Điều 44, Luật Giáo dục ghi mục tiêu giáo dục của GDTX: “GDTX giúp mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội”.
Mục tiêu này có thể được cụ thể hóa theo các tiêu chí sau: - Phẩm chất về đạo đức, xã hội;
- Các chỉ số về sức khỏe, tâm lý, sinh học v.v...; - Trình độ kiến thức, kĩ năng;
- Năng lực học tập, sống và thích nghi; - Tiềm năng phát triển của cá nhân.
Mục tiêu giáo dục không chỉ dừng ở việc trang bị hệ thống kiến thức đơn thuần, hình thành kỹ năng hành nghề mà còn cần phát triển các phẩm chất trí tuệ và năng lực tư duy cũng như sự hình thành và phát triển thái độ, phẩm chất, ý thức nghề nghiệp của người học trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng.
B.S.Bloom (1948) đã đề xuất một hệ thống phân loại các mục tiêu của quá trình giáo dục. Các lĩnh vực của hoạt động giáo dục là lĩnh vực về nhận thức, lĩnh vực về tâm vận động và lĩnh vực về cảm xúc, thái độ:
- Lĩnh vực nhận thức thể hiện ở khả năng suy nghĩ, lập luận. Nó bao gồm việc thu thập các sự kiện, giải thích, lập luận theo kiển diễn dịch và quy nạp với sự đánh giá có phê phán.
- Lĩnh vực tâm vận động liên quan đến những kĩ năng đòi hỏi sự khéo léo về chân tay, sự phối hợp các cơ bắp từ đơn giản đến phức tạp.
- Lĩnh vực cảm xúc liên quan đến những đáp ứng về mạt thái độ, tình cảm, bao hàm cả những mối quan hệ yêu ghét, thái độ nhiệt tình, thờ ơ cũng như sự cam kết với một nguên tắc và sự tiếp thu các lý tưởng, giá trị.
Các lĩnh vực nêu trên không hoàn toàn tách biệt hoặc loại trừ lẫn nhau. Phần lớn việc phát triển tâm lý và quá trình nhận thức, quá trình học tập đều bao hàm cả ba lĩnh vực nói trên.