nghiên cứu và triển khai các hình thức học tập phù hợp với thời gian của người học
3.2.3.1. Mục tiêu của biện pháp
Như chúng ta đã biết bản chất của các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ở các trung tâm GDTX là đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi đối tượng người học. Đối tượng người học lại rất đa dạng về độ tuổi, trình độ, nghề nghiệp...Vì vậy chương trình học tập cần được chắt lọc, thiết kế theo đặc thù, tinh giảm lý luận, tăng cường thực hành, rèn luyện kĩ năng. Thêm vào đó hình thức học tập cũng cần phải linh hoạt, phù hợp với thời gian của người học. Đây là điều kiện quan trọng hàng đầu để vừa thu hút đông đảo người học đến với trung tâm vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và đáp ứng sự kì vọng của người học về những kiến thức, kĩ năng mà họ thu nhận được sau khi đào tạo, bồi dưỡng, thiết thực phục vụ cho công việc, đời sống của họ. Chỉ bằng cách như vậy các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ở trung tâm GDTX mới có thể đi vào nền nếp, ổn định và bền vững.
3.2.3.2. Nội dung của biện pháp
Xây dựng chương trình học tập một cách hợp lý, phù hợp theo định hướng nâng cao chất lượng gắn với thực tiễn, đồng thời cũng cần chú trọng tới sự đa dạng về đối tượng người học để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có thêm nhiều cơ hội học tập. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải dựa trên cơ sở chương trình khung của bộ GD&ĐT với cấu trúc hợp lý, có tính hệ thống, đáp ứng linh hoạt nhu cầu về nhân lực của thị trường lao động cũng như những kiến thức, kĩ năng thiết yếu đối với người lao động ở các cơ quan, đơn vị. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải có tính mềm dẻo, linh hoạt, thích nghi với sự liên thông giữa các cấp, ngành học đáp ứng nhu
cầu học tập ở mọi trình độ và của mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi. Các đơn vị phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cần đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng giảm lý thuyết, tăng kiến thức thực tế và kĩ năng thực hành; đổi mới kiểm tra, đánh giá để bám sát hơn với đòi hỏi khách quan trong quá trình công tác, lao động của người học.
Song song với việc xây dựng chương trình học tập phù hợp cho mọi tầng lớp nhân dân, cũng cần lưu tâm đặc biệt tới việc nghiên cứu và triển khai các hình thức học tập phù hợp với thời gian của người học. Như đã nói ở trên về sự đa dạng của đối tượng người học, hình thức học tập cũng cần hết sức linh hoạt, mềm dẻo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học tham gia học tập một cách đầy đủ song cũng không vì thế mà ảnh hưởng tới tiến trình, chất lượng theo yêu cầu của từng loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Để xây dựng được hình thức học tập phù hợp cần nắm rõ đặc điểm công việc hay thói quen sinh hoạt, làm việc của đối tượng cũng như thống nhất với giáo viên giảng dạy sở tại hay các đơn vị phối hợp để cùng tạo điều kiện thuận lợi và tích cực hỗ trợ nhau thực hiện và hoàn thành có hiệu quả nhất việc đào tạo, bồi dưỡng.
3.2.3.3. Cách thức tiến hành
Tổng hợp từ các phiếu điều tra để phân loại đặc điểm các nhóm đối tượng như đã nêu ở trên để định hình cơ bản chương trình, hình thức tổ chức học tập phù hợp với đối tượng.
Rà soát hoặc phối hợp với các cơ sở liên kết đào tạo, bồi dưỡng để rà soát lại các chương trình giảng dạy, xem xét sàng lọc, sắp xếp lại những nội dung chương trình đã quá lạc hậu hoặc chồng chéo, không thiết thực. Trên cơ sở xây dựng chương trình như vậy sẽ bố trí hình thức học tập sao cho đảm bảo yêu cầu, nội dung chương trình và phù hợp nhất với đối tượng người học.
Tổ chức tọa đàm, trao đổi với các cơ quan, đơn vị nhất là các cơ quan, đơn vị có nhiều người tham gia đào tạo, bồi dưỡng hoặc trực tiếp trao đổi với người học để kiểm nghiệm xem chương trình và hình thức học tập có sát với
thực tế công tác, lao động không hay người học có kiến nghị, đề xuất gì để kịp thời điều chỉnh hoặc làm cơ sở để điều chỉnh cho các khóa, các lớp mở về sau. Đồng thời cũng thông qua điều tra xã hội học để biết được hiệu quả công tác, lao động của người học sau khi đã hoàn thành xong quá trình đào tạo, bồi dưỡng.
Khi đã có những thông tin phản hồi từ phía các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động hay trực tiếp từ người lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng ở Trung tâm cũng cần thiết trao đổi hoặc gửi những phản hồi đó đến các cơ sở liên kết đào tạo, bồi dưỡng để các cơ sở này có kế hoạch cụ thể tiếp tục giữ nguyên chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đã được tiến hành hay có những điều chỉnh cho phù hợp hơn đối với các khóa, lớp đào tạo, bồi dưỡng về sau. 3.2.3.4. Điều kiện thực hiện
Để xây dựng được chương trình hay lựa chọn hình thức học tập phù hợp, yêu cầu đặt ra là phải nắm bắt được cụ thể đặc điểm đối tượng người học về độ tuổi, năng lực hoặc trình độ hiện có, đặc điểm công việc, mục đích học tập và các đặc điểm khác.
Việc nắm bắt được những vấn đề nêu trên về đối tượng người học là cần thiết song chưa đủ bởi chương trình, hình thức học tập còn phụ thuộc vào yêu cầu cần đạt về kiến thức, kĩ năng của từng loại hình đào tạo, bồi dưỡng do đó khi xây dựng chương trình và hình thức học tập cũng cần có những hiểu biết nhất định về từng loại hình đào tạo, bồi dưỡng để đi đến sự thống nhất tối ưu khi xây dựng chương trình và lựa chọn hình thức học tập.