Trong bất cứ hoạt động kinh doanh nào, con người luôn là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của tổ chức. Vai trò này đặc biệt quan trọng đối với cán bộ tín dụng, không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ mà còn phải giàu kinh nghiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực khác liên quan đến ngành nghề của các doanh nghiệp như luật pháp, kinh tế chính trị, ứng dụng công nghệ hiện đại, nhanh nhạy với những biến động của nền kinh tế thị trường. Do đó, với mục tiêu nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn nói riêng và nâng cao chất lượng tín dụng nói chung tại Chi nhánh BIDV Cầu Giấy, yêu cầu đặt ra là phải chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các giải pháp sau:
- Thứ nhất:
Chi nhánh cần quan tâm đến chất lượng nhân sự bộ phận tín dụng ngay từ khâu tuyển dụng, xây dựng chính sách tuyển dụng hợp lý, đưa ra các yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức cần có để đảm bảo hoàn thành tốt công tác tín dụng.
- Thứ hai:
Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo và đào tạo lại cán bộ làm công tác tín dụng dưới các hình thức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành. Chủ thể hướng dẫn đào tạo có thể là các chuyên gia trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng hoặc các cán bộ ngân hàng có kinh nghiệm, năng lực tham gia huấn luyện các cán bộ mới. Có thể tổ chức giao lưu học hỏi kinh nghiệm với các Chi nhánh khác trong quá trình quản trị tín dụng, đồng thời tạo điều kiện để mỗi cán bộ tín dụng có thể tự nâng cao trình độ, năng lực làm việc của bản thân.
Hiện nay, BIDV đã có một trung tâm đào tạo chuyên tổ chức các lớp hướng dẫn và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho nhân viên. Chi nhánh BIDV Cầu Giấy cần tiếp tục tạo điều kiện cho các cán bộ tín dụng của mình tham gia các khóa đào tạo, các buổi thảo luận nhằm tiếp cận kiến thức, công nghệ mới. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, khuyến khích phát huy các sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm tốt công tác sơ, tổng kết đúc rút kinh nghiệm trong nội bộ ngân hàng.
- Thứ ba:
Quy hoạch, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ phù hợp với yêu cầu công tác và mô hình tổ chức. Bố trí những cán bộ có năng lực, có phẩm chất đạo đức để làm công tác thẩm định, quản trị tín dụng.
- Thứ tư:
Có chế độ đãi ngộ thích đáng, như thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, quy chế thưởng phạt công bằng, khách quan, khích lệ động viên đúng lúc và kịp thời, tạo động lực cho mỗi cán bộ hoàn thiện bản thân.
- Thứ năm:
Xây dựng một nền văn hóa ngân hàng thân thiện. Môi trường làm việc đóng vai trò rất quan trọng đối với hiệu quả công việc của cán bộ ngân hàng nói chung và cán bộ thực hiện công tác tín dụng nói riêng. Xây dựng được một môi trường văn hóa thân thiện tại Chi nhánh sẽ giúp cho cán bộ tín dụng cảm thấy thoải mái, tự hào về công việc của mình, sẵn sàng cống hiến, nỗ lực lao động hết mình và tự động cam kết gắn bó lâu dài.