Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Cầu Giấy (Trang 82)

NHNN là cơ quan chủ quản, trực tiếp hướng dẫn hoạt động cũng như thực hiện kiểm soát đối với các NHTM. Do đó, hiệu quả hoạt động tín dụng nói chung và công tác nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn nói riêng của các Ngân hàng chịu sự chi phối rất lớn từ các chính sách, định hướng của NHNN. Với mục tiêu nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Cầu Giấy, khóa luận xin đưa ra một số kiến nghị sau:

3.2.2.1. Triển khai thực hiện chủ trương tái cấu trúc lại hệ thống Ngân hàng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội mới của đất nước

Với một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam, số lượng Ngân hàng đang hoạt động hiện nay được xem là quá nhiều. Số liệu từ NHNN cho thấy, hiện nay Việt Nam có 5 NHTM Nhà nước; 1 Ngân hàng chính sách xã hội; 1 Ngân hàng phát triển; 37 NHTM cổ phần tư nhân; 48 Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài; 5 Ngân hàng liên doanh; 5 Ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 48 văn phòng đại diện Ngân hàng nước ngoài; 18 Công ty tài chính và 12 Công ty cho thuê tài chính. Với việc Ngân hàng mọc lên như nấm và vốn điều lệ nhỏ đã dẫn đến sự yếu kém của hệ thống ngành Ngân hàng Việt Nam. Vì vậy tái cấu trúc lại hệ thống Ngân hàng được xem như nhiệm vụ hàng đầu cần thực hiện để tái cấu trúc nền kinh tế.

Trong thời gian tới, NHNN cần thông qua chủ trương và triển khai việc thực hiện tái cấu trúc lại hệ thống Ngân hàng và các Tổ chức tài chính theo hướng sáp nhập, hợp nhất các NHTM, các Tổ chức tài chính nhỏ để có các NHTM và Tổ chức tài chính với quy mô lớn, uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống, đủ sức cạnh tranh trong và ngoài nước trong bối cảnh tình hình quốc tế có biến động. Tạo ra hệ thống Ngân hàng đủ sức đáp ứng với yêu cầu phát triển sắp tới về vốn cũng như dịch vụ ngân hàng, một hệ thống đa dạng về quy mô, đa dạng về loại hình sở hữu. Đây là việc làm tất yếu và cấp bách để bảo vệ, phát triển hệ thống ngân hàng cũng như củng cố uy tín và niềm tin với người dân.

3.2.2.2. Ban hành và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, định hướng hoạt động tín dụng và chất lượng cho vay ngắn hạn cho các NHTM

NHNN căn cứ vào chủ trương của Nhà nước và tình hình thực tế, xu hướng phát triển của lĩnh vực tài chính tiền tệ trong từng thời kỳ để đưa ra định hướng phát triển cụ thể cho hoạt động tín dụng của các NHTM.

Ban hành các văn bản, quy định chi tiết về hoạt động tín dụng, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn, để từ đó có thể quản lý hoạt động của các Ngân hàng, đảm bảo phát triển an toàn, bền vững. Rà soát lại các hệ thống văn bản pháp lý về ngân hàng để xóa bỏ sự chồng chéo, thiếu đồng bộ. Trên cơ sở đó, NHNN có thể ban hành các văn bản pháp quy, quyết định chỉ đạo công tác nâng cao chất lượng tín dụng, tạo khung pháp lý đồng bộ cho việc áp dụng hệ thống thẩm định, quản trị và xếp hạng tín dụng nội bộ vào hoạt động cụ thể của Ngân hàng. Tiếp tục có những biện pháp kiên quyết giảm tỷ lệ nợ quá hạn, nợ tồn đọng, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính an toàn hệ thống. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thu hồi nợ quá hạn, xử lý tài sản thế chấp, cầm cố.

3.2.2.3. Hỗ trợ các NHTM về mặt nghiệp vụ

NHNN cần đưa ra những hướng dẫn cụ thể về quy trình, phương pháp đánh giá, quản lý, nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn dưới dạng một hệ thống cơ sở chuẩn để tạo điều kiện dễ dàng cho các Ngân hàng áp dụng vào thực tế công tác của mình. NHNN cũng có thể hỗ trợ các Ngân hàng bằng cách tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ tín dụng do các chuyên gia trong và ngoài nước giảng dạy, từ đó giúp cán bộ tín dụng tại NHTM nâng cao trình độ nghiệp vụ, nắm bắt được những thành tựu tiên tiến, hiện đại về công tác nâng cao chất lượng cho vay từ các nước phát triển. Hàng năm, NHNN nên tổ chức hội nghị toàn ngành về công tác nâng cao chất lượng cho vay nhằm trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau giữa các Ngân hàng.

3.2.2.4. Tăng cường vai trò giám sát, thanh tra, hoàn thiện công tác thanh tra cả về nghiệp vụ và đội ngũ thanh tra

Công tác thanh tra cần được xác định trọng tâm, trọng điểm đối với hệ thống tổ chức tín dụng, trong đó đặc biệt chú trọng đến thanh tra quản trị điều hành và chất lượng tín dụng. Hiện tượng thanh tra tràn lan kém hiệu quả trong những năm trước đây đã được hạn chế khắc phục, tuy nhiên hoạt động thanh tra giám sát còn chưa thật kiên quyết trong việc xử lý triệt để đối với các sai phạm của hệ thống NHTM, dẫn đến hiệu quả công tác thanh tra chưa cao. Do vậy, để hoàn thiện và nâng cao vai trò thanh tra của NHNN thì cần phải quan tâm tới những vấn đề sau:

- Bám sát hoạt động tín dụng của các NHTM để sớm phát hiện kịp thời và ngăn chặn các sai phạm. Tập trung thanh tra chất lượng hoạt động cho vay của các Ngân hàng và công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ nhằm quản lý tốt chất lượng cho vay. - Đổi mới và nâng cao chất lượng thanh tra, đặc biệt là công tác thanh tra tại chỗ. Tăng cường việc giám sát của NHNN sau thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tái phạm.

- Tăng cường đội ngũ thanh tra, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, thực hiện ngay các biện pháp để chuyển các cán bộ giỏi chuyên môn, vững về bản lĩnh, kinh nghiệm về công

tác thanh tra Ngân hàng và đưa các cán bộ yếu về trình độ, không đủ bản lĩnh, phẩm chất ra khỏi đội ngũ thanh tra.

- Thông qua thanh tra giám sát, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động tín dụng của các Ngân hàng để củng cố niềm tin của các thành phần kinh tế vào hệ thống NHTM Việt Nam.

3.2.2.5. Nâng cao chất lượng và vai trò cung cấp thông tin của CIC

Mới đây, Chính phủ đã ban hành quyết định cho phép các công ty thông tin tín dụng tư nhân được thành lập và hoạt động trong lĩnh vực thông tin tín dụng, tuy nhiên loại hình công ty này vẫn còn rất mới mẻ, chưa thực sự đi vào hoạt động. Trung tâm Thông tin tín dụng của NHNN Việt Nam CIC với lợi thế thời gian hoạt động, kinh nghiệm và mối quan hệ lâu dài từ trước với các NHTM trong hệ thống Ngân hàng sẽ vẫn là một nguồn cung cấp thông tin tín dụng cần thiết và có giá trị. Để nâng cao chất lượng và vai trò cung cấp thông tin của CIC, khóa luận xin đưa ra một số kiến nghị với NHNN như sau:

- Hoàn thiện môi trường tổ chức hoạt động, cải tiến cơ chế làm việc. Đưa hoạt động xếp hạng tín dụng và hoạt động thông tin tín dụng tiếp cận dần với thông lệ chuẩn quốc tế bằng cách tổ chức cho cán bộ trung tâm đi đào tạo, học hỏi ở các nước bạn, các nước có hoạt động thông tin tín dụng phát triển, mời chuyên gia nước ngoài cố vấn...

- Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của trung tâm, ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức và hoạt động nghiệp vụ, quy định chi tiết hơn về các nội dung như nguồn cung cấp thông tin, đối tượng sử dụng thông tin, cơ cấu các chỉ tiêu thông tin...

- Thực hiện tốt công tác tuyển dụng và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho CIC, đầu tư cải tiến trang thiết bị, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để mở rộng và nâng cao chất lượng công tác thu thập thông tin.

3.2.2.6. Ban hành Thông tư quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng (thay thế Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN)

Sau một thời gian thực hiện, Quyết định 493 và Quyết định 18 đã bộc lộ một số những nhược điểm cơ bản cần được chỉnh sửa. Đặc biệt, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ quy định tại QĐ 493 mới chung chung, không cụ thể, do đó các TCTD khi xây dựng gặp nhiều khó khăn; mức độ hoàn thành và chất lượng của Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ chưa tốt. Mặt khác, do không có quy định cụ thể đối với Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, do đó TCTD nói chung và một số TCTD đã xây dựng hệ thống này chưa đánh giá và khai thác hết vai trò, lợi ích của việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ trong việc quản lý chất lượng tín dụng, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Do các TCTC tự xây dựng theo một phương pháp riêng đã tạo nên sự

không thống nhất giữa các TCTD trong việc quản lý chất lượng tín dụng, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; đồng thời việc quản lý của Cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc các TCTD phân loại nợ theo Điều 7 Quyết định 493 gặp nhiều khó khăn, không thống nhất.

Xuất phát từ thực trạng trên, yêu cầu đặt ra là phải có một văn bản mới khắc phục được các nhược điểm và thay thế Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN và Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN. Được biết, bản Dự thảo thông tư quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD (thay thế Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN) do NHNN soạn thảo đang trong quá trình hoàn thiện, lấy ý kiến của các Bộ ngành liên quan, các Tổ chức tín dụng, NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố, cá nhân trước khi xin ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Tài chính để chính thức ban hành. Để góp phần hoàn thiện nội dung của Thông tư mới, từ đó hỗ trợ, cải tiến công tác nâng cao chất lượng tín dụng ngắn hạn ngày càng đạt hiệu quả cao, khóa luận xin có một số kiến nghị với NHNN như sau:

- Quy định thống nhất một phương pháp đánh giá chất lượng tín dụng trên cơ sở kết hợp đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng theo hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và đánh giá thực tế tại các thời điểm đánh giá, phân loại.

- Hướng dẫn cụ thể các bước quy trình đánh giá, xếp hạng khách hàng để thống nhất thực hiện, trong đó quy định một số chỉ tiêu với các trọng số đánh giá cụ thể để phục vụ cho công tác quản lý. Các chỉ tiêu và trọng số đánh giá được xác định dựa trên kết quả thống kê, khảo sát số liệu của một số TCTD đưa vào chạy mô hình toán để xác định.

- Trên cơ sở hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, yêu cầu TCTD xây dựng quy định nội bộ về quản lý chất lượng tín dụng trong suốt quá trình từ khi thẩm định, xét duyệt, cấp tín dụng đến khâu kiểm tra, kiểm soát trong quá trình giải ngân, sau khi cấp tín dụng cũng như việc quản lý tài sản đảm bảo; chính sách dự phòng rủi ro để quản lý quá trình phân loại nợ, trích lập, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và việc phát mại tài sản đảm bảo; việc phân cấp, ủy quyền và xác định quyền hạn, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân có liên quan trong suốt các quá trình này.

- Đảm bảo ở mức tối đa khách hàng giống nhau phải được quản lý giống nhau, từ thẩm định, xét duyệt, cấp tín dụng, hồ sơ tín dụng đến quy trình đánh giá, xếp hạng, phân loại nợ, trích lập dự phòng, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; giữa các TCTD đều thống nhất việc đánh giá, xếp hạng, phân loại nợ, trích dự phòng, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Cầu Giấy (Trang 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w