b. Định hướng về nguồn vốn và nước đầu tư
3.3.4. Hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng
Nước ta đã gia nhập WTO và ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế. Luật Đầu tư chung và Luật Doanh nghiệp thống nhất đã có hiệu lực. Đó là những căn cứ rất quan trọng cho việc áp dụng, ban hành, và thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư. Vấn đề đặt ra là, trên cơ sở luật pháp chung của cả nước, Khánh Hòa cần sớm ban hành chính sách khuyến khích đầu tư của địa phương theo thẩm quyền, phù hợp với Luật Đầu tư chung, không phân biệt đối xử, đảm bảo tính ổn định và minh bạch. Theo hướng này, trước mắt cần tập trung nghiên cứu và ban hành ngay một quyết định chung về các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư áp dụng cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, phù hợp với pháp luật và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, cụ thể như:
- Hoàn thiện các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu theo yêu cầu của hội nhập khu vực và quốc tế theo hướng đảm bảo nguồn thu cho NSNN nhưng phải ưu tiên đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất và áp dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
- Nhanh chóng cải cách giá dịch vụ và xoá bỏ chế độ hai giá. Rà soát và thống nhất mức tiền thuê đất theo từng khu vực, từng địa bàn phù hợp với yêu cầu phát triển và thu hút đầu tư.
- Tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư, nghiên cứu hỗ trợ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng cho nhà ĐTNN để các nhà ĐTNN khi được cấp giấy phép đầu tư là có thể nhận ngay đất "sạch" để thực hiện dự án. Xử lý vấn đề giá thuê đất và phương thức thanh toán tiền thuê đất, tiền đặt cọc dự án đối với các dự án ngoài các KCN cho phù hợp. Một mặt, tỉnh quy định giá thuê đất ở mức hợp lý để giảm chi phí đầu vào của nhà đầu tư, mặt khác nhà đầu tư cũng phải trả trước tiền thuê đất để tỉnh lo đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng đến chân bờ rào dự án. Đồng thời, phải chấp nhận đóng một khoản tiền đặt cọc nhất định tuỳ theo quy mô dự án. Nếu không triển khai đúng tiến độ cam kết thì nhà đầu tư bị mất khoản tiền này. Đây là biện pháp hữu hiệu để tránh tình trạng đang xảy ra khá phổ biến là nhiều nhà đầu tư năng lực tài chính yếu kém nhưng chiếm đất dự án, chờ đợi chuyển lại cho đối tác khác, làm cho tỉnh mất nhiều thời gian để thu hồi lại giấy phép đầu tư đã cấp.
- Xây dựng các quy định về vay vốn rõ ràng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI dễ dàng tiếp cận thị trường vốn, thị trường tín dụng trung và dài hạn. Thí điểm việc cổ phần hóa các doanh nghiệp FDI và đa dạng hóa các hình thức đầu tư như cho phép thành lập công ty cổ phần có vốn đấu tư nước ngoài, công ty hợp doanh, thực hiện hình thức mua lại, sáp nhập và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình sắp xếp lại các DNNN.
- Giảm dần tỷ lệ kết hối ngoại tệ, tiến tới xoá bỏ việc kết hối bắt buộc khi có điều kiện, từng bước thực hiện mục tiêu hoán chuyển ngoại tệ đối với các giao dịch vãng lai. Có chính sách bổ sung đảm bảo việc bán ngoại tệ cho các doanh nghiệp FDI đã thực hiện nghĩa vụ kết hối để đáp ứng nhu cầu hợp lý của doanh nghiệp.
- Xây dựng quy chế quản lý hoạt động tài chính doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, xây dựng các chuẩn mực về định giá tài sản, đánh giá tài sản đối với các doanh nghiệp FDI nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo sự quản lý của Nhà nước.