Cao Lộc là huyện miền núi biên giới phía Đông Bắc của tỉnh Lạng Sơn. Tổng diện tích tự nhiên 637,5 km². Dân số 74.943 người, phân bố ở 206 thôn, bản, khối phố, gồm 17.089 hộ, trong đó có 11.767 hộ sản xuất nông, lâm nghiệp. Huyện có đường biên giới với Trung Quốc, có hai cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Ga quốc tế Đồng Đăng, có các cặp chợ biên giới và các trục giao thông đường bộ, đường sắt liên kết với các huyện, thành phố Lạng Sơn, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đây là địa bàn có nhiều thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán; đầu tư phát triển nông, lâm, nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để thúc đẩy kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh phát triển toàn diện.
Trong những năm vừa qua tình hình kinh tế - xã hội của huyện Cao Lộc đã có nhiều khởi sắc, thu được những kết quả quan trọng, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá đạt 10,29%: sản xuất nông, lâm nghiệp cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp không ngừng tăng; hàng hóa, dịch vụ đa dạng, phong phú được cung ứng đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước đạt 1,530 triệu USD; trên địa bàn huyện có 117 doanh nghiệp và hợp tác xã; lĩnh vực đầu tư xây dựng được quan tâm, tiến độ triển khai các dự án khẩn trương, nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh được thi công. Cơ cấu kinh tế
chuyển dịch theo hướng tích cực trong đó nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 22,82%, công nghiệp - xây dựng chiếm 24,22%, thương mại - dịch vụ chiếm 52,96%. Kết cấu hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư và nâng cấp như mạng lưới giao thông, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, 100% số xã trên địa bàn huyện có điện lưới quốc gia. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đang được từng bước cải thiện: thu nhập bình quân đầu người năm 2012 là 26 triệu đồng, cao gấp hơn hai lần năm 2010, tuy nhiên tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm 18,10%; công tác giải quyết, tạo việc làm đượcchú trọng bằng nhiều biện pháp, hàng năm giải quyết việc làm cho gần một nghìn lao động tại các xã, đạt 100% kế hoạch; các chính sách xã hội, chính sách người có công tiếp tục được quan tâm thường xuyên; các chương trình đầu tư, hỗ trợ cho đối tượng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện đầy đủ, đảm bảo đúng mục tiêu và kế hoạch.