3.3.3.1 Mục đích thực hiện.
Có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tận tâm, phân bổ đồng đều các bộ phận và khu vực tạo nên sức mạnh tổng hợp, lâu dài cho sự phát triển của Khách sạn
3.3.3.2 Nội dung thực hiện
- Đào tạo cán bộ - Tuyển dụng nhân sự - Bố trí nhân sự
- Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
3.3.3.3 Giải pháp thực hiện
- Trước tiên là phải đào tạo hoặc thay thế, đổi mới bộ phận nhân sự, vì bộ phận này là những người tuyển dụng và lựa chọn nguồn nhân lực cho Khách sạn nhưng lại
là những người có trình độ năng lực chưa cao, chưa qua đào tạo, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm
- Tuyển chọn nguồn nhân lực có trình độ phù hợp, được đào tạo bài bản, qua trường lớp.
- Tổ chức thường xuyên các khóa học, bồi dưỡng ngắn hạn tại Khách sạn, mời các chuyên gia giỏi về quản trị nghành Du lịch đào tạo các kỹ năng quản trị cho cán bộ quản lý cấp trung, kỹ năng làm việc theo nhóm, sự phối hợp giữa các bộ phận và công tác tự hướng dẫn, đào tạo trong nội bộ Khách sạn;...
- Xây dựng chính sách đãi ngộ vật chất thỏa đáng cho các cán bộ, nhân viên được cử đi đào tạo học tập để khuyến khích tinh thần học tập, an tâm nghiên cứu, từ đó công tác đào tạo được hiệu quả.
- Việc tuyển dụng phải đổi mới và có những bước đột phá hơn theo nhu cầu của Khách sạn, thông báo tuyển dụng công khai với những chính sách đãi ngộ và môi trường văn hóa doanh nghiệp hàng đầu mới có thể thu hút được nhân tài. Đội ngũ cán bộ này sẽ tiếp tục được đào tạo trong môi trường tốt nhất có thể, có cán bộ kinh nghiệm của Khách sạn kèm cặp hướng dẫn một cách phù hợp nhằm trở thành cán bộ khung, nhóm “nhân sự chiến lược” trong tương lai.
- Bố trí công việc đúng chuyên môn và đào tạo thêm theo tình hình nhu cầu thực tế của Khách sạn. Đầu tư đào tạo bồi dưỡng mọi mặt đội ngũ lao động để đủ sức làm chủ quá trình hoạt động kinh doanh với yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao.
- Sắp xếp, bố trí cán bộ đảm bảo sử dụng tốt nhất nguồn nhân lực như thành lập các tổ, nhóm kinh doanh, phục vụ đặc thù, kiểm tra giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện công việc... Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật phù hợp với định hướng về công nghệ và sản phẩm được chọn trong tương lai.
- Phổ biến cho nhân viên những thông tin về du lịch Nghệ An và nếu có thể kèm theo sách ảnh minh họa để mỗi nhân viên có thể trở thành nhân viên Marketing, tạo dựng hình ảnh khách sạn trong mắt khách hàng.
- Phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả ứng dụng các sáng kiến cải tiến trong công tác chuyên môn. Khuyến khích nhân viên đầu tư nghiên cứu học tập, đổi mới tư duy và phong cách làm việc, đáp ứng tốt nhiệm vụ trước yêu cầu ngày càng đa dạng và cạnh tranh trong kinh doanh.
- Xây dựng một môi trường, một nét văn hoá đặc trưng cho Khách sạn, đây là điều cần thiết đối với khách sạn hiện nay, việc xây dựng nét văn hóa đặc trưng của khách sạn nhằm tạo nên một thương hiệu riêng cho khách sạn để mà khi nhắc đến khách sạn Hạ Long, Thị xã Cửa lò là khách hàng nghĩ ngay đến nét văn hóa đó. Cụ thể:
Đối với Khách hàng:
+ Trong quá trình khách lưu trú tại khách sạn, tất cả nhân viên khi gặp khách phải mỉm cười, thân thiện và chào hỏi khách..
+ Sau khi nhân viên buồng phòng dọn phòng thì luôn luôn để lại một tờ giấy nhắn viết tay trên bàn. Nội dung của giấy nhắn có thể là chúc khách một ngày vui vẻ hay là một chuyến đi thú vị, vv…
+ Trước khi khách rời khách sạn, tặng mỗi vị khách 1 món quà lưu niệm nhỏ của khách sạn có thể là một móc chìa khóa mang biểu tượng của khách sạn
+ Gửi thư hoặc email cảm ơn khách vì đã lưu trú tại khách sạn sau khi khách đã rời khách sạn.
Đối với cán bộ công nhân viên:
Tạo sự đoàn kết thống nhất trong toàn Khách sạn, sự công bằng, dân chủ, chăm lo phúc lợi và quan tâm đến đời sống của cán bộ công nhân viên
Tất cả các cán bộ công nhân viên trong Khách sạn đều được tôn trọng, đều cảm nhận được sứ mạng và mục tiêu của đơn vị trong thời gian tới, từ đó tạo dựng được sự gắn bó trung thành và sự hy sinh của nhân viên đối với Khách sạn và cùng nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Tiêu chuẩn hóa cán bộ công nhân viên trong Khách sạn. Ở mỗi vị trí công việc đòi hỏi kiến thức, kỹ năng về chuyên môn khác nhau. Do đó tiêu chuẩn hóa cán bộ phải cụ thể hóa đối với từng công việc và phải phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ.
Trao nhiệm vụ và quyền hạn cho mỗi cấp độ nhân viên dưới sự kiểm soát của Ban lãnh đạo để họ có thể phát huy hết khả năng của mình và có động lực để cống hiến cho Khách sạn.
Cần có cải tiến mạnh về chế độ đãi ngộ để giữ chân nhân viên và tránh tình trạng nhân viên nghỉ việc sau khi được đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ. Đồng thời cũng là một trong những tiêu chí góp phần thu hút nguồn nhân lực mới phục vụ cho nhu cầu phát triển trong tương lai. Vì thế, Khách sạn cần phải xây dựng các chế độ đãi ngộ nhân viên thích đáng, cụ thể là:
+ Điều chỉnh mức lương và cơ cấu lương hợp lý, phù hợp với trình độ, năng lực làm việc và kết quả hoàn thành công việc và thâm niên, tạo động lực để nhân viên làm việc.
+ Có nhiều hình thức khen thưởng hợp lý đối với các đóng góp sáng tạo của nhân viên gắn với kết quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với các nhân viên giỏi và có đóng góp tích cực vào hoạt động của khách sạn.
Tóm lại: Nhân lực luôn được xem là một yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có thể có công nghệ hiện đại, chất lượng dịch vụ tốt, cơ sở hạ tầng vững trãi nhưng nếu thiếu lực lương lao động chuyên nghiệp thì doanh nghiệp đó khó có thể tồn tại lâu dài và tạo dựng được lợi thế cạnh tranh. Hơn nữa, môi trường văn hóa doanh nghiệp thể hiện được đẳng cấp của doanh nghiệp và mỗi cá nhân làm việc trong doanh nghiệp đó. Có thể nói chính con người tạo ra sự khác biệt giữa các doanh nghiệp.