c. Ngành Nông Lâm Thủy sản:
2.4.3.1. Nguyên nhân chủ quan
Một là, một số hoạt động xúc tiến đầu tư tuy có triển khai nhưng chưa thật sự mang lại hiệu quả, thiếu tính chuyên nghiệp: hoạt động tiếp xúc nhà đầu tư còn thiếu
tính chủ động và linh hoạt, còn nặng về tuyên truyền và quảng bá, chưa tiếp cận với các đối tác đầu tư cụ thể theo từng dự án cụ thể, còn mang tính hình thức; việc tiếp xúc trao đổi với nhà đầu tư trong và người nước còn ít so với tiềm năng phát triển của Khánh Hòa. Các hình thức vận động, thu hút đầu tư ở nước ngoài chưa đủ mạnh để tìm kiếm các doanh nghiệp, các nhà đầu tư lớn đầu tư vào Khánh Hòa. Công tác chuẩn bị xúc tiến đầu tư như: lập, rà soát bổ sung quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất đai chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời; Chuẩn bị cơ sở dữ liệu, tài liệu chưa đáp ưng yêu cầu tìm hiểu thông tin của nhà đầu tư. Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư còn dàn trải; tổ chức các cuộc tiếp xúc, hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước chưa có tính hệ thống, chưa được triển khai thường xuyên; mục tiêu, chỉ tiêu thiếu tính cụ thể. Thông tin cung cấp cho các nhà đầu tư còn chung chung, đôi khi thiếu tính nhất quán, dẫn đến sai lệch. Bên cạnh đó, các thông tin này cũng chưa làm nổi bật các thế mạnh và đặc điểm riêng của Khánh Hòa so với các địa phương khác. Chưa lôi kéo được các đối tác là doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh thực sự tham gia vào quá trình xúc tiến đầu tư.
Hai là, chưa thực sự tích cực trong việc tạo lập, xây dựng và cải thiện môi trường thu hút FDI: Tỉnh còn chưa tích cực trong việc tìm nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng kỹ thuật, việc công khai quy hoạch đất cho các dự án chưa được làm tốt dẫn đến công tác giới thiệu địa điểm cho nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn. Chính quyền tỉnh chưa chủ động, tích cực chuẩn bị mặt bằng sẵn sàng cho nhà đầu tư (nhiều nhà đầu tư sau khi tìm hiểu cơ hội đầu tư và thăm địa điểm đã quyết định chuyển địa điểm đầu
tư sang địa phương khác do mặt bằng chưa sẵn sàng). Trong số các dự án FDI, số lượng các dự án đầu tư vào khu công nghiệp cũng chiếm đến 40% tổng vốn FDI của toàn tỉnh. Các nhà ĐTNN đều mong muốn được vào các khu công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ như khu công nghiệp Suối Dầu, Nam Cam Ranh...Mô hình khu công nghiệp không chỉ thuận lợi cho các nhà ĐTNN, mà còn giúp công tác quản lý Nhà nước về mọi mặt được thuận tiện cũng như về môi trường được bảo đảm. Trên thực tế Khánh Hòa mới chỉ có 2 khu công nghiệp đang hoạt động và được xây dựng hạ tầng đồng bộ, đúng với quy mô, tính chất của khu công nghiệp. Đó là các khu công nghiệp Suối Dầu, KCN Bắc Cam Ranh, ba khu công nghiệp còn lại mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập, nhưng hoặc đang xây dựng dở dang, thậm chí có khu hầu như chưa triển khai. Trong khi đó, Khánh Hòa được Chính phủ cho phép điều chỉnh các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đến năm 2020 với trọng tâm là khu kinh tế Vân Phong, tuy nhiên, trên thực tế, khu kinh tế này vẫn còn triển khai rất chậm không đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Thực tế, diện tích được quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh mới đạt dưới 1000 ha, thấp hơn rất nhiều so với thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…Thêm vào đó, việc quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp như nhà ở, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, giao thông vận tải…chưa được tiến hành theo đúng yêu cầu do thiếu vốn đầu tư. Đây cũng là nguyên nhân hạn chế sự hấp dẫn nhà ĐTNN đến với khu công nghiệp Khánh Hòa. Trong khi cụ thể hóa chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, chính quyền địa phương cũng chưa năng động diễn giải và áp dụng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Trong lĩnh vực thu hút FDI, thành phố vẫn chưa có chính sách và những hành động thực sự tiên phong và khác biệt với các địa phương khác để tạo nên sự bứt phá trong thu hút FDI.
Thứ ba là, cải cách hành chính diễn ra chậm, hiệu quả chưa cao: Trong thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”, nhưng trong cấp giấy phép chưa có phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan trong hoạt động thu hút FDI. Cơ chế “một cửa” được áp dụng nhưng còn hiện tượng được gọi là “nhiều khóa”, thiếu sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan hữu quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Trung tâm Quy hoạch Xây dựng, Ban Quản lý các KCN và chế xuất, Trung tâm Xúc tiến đầu tư trong cả 3 giai đoạn trước, trong và sau khi cấp giấy phép đầu tư.
Cải cách hành chính chủ yếu tiến hành theo chiều rộng, dàn trải, chưa đi vào chiều sâu; phương pháp tiến hành còn nặng về cảm tính nên hiệu quả thấp. Sự phối hợp giữa các bộ phận trong giải quyết các thủ tục hành chính còn hạn chế. Áp lực buộc các cơ quan quản lý Nhà nước và công chức thay đổi cung cách cung cấp dịch vụ xã hội nói chung, dịch vụ cho các nhà ĐTNN nói riêng còn thấp nên chất lượng dịch vụ chưa cao. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng đùn đẩy, thiếu trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng. Không giải phóng được mặt bằng nên một loạt các dự án tạo lực đẩy cho thu hút FDI không triển khai được như….
Việc phối hợp giữa các cơ quan nói trên chưa có qui chế điều chỉnh. Thời gian giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án, nhất là việc xác định địa điểm, xin chủ trương cho phép tiến hành dự án, các thủ tục liên quan đến đất đai, miễn giảm thuế, đánh giá tác động môi trường... thường bị kéo dài.
Thứ tư là, việc chủ động chỉ đạo các hoạt động tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư chưa đạt hiệu quả cao: Quá trình tiếp tục hỗ trợ các nhà
đầu tư sau khi được cấp phép còn yếu, sự phối hợp của các ban, ngành trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư còn chậm. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp FDI trong giải quyết tình trạng người lao động nghỉ việc tự phát và đình công bất hợp pháp. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các ban, ngành trong việc chuẩn bị thông tin cũng như cung cấp các thông tin có liên quan đến môi trường đầu tư, mặt bằng, thị trường, lao động, chi phí đầu vào,…khi các nhà đầu tư yêu cầu chưa kịp thời và còn thiếu chuẩn xác. Việc cung cấp thông tin về thị trường lao động, chính sách lao động cũng như đặc điểm tâm lý, văn hóa của lao động Việt Nam còn hạn chế nên các doanh nghiệp FDI gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển chọn và sử dụng lao động.
Thứ năm là, sự hạn chế về năng lực, trình độ của một số cán bộ quản lý: Năng
lực và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý công tác đầu tư còn yếu kém, có lúc có nơi còn hiện tượng sách nhiễu, phiền hà, gây cản trở cho nhà đầu tư. Một bộ phận cán bộ quản lý chỉ chú trọng đến bảo vệ lợi ích cho bản thân, không tính đến các thiệt hại gây ra cho tỉnh. Không ít cán bộ thực hiện các công tác liên quan đến quản lý Nhà nước đối với hoạt động FDI không nắm vững các quy định của luật pháp, đặc biệt là các quy định của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Kỹ năng và nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý hành chính yếu kém, vừa làm, vừa học, vừa bổ túc dẫn
đến chỗ không đồng bộ, hiệu quả đạt được không cao. Trình độ ngoại ngữ, kiến thức kinh tế, tài chính cũng như hiểu biết về các doanh nghiệp FDI còn hạn chế. Nhận thức của nhiều cán bộ quản lý về hoạt động thu hút FDI còn hạn chế. Mới chỉ nhìn vào các tác động trước mắt, chưa tính đến lợi ích lâu dài do FDI mang lại. Chưa xác định được rõ ràng những lợi thế của địa phương nên không định hướng được FDI vào những ngành mà tỉnh có thế mạnh.
Thứ sáu là, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ:
hiện nay kết cầu hạ tầng cơ sở của tỉnh Khánh Hòa tuy đã tích cực triển khai xây dựng nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển, chưa phát huy được tối đa hiệu quả đầu tư. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng còn biểu hiện nhiều mặt hạn chế và thiếu đồng bộ, không có các trường học, bệnh viện quốc tế dành cho con em các nhà ĐTNN; chưa đáp ứng được mặt bằng “sạch” cho đầu tư; các chi phí về vận tải biển, cước điện thoại quốc tế vẫn còn cao; chất lượng các dịch vụ, trong đó có dịch vụ hành chính công, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà ĐTNN.
Bảy là, công tác quy hoạch chất lượng chưa cao: từ quy hoạch kinh tế - xã hội,
quy hoạch ngành đến quy hoạch không gian đô thị, còn chưa thực sự có kết nối, chất lượng quy hoạch chưa cao. Chưa có sự thống nhất cao giữa quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội và không gian đô thị, chiến lược bảo vệ môi trường, giữa quy hoạch toàn thành phố và quy hoạch cấp huyện, gây khó khăn, thiếu đồng bộ trong công tác triển khai và thực hiện. Quy hoạch xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, các khu phát triển công nghiệp không rõ ràng, nhiều nơi không có quy hoạch cụ thể gây ra nhiều khó khăn trong việc giới thiệu địa điểm cho các nhà đầu tư, gây tâm lý ngần ngại cho các chủ đầu tư.