ tầng. Từ đó, giúp nhiều nước châu Phi phát huy thế mạnh nông nghiệp của mình, điển hình là ngành trồng bông ở Mali, Sudan, Tanzania, Ghana. Lúc này, hình ảnh các đội tình nguyện Trung Quốc rất tốt trong con mắt người châu Phi. Trung Quốc nhấn mạnh rằng viện trợ của họ chủ yếu là công cụ để mỗi quốc gia tự xây dựng và hồi phục dựa trên khả năng của mình [20,34]. Trong thời gian này, Trung Quốc đã dành 2 tỷ USD trợ cấp và cho vay cho châu Phi, và thực hiện một dự án “đầy tham vọng” : xây dựng tuyến đường sắt TANZAM trị giá hơn 450 triệu USD [23]. Có thể nói, đây là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất ở châu Phi lúc bấy giờ.
Trong những năm 1970, chính sách đối ngoại của Trung Quốc vẫn tập trung chủ yếu vào đối đầu ý thức hệ, bảo vệ chủ quyền và sự ủng hộ của Thế giới thứ Ba. Theo đó, Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn tự xác định vai trò là người hỗ trợ và ủng hộ cho các nước đang phát triển, nhiệt tình giúp đỡ các quốc gia này phát triển đất nước. Đặc biệt, đối với châu Phi, Trung Quốc muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với châu lục này dựa trên tương đồng về trải nghiệm lịch sử cũng như hoàn cảnh hiện tại vì đều cùng ở thế giới thứ Ba, cùng có mục tiêu đoàn kết chống lại những kẻ xâm lược phương Tây [20]. Do vậy, Trung Quốc triển khai một chính
sách đối ngoại chân thành, bình đẳng và cùng có lợi đối với châu Phi, đặc biệt chú trọng tới chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ. Những nguyên tắc này đã được cụ thể hóa thành 4 nguyên tắc trong quan hệ Trung Quốc – châu Phi được Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương nêu lên trong chuyến thăm của ông tới 11 nước châu Phi vào tháng 12 năm 1982 [34].
Nửa cuối thập niên 70, viện trợ của Trung Quốc cho châu Phi bắt đầu giảm dần. Lý do chính thức được Trung Quốc đưa ra là khả năng hạn chế, song có lẽ lý do thực chất là việc Trung Quốc đã bắt tay với Mỹ từ năm 1971, và sau đó là phương Tây và hoàn thành mục tiêu đạt được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, mà biểu hiện rõ nhất là giành lại ghế Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an của Đài Loan. Sự kiện này là một bước ngoặt lớn đối với Trung Quốc. Từ nay, trên vũ đài chính trị, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã trở thành một cái tên đáng để quan tâm. Mọi quyết định chính trị quan trọng trên thế giới đều ghi dấu sự can thiệp của Trung Quốc. Nhờ vậy, tiếng nói của các nước Thế giới thứ Ba cũng trở nên quan trọng hơn nhờ có Trung Quốc. Ngược lại, vị thế của Trung Quốc trong tổ chức này cũng đã thay đổi .
Với việc đề ra “4 hiện đại hóa” vào năm 1975, chính sách đối ngoại nói chung, và chính sách viện trợ nói riêng của Trung Quốc đã có một bước chuyển lớn về mục tiêu. Theo đó, chiến lược ngoại giao của Trung Quốc chuyển từ “đối đầu” với Tư bản, Liên Xô sang “cùng hợp tác” với các nước phát triển, trong đó chủ yếu là Tư bản phương Tây, từ ý thức hệ và cách mạng giải phóng dân tộc sang phát triển kinh tế, từ đóng cửa, cô lập sang tham gia tích cực vào cộng đồng quốc tế [20]. Đồng thời Chương trình Hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình năm 1978 đã đánh dấu
một bước chuyển lớn. Chính quyền Bắc Kinh bước sang một thời đại mới, thời đại “Hậu Chủ nghĩa Mao” với đặc trưng là phát triển kinh tế, đầu tư nhằm hiện đại hóa đất nước. Theo đó, Trung Quốc cần một châu Phi cung cấp những điều kiện cần thiết cho phát triển kinh tế trong nước, và một môi trường trong nước cũng như quốc tế hòa bình để phát triển kinh tế ổn định [28]. Từ sự thay đổi chiến lược này, Trung Quốc đã bắt tay ngay vào việc thiết lập quan hệ kinh tế với Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản để nâng cao ngoại thương và đầu tư quốc tế. Đồng thời, Trung Quốc cũng mong muốn “đi trước, đón đầu”, học tập những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà các nước phát triển đạt được để cải thiện năng suất và trình độ lao động trong nước, nâng cao hiệu quả quản lý. Như vậy, cuối những năm 1970 đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi, từ ủng hộ chống chủ nghĩa đế quốc và ý thức hệ sang hỗ trợ để phát triển kinh tế.
Đương nhiên, mục tiêu phát triển kinh tế sẽ khiến một châu Phi kém phát triển và ít hội nhập với nền kinh tế toàn cầu mất đi vị trí chiến lược trong tính toán của Trung Quốc. Thương mại giữa Trung Quốc với châu Phi suy giảm đáng kể từ cuối những năm 70. Không chỉ có vậy, viện trợ của Trung Quốc ở châu Phi cũng giảm rất nhanh trong những năm 1980. Chỉ còn lại một số ít những dự án viện trợ cấp thấp và những dự án tài trợ vốn hạn hẹp để duy trì quan hệ Trung – Phi. Trung Quốc chỉ còn mặn mà với châu Phi thông qua các hoạt động chính trị. Theo đó, các phái đoàn ngoại giao của Trung Quốc vẫn được gửi đến châu Phi nhằm duy trì và củng cố mối quan hệ hữu hảo giữa hai bên, cũng là giúp duy trì ảnh hưởng của Trung Quốc tại các nước Thế giới thứ Ba và phong trào Không liên kết.
Tuy nhiên, sự việc đã không diễn ra suôn sẻ như Trung Quốc dự liệu. Sự kiện Thiên An Môn năm 1989 giáng một đòn mạnh vào quan hệ Trung Quốc – phương Tây. Mọi thiện chí tốt đẹp gây dựng được trong gần hai thập kỷ vừa qua đều tan như bong bóng xà phòng. Con số thống kê chính thức số người bị thiệt mạng và bị thương trong vụ Thiên An Môn vẫn còn là một ẩn số đối với công luận bởi chính phủ Trung Quốc đưa ra những số liệu khác xa so với những con số của CIA, Mỹ hay báo chí và các tổ chức phương Tây. Sau sự kiện này, phương Tây mạnh mẽ lên án chính phủ Trung Quốc không tôn trọng tự do, dân chủ, đàn áp dã man người biểu tình. Hình ảnh một nước đồng minh Trung Hoa chống lại Liên Xô đã trở thành một chế độ độc tài, phi dân chủ, là một mối đe dọa với hòa bình thế giới và lợi ích của Mỹ, châu Âu. Không chỉ có vậy, Mỹ và châu Âu ngay lập tức thông báo một lệnh cấm vận vũ khí với Trung Quốc, một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã đưa ra cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc. Thậm chí, cho đến thập niên đầu của thế kỷ XXI này, Trung Quốc vẫn vấp phải những báo cáo vi phạm nhân quyền và tự do dân chủ của các tổ chức vận động cho nhân quyền và dân chủ trên thế giới.
Tuy nhiên, các nước Thế giới thứ Ba, đặc biệt là các đối tác lâu năm của Trung Quốc ở châu Phi lại im lặng trước sự kiện này. Sự im lặng từ các nhà lãnh đạo châu Phi được lý giải bởi 3 lý do sau: thứ nhất, chính bản thân các nhà lãnh đạo châu Phi cũng e ngại làn sóng dân chủ hóa sẽ nổ ra ở quốc gia của mình; thứ hai, họ ủng hộ những hành động của Trung Quốc bởi muốn củng cố tình đoàn kết, tính vững mạnh của thế giới thứ Ba cũng như chia sẻ sự phẫn nộ trước “can thiệp” của chủ nghĩa đế quốc mới ở phương Tây; thứ ba, họ cũng nhận thấy nếu lên tiếng phê
phán Trung Quốc, họ sẽ mất đi nguồn viện trợ, dù không lớn, song lại rất cần thiết, từ người bạn thân Trung Quốc của mình [23]. Và một lần nữa, Trung Quốc lại quay lại với những người bạn thân thiết xa xôi của mình. Lập luận về chống chủ nghĩa đế quốc và ý thức hệ một lần nữa lại được Trung Quốc sử dụng để tăng cường quan hệ với châu Phi. Những cáo buộc vi phạm nhân quyền, dân chủ, tự do từ bên ngoài đã ảnh hưởng rất lớn đến việc định hình chính sách đối ngoại của Trung Quốc thời gian này. Một lần nữa, Trung Quốc tái khẳng định các nguyên tắc chủ quyền và không can thiệp trở thành nền tảng trong quan hệ đối ngoại của quốc gia này [23] – một nền đối ngoại dựa trên “bản sắc chung” của các nước đang phát triển ở phía Nam.
1.3. Nhu cầu mở rộng quan hệ hợp tác của Trung Quốc sau Chiến tranh lạnh
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi ngày càng tăng. Trung Quốc đã cố gắng củng cố hình ảnh của một đối tác phát triển số một của lục địa đen thông qua thương mại, đầu tư và các chương trình viện trợ và phát triển tại đây. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với châu Phi vẫn dựa trên nền tảng hợp tác cùng có lợi và đối tác thân thiện, hữu nghị. Trên cơ sở đó, mối quan hệ Trung Quốc – châu Phi trở thành mô hình “cùng có lợi”, hợp tác để cùng phát triển. Phần tiếp theo của luận văn sẽ phân tích nhu cầu mở rộng quan hệ hợp tác của Trung Quốc tại châu Phi từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc dựa trên 2 lĩnh vực chính là kinh tế và chính trị.