b. Định hướng về nguồn vốn và nước đầu tư
3.3.3. Cải thiện môi trường chính sách, pháp luật
Trong quá trình cải thiện môi trường chính sách, pháp luật cần xác định rõ lợi ích kinh tế xã hội của Khánh Hoà khi thu hút vốn ĐTNN. Ngoài ra, cần chú ý tới tính hệ thống của môi trường đầu tư: đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất của văn bản pháp luật, tránh chồng chéo mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật; phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng luật và thực thi luật. Cụ thể, trong thời gian tới, Khánh Hoà cần tiếp tục hoàn thiện môi trường chính sách, pháp luật:
- Cần thu hút vốn ĐTNN có chọn lọc, mang lại giá trị gia tăng cao, có hiệu quả kinh tế xã hội lớn; đồng thời tránh thu hút vốn ĐTNN có ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái, sử dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng, đất của Khánh Hoà. Tập trung thu hút vốn đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao. Cần nghiên cứu và đưa ra các ưu đãi khuyến khích đầu tư đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của DN.
- Để đảm bảo tính đồng bộ của văn bản pháp luật, tránh gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật về hoạt động đầu tư, kinh doanh, Khánh Hoà cần tiếp tục xem xét, rà soát các văn bản pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để bổ sung, sửa đổi các nội dung không rõ ràng, từ ngữ gây hiểu nhầm, nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán giữa các quy định chung và quy định chuyên ngành; giữa luật và các văn bản hướng dẫn; giữa văn bản pháp luật và lộ trình thực hiện cam kết WTO.
- Cần kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc phát sinh việc thi hành pháp luật liên quan đến thu hút vốn FDI. Theo biểu cam kết về dịch vụ, nhiều ngành đưa ra cam kết chặt chẽ hơn so với pháp luật hiện hành của Việt Nam (nhiều ngành trước khi gia nhập WTO đã mở cửa ở mức độ cao hơn so cam kết) như dịch vụ giáo dục, y tế đã cho phép thành lập DN 100% vốn nước ngoài cả chục năm nay, thậm chí ngành giáo dục còn được khuyến khích và hưởng ưu đãi thì theo biểu cam kết đến ngày 1/1/2009 nhà ĐTNN mới được thành lập DN 100% vốn nước ngoài. Hay, nhà ĐTNN muốn đầu tư vào lĩnh vực ngoài biểu cam kết thì không được cấp phép đầu tư. Vậy, các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư nên áp dụng theo pháp luật hiện hành Việt Nam hay theo biểu cam kết? Nhiều cơ quan cấp giấy chứng nhận từ chối cấp phép để đảm bảo an toàn.
- Để đảm bảo lợi ích của cộng đồng, tránh cấp phép cho dự án gây ô nhiễm môi trường, tỉnh cần thực hiện đúng quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cần nghiên cứu và ban hành chế tài xử lý các cá nhân thuộc các chính quyền địa phương không tuân thủ đúng quy trình này. Đặc biệt đối với dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng có ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường xã hội thì phải dừng dự án, mọi chi phí nhà ĐTNN đã bỏ ra phải do cá nhân thuộc chính quyền địa phương hoàn trả cho nhà ĐTNN. Các cấp quản lý hoạt động đầu tư thực hiện tốt công tác giám sát đầu tư từ khâu cấp giấy chứng nhận đầu tư, đến cả quá trình thực hiện và vận hành dự án đầu tư để đảm bảo đạt được các lợi ích kinh tế xã hội mong muốn từ dự án ĐTNN. Khi thực hiện phân cấp cấp giấy chứng nhận đầu tư triệt để, sự năng động của chính quyền tỉnh có ảnh hưởng lớn đến thu hút, thực hiện vốn FDI, nhưng cần tránh tái diễn tình trạng “xé rào” về ưu đãi đầu tư cũng như về thủ tục, gây ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế xã hội chung của cả nước.
- Cần xây dựng và ban hành văn bản pháp luật quy định cụ thể việc phân cấp đầu tư cho chính quyền cấp huyện, xã. Cần phân định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong việc quản lý hoạt động đầu tư đặc biệt là hoạt động FDI. Việc đưa ra quy định cụ thể, thống nhất và nêu rõ trách nhiệm trong phân cấp đầu tư sẽ tạo thuận lợi cho việc quản lý hoạt động của các cấp từ tỉnh đến xã, tạo điều kiện phối hợp giữa các cấp, các ngành để thu hút FDI có chất lượng cao.
- Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn FDI để thu hẹp khoảng cách giữa vốn FDI đăng ký và thực hiện, tỉnh cần quản lý, hỗ trợ, giải quyết những vấn đề phát sinh của các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đồng thời, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không có khả năng triển khai thực hiện hoặc đã thực hiện
nhưng không đảm bảo tiến độ, tiến độ kéo dài với chi phí đền bù hợp lý nhằm tạo quỹ đất cho dự án mới.
- Cần minh bạch hóa quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và thực thi văn bản luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Để tăng tính thực tiễn, tính dân chủ, tính khách quan, tính thống nhất, hiệu quả thực thi cũng như đảm bảo lợi ích của DN và của công chúng thì quá trình xây dựng các văn bản quy định cần có sự tham gia của DN, công chúng để mọi người góp ý hoàn thiện các quy định cũng như tăng cường sự hiểu biết của mọi người về luật để áp dụng luật hiệu quả. Trong quy trình soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật cần phát huy trí tuệ của các tầng lớp dân cư, của các nhà khoa học, các sở, ban, ngành, các cấp, các DN, nhất là những đối tượng điều chỉnh của văn bản pháp luật. Cần tăng cường sử dụng công cụ Internet để công khai các dự thảo về quy định, chính sách để các DN và công chúng có thể tham gia góp ý. Đồng thời, trang web của cơ quan quản lý tỉnh phải cập nhật đầy đủ các luật, văn bản pháp luật và chính sách liên quan đến đầu tư và kinh doanh.