Phát triển nguồn nhân lực là quá trình tạo ra sự biến đổi về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, biểu hiện ở sự hình thành và hoàn thiện từng bước về thể lực, kiến thức, kĩ năng, thái độ và nhân cách nghề nghiệp đáp ứng những nhu cầu hoạt động lao động của cá nhân với sự phát triển xã hội.
Các biện pháp đề xuất phải có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm GDTX Cao Lộc, đồng thời phải bám sát đặc thù về đội ngũ cũng như học viên của loại hình GDTX.
Việc đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng theo hướng phù hợp với năng lực cạnh tranh và hợp tác của cơ sở đào tạo. Xây dựng mối quan hệ gắn kết thường xuyên và chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng và việc làm.
Một trong những vấn đề cần chú ý hiện nay là việc phát triển nguồn nhân lực luôn luôn phải gắn liền với thị trường lao động, với mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Để hiện thực được điều này cần chú trọng đúng mức việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất và các trang thiết bị giảng dạy hiện đại để nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
3.2. Biện pháp quản lý các hoạt động đào tạo, bồi dƣỡng ở trung tâm GDTX Cao Lộc, Lạng Sơn trong bối cảnh hiện nay
3.2.1. Nâng cao nhận thức của CBCC, người dân đối với GDTX
3.2.1.1. Mục tiêu của biện pháp
Vấn đề then chốt và khởi nguồn cho mọi kế hoạch, mọi đổi mới phải bắt nguồn từ những thay đổi về nhận thức, bởi vậy việc nâng cao nhận thức của xã hội đối với GDTX có một ý nghĩa to lớn. Nâng cao nhận thức nhằm làm cho các cấp, các ngành, các đơn vị và người dân nhận thấy được tầm quan trọng của nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm GDTX để hướng tới việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đáp ứng đủ nguồn lực lao động có chất lượng cho xã hội trong điều kiện nguồn lao động của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, bất cập trước những yêu cầu đổi mới đang đặt ra ngày càng cấp thiết. Đồng thời việc nâng cao nhận thức cũng giúp cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội có nhiều hơn cơ hội và thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ở ngay chính địa phương, tạo tiền đề cho việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Bởi lẽ đó việc tuyên truyền đồng bộ, thường xuyên từ nhiều hướng và bằng nhiều lực lượng đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội để giúp người dân hiểu rõ về vai trò, vị trí của các trung tâm GDTX là điều hết sức cần kíp.
3.2.1.2. Nội dung của biện pháp
Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước cũng như ý nghĩa của việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay. Để hiện thực hóa các mục tiêu này cần làm nổi bật vai trò, chức năng và nhiệm vụ của các trung tâm GDTX, trong đó có các trung tâm GDTX cấp huyện để thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân đối với sự tồn tại và phát triển của trung tâm GDTX.
Thể hiện rõ thực trạng về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương đặt trong mối tương quan với sự phát triển của khu vực và cả nước để giúp nhân dân thấy được bức tranh toàn cảnh về kinh tế, xã hội của địa phương từ đó khẳng định sự cần kíp phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ở trung tâm GDTX trước yêu cầu chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động và cơ cấu trình độ lao động trong từng ngành, từng lĩnh vực. Chính những hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ở trung tâm GDTX sẽ mở ra cơ hội để người lao động tìm kiếm việc làm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ hay đơn giản là cải thiện chất lượng cuộc sống thường ngày của chính người học. Và cũng cần phải nhấn mạnh rằng đây là xu thế khách quan, là đòi hỏi tất yếu trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về GDTX không đơn thuần chỉ làm nổi bật những yêu cầu, những đòi hỏi khách quan phải không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hay vai trò, vị trí của GDTX mà đồng thời cũng cần phải chỉ ra được và giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của người dân về nhu cầu ngành nghề hiện nay cùng với các chỉ tiêu về số lượng và yêu cầu về chất lượng nguồn lao động trong các ngành nghề khác nhau. Thêm vào đó cũng cần nêu được triển vọng của các ngành nghề mà Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng ở cả thời điểm hiện tại và trong những năm tiếp theo. Qua đó người học có thể lựa chọn cho mình những nội dung đào tạo, bồi dưỡng thích hợp trong khuôn khổ hoạt động của trung tâm hoặc cũng có thể mở thêm các loại hình đào tạo, bồi dưỡng khác theo nhu cầu của người học.
Có một minh chứng hết sức khách quan và thuyết phục để người học ủng hộ và tích cực tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ở trung tâm GDTX đó chính là những thành quả mà trung tâm đã thực hiện được trong thời gian qua trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho mọi tầng lớp nhân dân. Chính những thành quả đó đã tạo thêm
công ăn việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống và giúp người lao động thích nghi có hiệu quả hơn với yêu cầu công việc. Đây là những hiệu ứng không thể phủ nhận mà các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ở trung tâm GDTX đã đem lại. Với phương thức đào tạo, bồi dưỡng tại trung tâm GDTX sẽ giúp người học tiết kiệm các chi phí ăn ở, đi lại so với việc phải tập trung học tập ở các tỉnh, thành khác và cũng ít ảnh hưởng hơn tới sinh hoạt hàng ngày hay công tác của người học.
3.2.1.3. Cách thức tiến hành biện pháp
Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội đối với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ở trung tâm GDTX có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như sau:
Tuyên truyền, phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như các báo, tạp chí, bản tin truyền thanh, truyền hình của địa phương, hoặc sử dụng các tờ rơi, pa nô, khẩu hiệu để quảng bá hình ảnh, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm.
Thông qua các hội nghị, các cuộc họp của Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp, hội chợ việc làm, các câu lạc bộ của các tổ chức nghề nghiệp ở địa phương.
Trực tiếp tổ chức các hoạt động tuyên truyền hoặc thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu để thu hút đông đảo người dân đến tham dự, tạo thêm cơ hội để tuyên truyền về trung tâm, về các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm.
Phối hợp với các trường THPT trên địa bàn tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, tuyên truyền về các ngành nghề, các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng mà trung tâm tổ chức để học sinh có định hướng nghề nghiệp về sau.
3.2.1.4. Điều kiện thực hiện
Trung tâm có đầy đủ hệ thống văn bản về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước, Đề án xây dựng xã hội học tập cũng như Quy chế hoạt động của trung tâm GDTX.
Bên cạnh đó Trung tâm cũng cần phối kết hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc nắm bắt các thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; quy mô, số lượng và yêu cầu về chất lượng đối với nguồn lao động và các ngành nghề mà các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu; và thực trạng về chất lượng, trình độ tay nghề của đội ngũ ở các cơ quan, đơn vị để chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cũng như thông tin rộng rãi tới mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình tuyên truyền.
Để việc tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, các chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm đạt hiệu quả cũng cần có những cán bộ, giáo viên đủ năng lực phụ trách để các hoạt động đi vào chiều sâu, bài bản và có khả năng truyền đạt hiệu quả nhất mọi tầng lớp nhân dân.
Trung tâm cũng cần xây dựng được quy chế phối hợp tuyên truyền với các cơ quan chức năng để nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền và đảm bảo tính sâu rộng, bền vững của các hoạt động đó.
3.2.2. Tích cực điều tra, khảo sát nhu cầu học tập của cán bộ, công chức và nhân dân thông qua nhiều kênh thông tin, tuyên truyền nhân dân thông qua nhiều kênh thông tin, tuyên truyền
3.2.2.1. Mục tiêu của biện pháp
Việc điều tra, khảo sát là cơ sở quan trọng giúp trung tâm nắm bắt nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của mọi tầng lớp nhân dân để từ đó định hướng cho việc xây dựng kế hoạch mở lớp và chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy.... Đồng thời đây cũng là cơ hội để vận động nhân dân tham gia đào tạo, bồi dưỡng đông đảo hơn đảm bảo cho
việc đạt hiệu quả trong đầu tư, đào tạo bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi đối tượng người học và thiết thực góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Việc điều tra, khảo sát để nắm bắt nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn còn có một ý nghĩa quyết định tới sự tồn tại và phát triển của Trung tâm nhất là trong bối cảnh các trường THPT trên địa bàn ngày càng mở rộng về quy mô, cận tuyển hầu như toàn bộ đối tượng học sinh trong độ tuổi nên quy mô các lớp BT THPT vốn chiếm thế chủ chốt trong các hoạt động của nhà trường ngày càng bị thu hẹp, trong khi đó do đặc thù vùng miền nên có một số lượng không nhỏ học sinh thôi học sau khi tốt nghiệp bậc THCS nên không dễ gì cho Trung tâm mở các lớp BT THPT.
Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng sẽ một mặt giúp Trung tâm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của GDTX mà không bị chệch hướng như hầu hết các trung tâm GDTX hiện nay. Mặt khác sẽ tạo thêm công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường và là động cơ để họ yên tâm gắn bó và cống hiến lâu dài cho trung tâm.
3.2.2.2. Nội dung của biện pháp
Phối hợp với các cơ quan, ban ngành để nắm bắt được công tác quy hoạch cán bộ cũng như những yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ mà đội ngũ ở các cơ quan, đơn vị cần bổ sung, nâng cao để đáp ứng được những đòi hỏi của quá trình công tác. Không chỉ có các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện mà Trung tâm cũng đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương để nắm rõ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của nhân dân lao động để đa dạng hóa các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cũng như đối tượng người học để mang các lớp học về gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân.
Tổ chức các đợt điều tra, khảo sát thông qua nhiều kênh thông tin tuyên truyền như trao đổi, vận động trực tiếp tới từng cá nhân; thông qua các hội nghị, các buổi họp giao ban, các buổi sinh hoạt tập thể ở các cơ quan, đơn vị.
Thống kê nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của người học để lựa chọn những cơ sở phối hợp đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo chất lượng, yêu cầu đặt ra cho từng loại hình, từng đối tượng.
3.2.2.3. Cách thức tiến hành
Trước tiên, Trung tâm cần phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị hoặc chính quyền địa phương để nắm bắt được một cách cơ bản nhu cầu, yêu cầu về nguồn lao động, về kĩ năng, nghiệp vụ... để trên cơ sở đó phác thảo kế hoạch khảo sát, điều tra, xác định đối tượng, địa bàn, thời gian tiến hành và chuẩn bị các điều kiện cho khảo sát, điều tra sao cho có hiệu quả nhất. Do đặc thù vùng miền nên ở đây cũng cần có một số lưu ý khi điều tra, khảo sát ở các địa bàn dân cư như thói quen, tập quán sinh hoạt, làm việc của người dân để chủ động về kế hoạch điều tra cũng như phối hợp và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của những người có nhiều ảnh hưởng hay người đứng đầu ở các địa bàn dân cư để vận động, khuyến khích người dân có như vậy mới cho kết quả khả quan.
Tiến hành điều tra, khảo sát. Công việc này cần thực hiện hết sức linh hoạt tùy thuộc vào đối tượng hay địa bàn điều tra, khảo sát để đưa ra những phương án sao cho vừa tiết kiệm thời gian, công sức lại vừa hiệu quả chẳng hạn như tranh thủ các buổi họp giao ban của các cơ quan, đơn vị, hay các buổi sinh hoạt tập trung ở khối phố, thôn bản bởi đây là những dịp quy tụ những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị hay sự có mặt của đông đảo người dân sẽ dễ dàng hơn cho việc vận động và tạo hiệu ứng thi đua học tập. Trong trường hợp điều tra, khảo sát riêng lẻ từng đối tượng cần quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lý của đối tượng để có biện pháp điều tra, khảo sát phù hợp.
Xử lý và lưu trữ thông tin sau điều tra, khảo sát. Đây là một khâu cũng rất quan trọng bởi nó là sản phẩm điều tra cuối cùng giúp người quản lý thu thập một cách đầy đủ nhất về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các đối tượng khác nhau để từ đó có những định hướng cụ thể cho việc mở lớp như mở lớp gì, số lượng bao nhiêu, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất thế nào, tự chủ giảng dạy hay phải liên kết với các cơ sở giáo dục khác đủ điền kiện theo quy định... Tuy nhiên không phải sau điều tra, khảo sát mọi nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đều có thể đáp ứng được ngay bởi công việc này phụ thuộc nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Bởi vậy việc xử lý, lưu trữ các thông tin phải đảm bảo khoa học, đầy đủ và có tính chất cập nhật để tiện cho việc sử dụng về sau.
3.2.2.4. Điều kiện thực hiện
Trung tâm xây dựng và thống nhất được quy chế phối hợp điều tra, khảo sát với các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương. Quy chế cần chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ cũng như quyền lợi của các bên phối hợp.
Có đầy đủ hệ thống bảng biểu, phiếu điều tra, phiếu tổng hợp sau điều tra và các hồ sơ lưu trữ, xử lý thông tin sau điều tra. Các bảng biểu, phiếu điều tra phải đảm bảo tính khoa học, dễ hiểu và dễ thu thập thông tin đối với mọi đối tượng điều tra, khảo sát.
Kèm theo các bảng biểu, phiếu điều tra là danh mục các ngành nghề, các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng mà trung tâm đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hoặc dự kiến mở mới trên cơ sở đã nắm bắt được những nhu cầu đó thông qua