Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Cầu Giấy nằm ở cửa ngõ phía Tây của thành phố Hà Nội, trong khu kinh tế trọng điểm của thủ đô. Với sự phát triển cơ sở hạ tầng, trung tâm thương mại, các trường đại học, khu công nghiệp và cụm dân cư nên có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng các dịch vụ kinh doanh ngân hàng.
Năm 2008 – 2010 nằm trong giai đoạn thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 của toàn hệ thống BIDV. Đối với chi nhánh, đây là giai đoạn khẳng định vị thế, thương hiệu của chi nhánh trên địa bàn phía Tây thủ đô theo định hướng và mục tiêu phát triển
được xác định từ khi mới thành lập theo công văn số 5565/CV-QLCN1 ngày 23/09/2004 của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Trong 3 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, sự chỉ đạo điều hành kiên quyết, linh hoạt của Ban giám đốc chi nhánh cùng với nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên, chi nhánh BIDV Cầu Giấy đã hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển đã được xác định.
Bảng 2.3: Kết quả hoạt động kinh doanh của Chi nhánh BIDV Cầu Giấy 2008 – 2010
Đơn vị: tỷ đồng
Năm 2008 Năm 2009 Năm 2010 Số tiền Số tiền Tăng trưởng
(%)
Số tiền Tăng trưởng (%) Tổng tài sản 3.618 4.320 19,40 5.450 26,15 Tổng nguồn vốn huy động 2.970 3.600 21,21 4.500 25,00 Tổng dư nợ 1.710 2.160 26,31 2.790 29,16
Chênh lệch thu chi 81 104 28,39 126 21,15
Thu dịch vụ ròng 20 36 80,00 45 25,00
(Nguồn: Báo cáo kết quả kinh doanh Chi nhánh BIDV Cầu Giấy 2008 – 2010)
Chi nhánh BIDV Cầu Giấy là đơn vị kinh doanh có lãi, kết quả kinh doanh đủ bù đắp các khoản chi phí phát sinh và trích lập quỹ khi cần thiết. Năm 2008, lợi nhuận của ngân hàng đạt 81 tỷ đồng, năm 2009 đạt 104 tỷ đồng, tăng 28,39%. Năm 2010 lợi nhuận đạt 126 tỷ đồng, tăng 21,15% so với năm 2009. Đây là những kết quả rất tốt, chứng tỏ rằng ngân hàng đã rất nhanh nhạy, linh hoạt trong việc điều hành lãi suất, thu hút nguồn vốn tăng trưởng ổn định, tận dụng được các cơ hội trong kinh doanh trước những biến động của thị trường.
Tổng tài sản tính đến 31/12/2008 đạt 3.618 tỷ đồng. Bước vào năm 2008, thị trường tài chính bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tín dụng bắt nguồn từ Mỹ, hoạt động kinh doanh có phần bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh và lãi suất cao nên khó tiếp cận vốn vay. Cũng trong năm 2008, NHNN đã hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức 30% khiến khả năng mở rộng quy mô tín dụng giảm rõ rệt. Lãi suất cao nhưng tiềm ẩn rủi ro rất lớn, DN không có khả năng sản xuất đủ bù đắp lãi cho ngân hàng. Chính vì vậy năm 2008 tốc độ tăng của tổng tài sản, nguồn vốn huy động, dư nợ tín dụng của chi nhánh giảm so với các năm trước. Xuất phát từ nguyên
nhân BIDV là NHTM Nhà nước, trong năm đã tập trung cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, liên tục hạ lãi suất cho vay trước tiên và trước cả lãi suất cơ bản, điều này cho thấy BIDV vẫn luôn là cánh tay phải của Chính phủ trong điều tiết kinh tế vĩ mô.
Với diễn biến có phần nới lỏng đầu năm và thắt chặt cuối năm, ngược lại năm 2008, các chính sách tiền tệ năm 2009 được cho là khá ổn định. Bức tranh u ám của nền kinh tế trong nước và thế giới cuối năm 2008, đầu năm 2009 đã buộc Chính phủ ban hành một loạt biện pháp kích cầu, trong đó hoạt động cho vay nới lỏng để kích thích sản xuất tiêu dùng. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất được ban hành nhằm đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động. Tính đến cuối tháng 12/2009, tổng tài sản của chi nhánh BIDV Cầu Giấy đạt 4.320 tỷ đồng, tăng 19,40%, đặc biệt dư nợ tín dụng tăng tới 26,31%. Cùng với sự khôi phục nhanh tới bất ngờ của kinh tế Việt Nam, lợi nhuận của ngân hàng đã tăng mạnh, hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm ngay từ cuối tháng 11/2009, dù trước đó chỉ tiêu này đã được điều chỉnh tăng.
Năm 2010, diễn biến các chỉ số chủ chốt của nền kinh tế trong nước và thế giới như lạm phát, tỷ giá, giá vàng… tiếp tục có nhiều biến động tác động trực tiếp và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Năm 2010 là năm cuối thực hiện kế hoạch kinh doanh 5 năm 2006 – 2010 của toàn hệ thống, hướng tới mục tiêu cổ phần hóa, chi nhánh và toàn hệ thống đã nỗ lực phấn đấu đạt kết quả kinh doanh khả quan trước những diễn biến khó khăn từ môi trường kinh doanh. Cuối năm 2010, tổng tài sản của chi nhánh đạt 5.450 tỷ đồng, tăng 26,15%, dư nợ tín dụng tăng 29,16%, đạt 2.790 tỷ đồng, đây là những kết quả rất đáng khích lệ.
Qua những nét khái quát về tình hình hoạt động kinh doanh của chi nhánh BIDV Cầu Giấy, ta có thể nhận thấy: trong các năm 2008, 2009, trong bối cảnh kinh tế nước ta gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, nguồn thu bị giảm sút, việc trả nợ ngân hàng gặp nhiều khó khăn, đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cả hệ thống ngân hàng. Song với sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, nhân viên, hoạt động của chi nhánh vẫn ổn định, phát triển và tăng trưởng cao. Khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của ban lãnh dạo Chi nhánh, đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của Chi nhánh trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước.