THẢO LUẬN NHÓM CÔNG NHÂN – CÔNG ĐOÀN CÔNG TY BROTHER

Một phần của tài liệu Tăng cường thương lượng trong quan hệ lao động ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Nghiên cứu trường hợp hai doanh nghiệp Công ty TNHH Quốc tế D&S và Công (Trang 126)

II. Danh sách các cá nhân tham gia vào phỏng vấn sâu, phỏng vấn chuyên gia và thảo luận nhóm tập trung

3. Danh sách thảo luận nhóm tập trung.

THẢO LUẬN NHÓM CÔNG NHÂN – CÔNG ĐOÀN CÔNG TY BROTHER

Ngô Thị V., 22 tuổi, đã làm việc tại công ty được 2 năm, bộ phận sản xuất 2. Bùi Quang H., chủ tịch Công đoàn công ty, 28 tuổi, làm việc tại công ty được 4 năm, đồng thời là nhân viên bộ phận lập kế hoạch..

Trần Thị Th. 25 tuổi, làm việc trong công ty được 2 năm, bộ phận sản xuất 4. Nguyễn Danh T., 27 tuổi, làm việc trong công ty được 1 năm, bộ phận Phan Tuấn Q., 33 tuổi, làm việc trong công ty được 2 năm, bộ phận

Hỏi: Khi vào công ty, các anh chị có được tập huấn về các quy định của luật lao động và nội quy doanh nghiệp hay không?

Nguyễn Danh T.: có chứ, chúng em được học 3 buổi trong ngày thứ 7 và chủ nhật đầu tiên của tuần đầu tiên làm việc. Nói chung là các nội dung khá đầy đủ.

Hỏi: Mọi người có kí HĐLĐ với công ty không?

Ngô Thị V.: Có, bọn em ký HĐLĐ với công ty, sau 2 tháng thử việc thì kí HĐLĐ chính thức và trở thành nhân viên chính thức.

Hỏi: So với lúc mới bắt đầu vào làm thì thu nhập của các các anh chị so với hiện nay ra sao? Có tăng lên nhiều không?

Bùi Quang H.: So với thời gian bắt đầu làm thì có tăng lên nhiều chứ, theo vị trí công việc, tăng hàng năm. Tuỳ theo ai cố gắng thì thu nhập sẽ tăng lên nhiều. Có những người chỉ được tăng ít thôi, vì người ta không cố gắng, ý thức kém và làm việc không đâu ra đâu thì được tăng ít. Điều đó là đương nhiên rồi, không chỉ ở công ty này mà ở đâu cũng thế thôi. Đặc biệt là ở công ty này có nhiều cơ hội thăng tiến vì công ty mới đi vào hoạt động. Vì trước đó chưa có gì, dần dần người ta sẽ sắp xếp, những người cố gắng thì sẽ được đưa vào các vị trí vì người ta thiếu rất nhiều. Sau này, có thể nó sẽ khác đi, nhưng chắc phải tầm 5-7 năm. Nhưng bây giờ thì thuận lợi.

Hỏi: Bữa ăn ca: trước đây so với hiện nay có khác nhiều không?

Phan Tuấn Q.:Em không nhớ hình như bữa ăn ca bây giờ là 15 hay 20 nghìn gì đó?

Bùi Quang H.: Nhìn chung bữa ăn ca thì cái giá của nó mà người ta đưa ra hơi thấp, 15.000đ/ bữa, nhưng sát so với thực tế. Vì như một số công ty cái giá ăn ca người ta đưa ra là 20.000 nhưng thực tế lượng thực phẩm chỉ khoảng 15.000đ. Thực tế ở một số công ty bữa ăn bị cắt gọt đi rất nhiều. Ngoài nhà cung cấp cắt gọt đi, thì nhiều công ty quản lý không chặt, nên nhiều công ty cho 20.000đ/suất ăn ca nhưng cũng chỉ bằng công ty mình thôi. Về vệ sinh bữa ăn của công ty thì tương đối tốt.

Ngô Thị V.:Có nhiều thực đơn ăn để thoải mái lựa chọn. Nói chung là no và ổn.

Hỏi: Mọi người đánh giá như thế nào về các mối quan hệ trong công ty: tập trung vào mối quan hệ giữa công đoàn với Ban lãnh đạo công ty, giữa công nhân với công đoàn, giữa công nhân với ban lãnh đạo công ty?

Bùi Quang H.: Thực ra mối quan hệ giữa công đoàn với công ty thì như đã nói, công ty rất ủng hộ và tôn trọng công đoàn. Có thể trong chuyên môn thì mình là cấp dưới của các ông ý. Nhưng khi trao đổi về việc của công đoàn thì mình ngang hàng với các ông ý, mình nói các ông ấy cũng phải nghe. Đó là điều công đoàn được. Còn về quan hệ giữa công đoàn với công nhân viên thì cô này (Hương) nói sẽ chuẩn hơn. Nói chung giữa công đoàn với công ty là tương đối tốt. Vì chế độ tài chính, chi tiêu thì công khai, công ty và toàn bộ công nhân viên đều được biết. Và hàng năm, các phong trào dành cho công nhân được quan tâm rất nhiều, không chỉ từ phía công nhân mà còn từ phía doanh nghiệp. Công đoàn tổ chức các hoạt động, cần thiết thì công ty sẽ hỗ trợ.

Hỏi: Anh có nghĩ là việc mình ăn lương của NSDLĐ sẽ ảnh hưởng đến tiếng nói của công đoàn không?

Bùi Quang H.: Đương nhiên là có chứ, mình làm thuê cho các ông ý mà. Để làm sao cho lời nói của công đoàn phải hướng tới cái lợi cho công ty thì công ty sẽ ủng hộ, rất ủng hộ. Còn về trù dập cán bộ công đoàn thì ở đây hoàn toàn không có, công đoàn phải khéo hơn. Vì một bên là NSDLĐ, và một bên là NLĐ và mình làm thuê cho NSDLĐ. Nhưng NLĐ ở giữa thì rất là nhiều, một bên là ảnh hưởng trực tiếp đến cơm áo của mình, còn một bên là ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ ở dưới. Đòi hỏi mình phải khéo, mình mà làm không khéo thì bao nhiêu nghìn người nói mình.

Ban Chấp hành công đoàn công ty có 10 người. Không có công nhân trực tiếp sản xuất, tổ trưởng công đoàn các phòng ban có hơn 50 người, là tổ trưởng công đoàn. Không có ai là công nhân trực tiếp sản xuất, còn cán bộ các phòng ban thì có trong Ban Chấp hành công đoàn.

Hỏi: thế mối quan hệ giữa công đoàn với công nhân như thế nào? Anh có nghĩ rằng tất cả gần 3000 công nhân ở đây đều biết rằng anh là chủ tịch công đoàn không?

Bùi Quang H.: Cũng không hẳn, không thể biết được. Tuỳ theo họ có quan tâm hay không nữa. Có những người đi làm mấy năm cũng không biết Tổng Giám đốc là ai, chứ chưa nói đến chủ tịch công đoàn. Đấy là tuỳ thuộc mức độ người ta thôi. Nó tuỳ thuộc hai phía, một là sự quan tâm của công nhân, hai là hoạt động của

công đoàn nó lan toả đến đâu. Có những người thì người ta nghĩ là vào công đoàn thì vào thôi, chứ người ta chả biết công đoàn là gì, người ta không cần quan tâm, vì tiền người ta đóng ra thì một tháng chỉ mất mấy nghìn thôi. Nhiều khi người ta cần quan tâm đến những thứ khác thôi. Trong số hơn 3000 công nhân thì có 4 người không phải là đoàn viên công đoàn, còn lại tất cả là đoàn viên công đoàn.

Nguyễn Danh T.: Em khẳng định là biết đấy, như buổi hôm Tết là tất cả mọi người đều biết anh.

Bùi Quang H.: Cán bộ công đoàn thì hầu hết là kiêm nhiệm. Hàng tháng công ty cũng cho cán bộ công đoàn nghỉ mấy ngày để làm công tác công đoàn, nhưng hàng ngày thì công việc chuyên môn vẫn là chính. Mình phải có chân rết thì mới hoạt động được. Một năm bên mình có mấy hoạt động lớn: 8.3, 20.10, trung thu, Tết. Định kỳ còn có các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao. Bóng đá 1 năm tổ chức một lần, ngoài ra còn có hoạt động chơi cầu lông, bóng bàn. văn nghệ thì tổ chức cùng với các ngày lễ tết. Noel năm nay cũng định tổ chức. Công ty mới thành lập được 4 năm, còn công đoàn công ty mới thành lập được 2 năm thôi.

Hỏi: Các bạn có thể cho biết cho biết quan hệ giữa công đoàn với công ty như thế nào?

Trần Thị Th.:Nếu gặp mọi vấn đề gì thì trong công việc thì sẽ gặp với cấp trên. Còn những vấn đề liên quan đến công đoàn sẽ tìm đến cán bộ công đoàn bộ phận luôn. Có cán bộ công đoàn phòng ban riêng, mình phản ánh ý kiến thì họ sẽ phản ánh với chủ tịch công đoàn. Chứ ai có vấn đề cũng phản ánh với anh Huy thì anh ấy bận tiếp khách suốt cả ngày mà không làm được việc gì thôi.

Bùi Quang H.: Cũng có nhiều người xin được số điện thoại của mình và gọi trực tiếp cho mình, rất nhiều đấy, mình phải trả lời thôi, không thể từ chối được. Về cơ bản mình trả lời những cái mình biết thôi. Đáng lẽ công nhân phải liên hệ trực tiếp với công đoàn các phòng, ban, đằng này họ lại liên hệ với mình, mình vẫn phải trả lời thôi.

Hỏi: có khi nào công đoàn đứng ra tổ chức các cuộc trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo công ty với công nhân để giải toạ mọi băn khoăn, thắc mắc của công nhân không?

Bùi Quang H.: Không có, nhưng hàng tháng mình đều tập hợp ý kiến của công nhân, đều họp 50 cán bộ công đoàn, rồi họp Ban Chấp hành tháng họp 2 lần để giải quyết những vấn đề thắc mắc của công nhân. Còn họp giữa công đoàn với công ty thì tháng 1 lần, nếu có những vấn đề gì cần giải quyết gấp thì có thể triệu tập các ông ấy đi họp. Hoặc công ty có vấn đề gì cần trao đổi thì gặp công đoàn để trao đổi.

Hỏi: Mọi người cho rằng ở những doanh nghiệp Nhật Bản mọi người đối xử với nhau như là trong một gia đình. Mọi người nghĩ thế nào?

Ngô Thị V.:Em cảm thấy sự thân thiện trong công ty.

Phan Tuấn Q.: Anh thì thấy hơn gia đình mình. Vì ý thức ở công ty khác với ý thức ở gia đình. Ví dụ như ở công ty thì không thể ăn uống, vứt rác, ngủ nghê bừa bãi được.

Hỏi: Có cảm thấy có sự áp đặt nào giữa ông chủ với mình?

Bùi Quang H.: Không. Nhưng trong công việc, họ là cấp trên, là ông chủ, họ có thể ra lệnh. Tất nhiên cái lệnh đó không được trái pháp luật. Đơn giản là vì công việc họ ra lệnh thì mình phải làm. Nhiều khi mình thấy rằng theo ý tôi phải làm như thế này, nên làm như thế này. Nhưng sếp bảo là không được, phải làm như thế này thì mình làm theo sếp và ông ý chịu trách nhiệm chứ không hẳn là áp đặt. Không có chuyện tao ghét nó thì áp đặt cho mày cũng phải ghét nó. Chỉ là vì công việc thôi. Thường xuyên có sự trao đổi giữa nhân viên và ông chủ để làm cho công việc tốt hơn.

Trần Thị Th.:Chỗ bộ phận của em thường xuyên có những đề án cải tiến, mà mình cần phải trao đổi với cấp trên, xem là có nên cải tiến cho tốt không, cho phù hợp không thì thường xuyên trao đổi. Nếu mình cần cái gì để cho công việc tốt hơn thì mình đề xuất. Có nhiều cái được đáp ứng, nhưng không phải mọi cái vì nhiều khi cái mà mình đề xuất, đòi hỏi có thể là vô lý.

Phan Tuấn Q.: Tất nhiên là phải xem xét lại xem có thực sự cần hay không thì mới đáp ứng.

Hỏi: Khi các bên cùng có những vướng mắc, bức xúc, không hiểu nhau, không hài lòng về nhau thì công đoàn, công ty và NLĐ tìm cách giải quyết như thế nào?

Bùi Quang H.: Đương nhiên là có bức xúc vì các bên không thể lúc nào cũng có thể đáp ứng được yêu cầu của nhau. Trong công ty quy định, nhưng nhiều lúc có thể quy định đó phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người kia, thì lại phải trao đổi lại. Khi đã có ý kiến thì phải giải thích và trao đổi thôi.

Hỏi: Nguyên tắc của việc giải quyết những ý kiến, kiến nghị đó như thế nào?

Bùi Quang H.: Công bằng, dân chủ, công khai, tôn trọng lẫn nhau. Đặc biệt là nhiều việc đương nhiên là công đoàn đồng ý thì công ty mới đứng ra làm. Có ý kiến của công đoàn thì công ty mới làm. Công ty rất là khôn ở chỗ đó. Tội vạ đâu thì công đoàn cũng phải chịu nữa. Bất kì một thay đổi hay thông báo gì đều hỏi ý kiến công đoàn.

Bùi Quang H.: Hầu như không sa thải. Chỉ có một, hai trường hợp trộm cắp tài sản công ty thì mới sa thải và có hỏi ý kiến công đoàn.

Hỏi: Theo mọi người, việc chia sẻ, đồng cảm giữa công ty, công đoàn, công nhân như thế nào?

Bùi Quang H.: Cái đó có. Về cơ bản, người Nhật rất lạnh lùng, yếu tố tình cảm thì hầu như không có. Còn các bạn công nhân thì chủ yếu làm việc với người Việt, ít tiếp xúc với người Nhật. Thi thoảng gặp có hỏi han nhau đôi ba câu thôi. Vẫn trêu đùa, nhưng là ở ngoài, còn vào công việc thì không có trêu đùa. Còn trong công việc, người Nhật có sức khoẻ rất tốt và rất tâm huyết với công việc.

Hỏi: Những phàn nàn của công ty đối với công đoàn?

Bùi Quang H.: Toàn là những vấn đề rất nhỏ thôi, và họ có ý kiến là nên làm như thế này, nên làm như thế kia, chứ không có vấn đề gì quá lớn để chê trách cả. Mỗi hoạt động công đoàn tổ chức đều báo với công ty, là tôi làm thế này, tôi làm thế kia, công ty có ý kiến gì hay không, sau đó thì hỏi họ đánh giá, nhận xét gì để hoạt động sau được tốt hơn và họ cũng thường cho ý kiến để hoạt động sau được tốt hơn. Họ hay có ý kiến về ý thức của công nhân đã tốt chưa, sau mỗi hoạt động việc vệ sinh dọn dẹp đã tốt chưa. Về kêu ca của công nhân họ cũng hỏi ý kiến của công đoàn đã đúng hay chưa. Cũng nhiều khi công nhân có ý kiến rất là vô lý, và phải giải thích như thế nào cho công nhân hiểu. Nhiều khi công nhân đòi hỏi linh tinh, vớ vẩn và quá thì không thể nào giải quyết được. Chỉ có 1-2 người có ý kiến thôi thì cũng vẫn phải đưa ra bàn và trả lời.

Hỏi: Người Nhật nhận xét như thế nào về lao động Việt Nam?

Phan Tuấn Q.: Theo mình, người Nhật không nói trực tiếp là lao động Việt Nam thế này, lao động Việt Nam thế kia, nhưng trong đầu vẫn áp đặt cho lao động Việt Nam một số cái. Họ thường nói ý thức của lao động Trung Quốc thế này, lao động Việt Nam thế này, họ so sánh. Nhưng họ phải chấp nhận thôi, vì họ thuê lao động Việt Nam rất là rẻ, có thể làm không tốt bằng các nước khác, nhưng kêu ca thì họ cứ kêu, nhận xét thì cứ nhận xét, nhưng làm thì họ vẫn muốn làm ở đây.

Hỏi: Thông thường, những phàn nàn của công nhân đối với ông chủ?

Bùi Quang H.: Thường là ý kiến về điều kiện làm việc không tốt, yếu tố làm việc của công ty này tốt hơn công ty mình. Ông chủ có cho thêm họ được quyền lợi gì nữa hay không? Như bữa ăn chẳng hạn. Có được nâng lên hay không? Hôm nay họ cảm thấy không tốt, họ cảm thấy thế này, họ đưa lên. Có làm gì để cải thiện thêm điều kiện làm việc cho công nhân hay không.

Ngô Thị V.:Chế độ đãi ngộ ở công ty tương đối tốt. Đương nhiên ở đâu cũng có mặt này, mặt khác nhưng thực tế ở công ty là tương đối tốt. Ở công ty mình, khả năng được đi nước ngoài nhiều. Kể cả công nhân. Có những người công ty thấy rằng họ làm việc đã lâu năm mà chưa được đi nước ngoài thì họ sẽ tạo ra một công việc nào đó làm cớ để đi. Chính vì thế mà tập đoàn hàng năm đều tổ chức Đại hội để cho NLĐ đến thăm quan. Tôi cũng được đi Trung Quốc mấy lần kết hợp công việc.

Trần Thị Th.:Về việc đào tạo tại công ty rất tốt. Trước khi vào lao động đều được học nội quy, quy chế và Luật Lao động 3 ngày. Hai nữa là cán bộ công nhân viên công ty được học ngoại ngữ (Tiếng Nhật) miễn phí nhưng phải đảm bảo công việc. Công ty có nhiều lớp với nhiều cấp độ, học cả trong và ngoài giờ. Hiện tại công ty đang mở 4 lớp. Mỗi lớp thường mở khoảng 2 tháng. Trước đây tôi cũng học 2 lớp nhưng vì công việc bận quá nên không tham gia được nữa.

Bùi Quang H.: Công đoàn công ty còn tổ chức các lớp học nữ công gia chánh, học cắm hoa, khiêu vũ. Công nhân hưởng ứng nhiều, nhưng lớp cắm hoa đông hơn vì công nhân đông công nhân nữ. Mỗi lớp mấy chục người.

Một phần của tài liệu Tăng cường thương lượng trong quan hệ lao động ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Nghiên cứu trường hợp hai doanh nghiệp Công ty TNHH Quốc tế D&S và Công (Trang 126)