Những tồn tại trong công tác thu hút vốn FD

Một phần của tài liệu giải pháp nhằm thu hút vôn đầu tư trực tiêp nước ngoài vào tỉnh khánh hòa (Trang 81)

c. Ngành Nông Lâm Thủy sản:

2.4.2. Những tồn tại trong công tác thu hút vốn FD

Bên cạnh những những thành tựu đạt được, công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Khánh Hoà thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định như sau:

- Kết quả thu hút FDI chưa tương xứng với tiềm năng: Có thể nói, kết quả thu hút FDI vào Khánh Hòa đến nay chưa cao, chưa tương xứng với tiểm năng, thế mạnh của tỉnh, đối tác đầu tư vào địa phương chưa thật đa dạng, đặc biệt là chưa thu hút được những tập đoàn, những công ty xuyên quốc gia có tiềm lực mạnh về tái chính và công nghệ trên thế giới, chưa thu hút được sự quan tâm đầu tư của các công ty xuất phát từ các nước có nền kinh tế phát triển cao. Mặt khác, nếu so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thì mức độ đóng góp của FDI vào giải quyết việc làm và đóng góp cho ngân sách Nhà nước chưa cao, bình quân trong giai đoạn 2001 - 2010, khu vực FDI đóng góp vào thu ngân sách trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 2,61%; đóng góp vào vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh mới đạt 11,76%, thấp hơn rất nhiều so với các địa phương như Đồng Nai, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc.... Có thể nói so với các địa phương khác, Khánh Hòa có thuận lợi hơn hẳn về điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hóa truyền thống và yếu tố con người. Tuy vậy, kết quả thu hút FDI chưa thật nổi trội, vẫn chủ yếu dựa vào những lợi thế tĩnh, chưa phát huy các lợi thế động để thu hút FDI.

- Cơ cấu đầu tư theo ngành chưa đồng bộ, chưa hợp lý: Mặc dù cơ cấu ngành đầu tư đã phần nào phản ánh việc thực hiện đúng đắn định hướng phát triển kinh tế xã hội của Khánh Hòa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng cơ cấu dự án vẫn chưa hợp lý, chưa khai thác được dự án vào những ngành kinh tế mũi nhọn có lợi thế so sánh sẵn có của Khánh Hòa. Vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào một số ngành công

nghiệp truyền thống, nơi có sẵn những điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật hoặc những ngành có nguồn nguyên liệu sẵn có của thành phố như: sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, thép, đóng tàu, giầy gia, may mặc,…Cơ cấu đầu tư còn bất hợp lý, mới chủ yếu đầu tư vào sản xuất công nghiệp, chiếm hơn 62%. Cơ cấu vốn đầu tư cho du lịch, dịch vụ - ngành mà Khánh Hòa có nhiều lợi thế còn thấp, chỉ chiếm 33% tổng FDI, thấp hơn nhiều so với các vùng kinh tế biển khác. Tỷ trọng đầu tư FDI vào nông nghiệp rất hạn chế, mặc dù nông nghiệp chiếm đến 13%GDP toàn tỉnh song vốn FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm 4.4%. Chính vì thiếu vốn nên rất khó khăn cho phát triển sản xuất nông nghiệp và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

- Vốn FDI phân bố đến các khu vực không đồng đều: Như đã phân tích ở trên, mục đích cao nhất của các nhà đầu tư là lợi nhuận. Do đó, những lĩnh vực, ngành, dự án có tỷ suất lợi nhuận cao đều được các nhà đầu tư quan tâm, còn những dự án, lĩnh vực mặc dù rất cần thiết cho an sinh xã hội nhưng không đưa lại lợi nhuận thỏa đáng thì không thu hút được đầu tư nước ngoài. Các nhà ĐTNN trong khi lựa chọn địa điểm để triển khai dự án đầu tư thường tập trung vào những nơi có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuận lợi, do đó các khu vực có cảng biển, cảng hàng không, vùng đồng bằng là nơi tập trung nhiều dự án ĐTNN. Trong khi đó, các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, những địa phương cần được đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, mặc dù chính phủ và chính quyền địa phương có những ưu đãi cao hơn nhưng không được các nhà đầu tư quan tâm.

Tình trạng đó đã dẫn đến một nghịch lý, những nơi có trình độ phát triển cao thì thu hút được ĐTNN nhiều, do đó tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt quá tốc độ tăng trưởng trung bình của cả nước. Trong khi đó, những vùng có trình độ kém phát triển thì có ít dự án ĐTNN, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn thấp. Điều này được thể hiện rõ nét ở Khánh Hòa, trong khi các trung tâm như Nha Trang, Cam Ranh, Diên Khánh tập trung thu hút được hàng trăm triệu USD mỗi năm thì hai huyện miền núi là Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đang ở trong tình trạng “trắng” đầu tư nước ngoài. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho khoảng cách chênh lệch giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh ngày càng doãng ra. Đối với các ngành nghề cũng xảy ra tình trạng tương tự, các nhà ĐTNN chỉ đầu tư vào các ngành có khả năng sinh lợi cao, rủi ro thấp, còn các ngành, lĩnh vực có khả năng sinh lời thấp, rủi ro cao không được sự quan tâm của các nhà ĐTNN.

- Nhiều dự án hoạt động kém hiệu quả: Trong số 76 dự án cấp phép thì số dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh là 44 dự án, chiếm 57%; số dự án đang trong quá trình triển khai và xây dựng cơ bản hoặc vừa được cấp phép là 5 dự án, chiếm 6.6%; nhiều dự án đã có quyết định chấm dứt hoạt động; số dự án không triển khai là 4 dự án chiếm 5.2%; Số dự án xin tạm ngừng hoạt động là 5 dự án, chiếm 6.6%; số dự án đã triển khai sản xuất nhưng gặp nhiều khó khăn đang trong tình trạng ngừng sản xuất hoặc đang trong quá trình thanh lý là 12.

- Vấn đề về ô nhiễm môi trường: Có thể nói, các dự án FDI ở Khánh Hòa mặc dù cho đến nay chưa gây ra những vấn đề quá nghiêm trọng về môi trường. Tuy nhiên, nó vẫn tiềm ẩn những nguy cơ cao gây tổn hại đến môi trường sinh thái nói riêng và mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh nói chung. Trên địa bàn tỉnh hiện có bốn nhà máy xi măng với tổng công suất lên tới hơn 5 triệu tấn/năm. Khi tất cả các dự án trên đi vào hoạt động hết công suất thì có thể nói đó thực sự là một thách thức đối với môi trường của Khánh Hòa. Có thể kể đến hoạt động sửa chữa, đóng tàu của Công ty TNHH tàu biển Hyundai – Vinashin với công nghệ làm sạch vỏ tàu bằng hạt Nix đã phát sinh lượng lớn Nix thải. Ước tính từ năm 2000 đến nay, nhà máy phát sinh gần 1.500.000 tấn Nix thải; Dự án nhà máy nhiệt điện Sumitomo khi đi vào hoạt động hết công suất có thể tiêu thụ hết 1 triệu tấn than mỗi năm tương ứng với lượng xỉ than là 200.000 tấn và thải ra môi trường khoảng 200.000 tấn CO2; tổ hợp lọc hóa dầu, Kho xăng dầu ngoại quan Mỹ Giang và cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong đang triển khai xây dựng sẽ làm gia tăng các vấn đề về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và phòng chống các sự cố tràn dầu... Ngoài ra còn có khả năng gây ô nhiễm môi trường nước tại các khu resort, với quy mô phục vụ 1.760.000 khách mỗi năm nếu ước tính lượng nước thải bằng 80% lượng nước cấp thì trong năm 2010 trung bình mỗi ngày Khánh Hòa có 981 mét khối nước thải sinh hoạt. Nếu không được xử lý tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học môi trường Biển – vốn quý trong phát triển du lịch của Khánh Hòa...

- Vấn đề về chuyển giao công nghệ: Nhìn chung công nghệ được sử dụng trong

các doanh nghiệp ĐTNN thường cao hơn mặt bằng công nghệ cùng ngành và cùng loại sản phẩm tại địa phương. Tuy nhiên, một số trường hợp các nhà ĐTNN đã lợi dụng sơ hở của pháp luật nước ta, cũng như sự yếu kém trong kiểm tra giám sát tại các cửa khẩu nên đã nhập vào các địa phương một số máy móc thiết bị có công nghệ lạc hậu thậm chí là những phế thải của các nước khác. Tính phổ biến của việc nhập máy móc

thiết bị là giá cả đươc ghi trong hóa đơn thường cao hơn giá trung bình của thị trường thế giới. Nhờ vậy một số nhà ĐTNN có thể lợi dụng để khai tăng tỷ lệ góp vốn trong các liên doanh với phía Việt Nam.

Việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài được thực hiện thông qua các hợp đồng và được cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ chuẩn y. Tuy vậy, đây là một hoạt đông cực kỳ khó khăn đối với các nơi tiếp nhận đầu tư nói chung, bởi khó có thể đánh giá chính xác giá trị thực của từng loại công nghệ trong những ngành khác nhau, đặc biệt trong những ngành công nghệ cao. Do vậy, thường phải thông qua thương lượng theo hình thức mặc cả đến khi hai bên có thể chấp nhận được, thì ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm của các doanh nghiệp FDI chưa cao, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển, chưa tiếp nhận được công nghệ nguồn, nhiều dự án sản xuất gia công là chính. Các dự án trong các lĩnh vực như đóng tàu, sắt thép…chủ yếu là ở các khâu có trình độ công nghệ không cao, sử dụng lao động phổ thông là chính, gây ô nhiễm môi trường.

- Quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp FDI: Trong khu vực FDI,

nhiều doanh nghiệp quá chú trọng lợi ích kinh tế, ít quan tâm đến nhu cầu ổn định công việc của người lao động, sẵn sàng sa thải người lao động, sắp xếp lại nhân sự. Do vậy, người lao động trong khu vực này thường có nguy cơ bị mất bị việc cao hơn so với các khu vực khác. Điều này tạo áp lực lớn cho công tác tái giải quyết việc làm, cân đối quan hệ cung - cầu lao động. Một vấn đề nữa cần phải thấy rằng, hiện nay đa phần các doanh nghiệp FDI có nhu cầu sử dụng lao động ngay nên họ thường xuyên tuyển dụng những người có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao hơn là tuyển dụng để đào tạo rồi mới sử dụng. Với mức thu nhập hấp dẫn cùng những điều kiện làm việc, thăng tiến, các doanh nghiệp FDI đã thu hút những lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao từ các doanh nghiệp khác sang, đẩy công việc đào tạo mới người lao động lành nghề cho các khu vực kinh tế khác và thị trường. Ước tính có khoảng trên 30% lao động trong các doanh nghiệp FDI là từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước chuyển qua. Tuy chưa có điều tra chính thức, nhưng cũng dễ nhận thấy hiện tượng chảy máu chất xám và nhân lực có trình độ cao từ cơ quan Nhà nước, các khu vực kinh tế khác qua khu vực kinh tế có vốn ĐTNN ngày càng tăng.

- Vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Hoạt động hỗ trợ của tỉnh trong đào tạo, sử dụng và tuyển chọn lao động còn nhiều yếu kém. Chất lượng đào tạo không đáp ứng yêu cầu của nhà ĐTNN, chưa tạo ra một đội ngũ công nhân có khả năng vận

hành được các máy móc công nghệ tiên tiến. Việc thu hút nhân tài được đào tạo từ các trung tâm lớn của cả nước và nước ngoài về công tác tại thành phố thực hiện chưa tốt.

- Vấn đề chuyển giá và hạch toán lỗ của một số doanh nghiệp FDI: Đối với một

số doanh nghiệp FDI theo hình thức liên doanh, phía đối tác nước ngoài dùng nhiều thủ đoạn nâng cao giá thành sản phẩm thông qua các hoạt động như quảng cáo, mua nguyên vật liệu từ nước ngoài, dẫn đến tình trạng thua lỗ giả và làm giảm tỷ lệ phần vốn góp của phía Việt Nam trong liên doanh (thường chỉ là 30% bằng quyền sử dụng đất). Do đó, hoặc là phía Việt Nam phải tăng vốn góp hoặc là phải chuyển nhượng phần góp vốn của mình cho phía đối tác nước ngoài, từ đó chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, gây nên thất thoát trong quản lý kinh tế. Vấn đề này còn gọi là

chuyển giá (transfering price).

Chuyển giá là những giao dịch về giá ẩn bên trong giao dịch giữa các công ty mẹ và các chi nhánh công ty con. Những giao dịch về giá này được thực hiện dựa trên những tính toán bên trong của các công ty xuyên quốc gia và giá của những giao dịch này không phản ánh đúng giá trị thị trường. Các công ty xuyên quốc gia thường sử dụng chuyển giá như là một biện pháp để hạch toán lãi thành lỗ, lãi nhiều thành lãi ít, nhằm mục đích cuối cùng là thôn tính sở hữu đối với bên liên doanh trong nước, tránh đánh thuế chuyển lợi nhuận, thuế nhập khẩu và kiểm soát tỷ giá. Tác hại của lợi dụng chuyển giá không chỉ thiệt hại về mặt kinh tế mà còn tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Theo số liệu của Cục Thuế Khánh Hoà, trong 6 tháng đầu năm 2011, trong số trên 76 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh được cấp mã số thuế, doanh nghiệp có lãi chỉ chiếm 35% (cả nước khoảng 31%), số thuế thu nhập doanh nghiệp FDI là 13 tỷ đồng đóng góp cho ngân sách, chiếm 10,19% tổng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp toàn tỉnh (130,52 tỷ). So với tỷ lệ doanh thu, tổng nộp ngân sách ta thấy rõ là tỷ lệ thu nhập doanh nghiệp (lãi) của các doanh nghiệp FDI là quá thấp, có yếu tố giả tạo do chuyển giá, vấn đề này gây thiệt hại kép cho phía Việt Nam.

Để chống hiện tượng chuyển giá, nghiệp vụ của cơ quan tài chính và cơ quan thuế phải rất cao trong giám sát doanh nghiệp. Trong khi đó, Sở Tài chính và Cục Thuế Khánh Hoà chưa có điều kiện để điều tra, xác minh, tiến hành phân tích, xác định thực tế giao dịch liên kết và rủi ro về gian lận qua chuyển nhượng. Việc phân tích phải bao gồm cả thu thập các thông tin về bên nước ngoài và về kinh tế ngành. Nhưng ở cấp địa phương, khó có thể tiến hành xác minh được vấn đề này, do thiếu trình độ, kinh phí,

phân cấp về thẩm quyền; hơn nữa, nhiều quốc gia chưa có hiệp định về thuế quan với Việt Nam

- FDI tạo ra các vấn xã hội mới: Về khía cạnh xã hội, một số doanh nghiệp có vốn ĐTNN không thực hiện những quy định của pháp luật về việc sử dụng người lao động là người Việt Nam như kéo dài thời gian học nghề, trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định, không thực hiện đúng chế độ bảo hiểm xã hội, kéo dài thời gian lao động trong ngày, thậm chí một số chủ doanh nghiệp đối xử bất công, xúc phạm nhân phẩm đối với người lao động, làm phát sinh những mâu thuẫn, hành động phản kháng của công nhân Việt Nam như xô xát, đình công, ảnh hưởng xấu đến sản xuất và quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nhà đầu tư và tập thể lao động trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp các ngành dệt may, giày da, chế biến thuỷ sản thường sử dụng nhiều lao động, mà nguồn lao động chủ yếu từ khu nông thôn. Do vậy một bộ phận dân cư từ nông thôn của tỉnh (thường không lớn), và một lượng lớn lao động từ các tỉnh lân cận đổ về Khánh Hoà, gây nên sức ép rất lớn về chỗ ở, học hành, chữa bệnh, an ninh trật tự xã hội. Đây vừa là vấn đề phát sinh từ CNH, từ phát triển FDI, vừa là thách thức trong tương lai đối với chính quyền Khánh Hoà.

Một phần của tài liệu giải pháp nhằm thu hút vôn đầu tư trực tiêp nước ngoài vào tỉnh khánh hòa (Trang 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)