TheoHồ Đức Hùng (2000): “Nội lực của doanh nghiệp bao gồm tất cả các yếu tố và hệ thống bên trong nội bộ của doanh nghiệp. Các yếu tố nộ bộ của doanh nghiệp bao gồm các lĩnh vực như: nguồn nhân lực, công tác quản trị, công tác marketing, công tác tài chính kế toán, công tác tổ chức vận hành sản xuất kinh doanh, công tác nghiên cứu và phát triển, công nghệ thông tin,..”. Việc hiểu biết môi trường nội bộ có một ý nghĩa rất to lớn trong việc thiếp lập chiến lược; giúp cho việc nhận định, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu trong doanh nghiệp để tìm cách phát huy mặt mạnh và hạn chế mặt yếu của mình, từ đó xác định năng lực và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
1.2.6.1. Nguồn nhân lực
Là yếu tố quan trọng có vai trò đặc biệt chủ yếu trong mọi hoạt động của bất kỳ một doanh nghiệp nào. Khi phân tích, cần xem xét đến các chỉ tiêu như: trình độ văn hóa, khả năng linh động, sáng tạo, mức độ hài lòng trong công việc hiện tại.
1.2.6.2. Kinh doanh - tác nghiệp
Kinh doanh tác nghiệp là chức năng tạo ra các dịch vụ đảm bảo tăng thêm niềm tin của khách hàng và giá trị của doanh nghiệp. Đó là sự kết hợp các yếu tố đầu vào để thực hiện đầu ra một cách có hiệu quả nhất. Nội dung của việc phân tích kinh doanh - tác nghiệp là phân tích tính hợp lý của quy trình công nghệ, công suất hoạt động, chất lượng lao động phục vụ cho quy trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
1.2.6.3. Công tác Marketing
Theo Kotler, Philip (1997): “Hoạt động marketing được mô tả là quá trình xác định, dự báo, thiết lập và thỏa mãn những nhu cầu mong muốn của khách hàng đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Phân tích hoạt động marketing phải tập trung vào việc phân tích các chính sách về sản phẩm, giá cả, phân phối và giao tiếp của doanh nghiệp”.
Những phân tích trên cho phép doanh nghiệp đánh giá được khả năng riêng biệt của mình về mức độ thích ứng của sản phẩm với nhu cầu thị trường và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường đó.
1.2.6.4. Công tác tài chính kế toán
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh, phân tích tình trạng tài chính doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong quá trình chuẩn bị thông tin trong xây dựng chiến lược. Theo Nguyễn Văn Thuận (2006), “Nội dung đánh giá cần tập trung các vấn đề:
Thực trạng nhu cầu vốn và cơ cấu các nguồn vốn trong doanh nghiệp. Thực trạng phân bổ vốn (cơ cấu vốn thực tế trong doanh nghiệp).
Thực trạng về hiệu quả sử dụng vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực trạng các chỉ tiêu tài chính tổng hợp đánh giá vị thế của doanh nghiệp trên thị trường”.
1.2.6.5. Công tác tổ chức vận hành kinh doanh
Công tác tổ chức vận hành kinh doanh bao gồm tất cả các hoạt động nhằm đảm bảo tiết kiệm nguồn lực của doanh nghiệp, đầu vào của sản phẩm hàng hóa thấp. Theo Hồ Đức Hùng (2000): “Việc nghiên cứu tổ chức vận hành kinh doanh được tiến hành trên các mặt: quy trình tổ chức hệ thống mạng lưới phục vụ kinh doanh, hàng tồn kho, lực lượng lao động và chất lượng đội ngũ thực hiện nhiệm vụ kinh doanh. Đây là một nội dung phân tích khả năng bên trong rất quan trọng”. Nhờ có bộ máy sản xuất kinh doanh thích ứng mới có khả năng tiết giảm được chi phí đầu vào thấp nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng và phức tạp của của thị trường. Đó là ưu thế cạnh tranh chủ yếu của sản phẩm dịch vụ trên thị trường.
1.2.6.6. Nề nếp tổ chức
“Nề nếp văn hoá của doanh nghiệp là tổng hợp các kinh nghiệm, có tính và phong thái sinh hoạt, phương thức hoạt động phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các bộ phận cũng như các cá nhân là thành viên của doanh nghiệp” Theo Hồ Đức Hùng (2000); Trong đó nổi bật là quan hệ phối hợp chặt chẽ của bộ máy điều hành sản xuất kinh doanh đảm bảo liên hoàn và tạo thành những động thái hoặc phương cách ứng xử tiến bộ trong doanh nghiệp. Nề nếp tổ chức yếu hay mạnh đều gây ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực đến tiến trình thực hiện chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
1.2.6.7. Hệ thống thông tin
Đánh giá hệ thống thông tin của doanh nghiệp, cần xem xét tới các mặt như sự đầy đủ, độ tin cậy, kịp thời của thông tin, tính tiên tiến của hệ thống. Thông tin hiện nay được coi là chất liên kết hoạt động của tất cả các bộ phận kinh doanh với nhau, cung cấp các dữ liệu quan trọng cho tất cả các hoạt động quản trị. Để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của hệ thống thông tin, nhà quản trị phải trả lời được câu hỏi: hệ thống thông tin hiện có đã cung cấp đầy đủ thông tin cho các quyết định chưa?