Kiến nghị với Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Cầu Giấy (Trang 79)

Thành công trong công tác nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn tại các NHTM không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của bản thân Ngân hàng mà còn cần sự hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan.

3.3.1.1. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động cho vay

Quản lý tín dụng là một mảng hết sức quan trọng trong hoạt động quản lý lĩnh vực tài chính ngân hàng của Nhà nước. Chính sách quản lý tín dụng ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động tín dụng của các NHTM và do đó ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động cho vay ngắn hạn.

Trong việc hoạch định chính sách tín dụng, Nhà nước cần cân đối một cách thích hợp giữa các mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, ổn định tiền tệ và sự phát triển bền vững của hệ thống NHTM, tránh tình trạng thắt chặt hoặc thả lỏng quá mức,

thay đổi định hướng quá đột ngột gây ảnh hưởng đến hoạt động của NHTM. Bên cạnh đó, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng đang là một đòi hỏi cấp bách. Nhà nước cần tập trung tạo lập một môi trường pháp lý lành mạnh, bổ sung, hoàn thiện đổi mới cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn hoạt động tín dụng cho các NHTM.

Song song với việc ban hành, hoàn thiện các văn bản nêu trên, Nhà nước cũng cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát từ xa đối với hoạt động cho vay của các NHTM. Hoạt động kiểm tra giám sát vừa phải đảm bảo quyền tự chủ của Ngân hàng, vừa có biện pháp xử lý kịp thời khi có sai phạm hay rủi ro tín dụng xảy ra.

Môi trường hoạt động tín dụng lành mạnh, có khung pháp lý điều chỉnh và hướng dẫn rõ ràng, từ đó các Ngân hàng có thể thiết lập các quy định phù hợp, các chính sách tín dụng nhất quán cho hoạt động cho vay và nâng cao hiệu quả chất lượng cho vay. 3.3.1.2. Sắp xếp lại doanh nghiệp và tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp

Nhà nước cần kiên quyết sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước, chỉ để tồn tại những doanh nghiệp làm ăn thực sự có hiệu quả, những doanh nghiệp thực sự cần thiết cho phát triển kinh tế, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả tín dụng. Trong việc tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp, cần tập trung vào việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Đây là một biện pháp nhằm huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác nhau tham gia vào phát triển kinh tế, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Thực hiện cổ phần hóa sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tăng vốn tự có, trang trải nợ nần, tạo ra sức cạnh tranh mới dưới một hình thức quản lý mới, có cơ hội tiếp cận được với các khoản tín dụng lớn, cũng như cơ hội phát triển cao hơn.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực như quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước, quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước, quản lý sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, thể chế về tổ chức công tác cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước... Xây dựng định hướng trong sắp xếp, quản lý nông, lâm trường quốc doanh. Kiện toàn bộ máy lãnh đạo các tập đoàn, các tổng công ty, các doanh nghiệp Nhà nước, đảm bảo đội ngũ lãnh đạo, cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Thực hiện tái cơ cấu để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn với nguồn lực được giao, làm tốt hơn vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, qua đó nâng cao hơn hiệu quả tín dụng.

Vấn đề thông tin và minh bạch thông tin không chỉ là mối quan tâm của riêng hệ thống NHTM mà còn đối với cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trên thực tế, xếp hạng về minh bạch thông tin của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các quốc gia trong khu vực.

Yêu cầu đầu tiên đặt ra đối với mục tiêu thu thập thông tin cho công tác xếp hạng tín dụng tại các NHTM là phải xây dựng được cơ sở pháp lý trong việc trao đổi thông tin giữa Ngân hàng và các cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp cận được nguồn thông tin từ cơ quan thuế, hải quan, cơ quan chủ quản doanh nghiệp... Để làm được điều đó, Quốc hội cần sớm chính thức ban hành bộ Luật quy định rõ ràng về quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin; hình thức, trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin và các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Trước khi Luật tiếp cận thông tin chính thức có hiệu lực, khóa luận kiến nghị với Tổng cục thống kê thực hiện công bố các chỉ tiêu tài chính trung bình ngành. Hiện nay, các hệ số trung bình ngành của các chỉ tiêu tài chính sử dụng trong quá trình đánh giá, thẩm định của công tác tín dụng chưa được các cơ quan thống kê chính thức cung cấp. Việc thiếu các hệ số trung bình ngành gây khó khăn cho công tác phân tích, đánh giá một số chỉ tiêu, do đó giảm tính chính xác của kết quả thẩm định.

Một kênh hỗ trợ thu thập thông tin tín dụng khác cũng vừa được Chính phủ cho phép hoạt động, đó là các Công ty thông tin tín dụng. Khóa luận kiến nghị với Nhà nước và Chính phủ tiếp tục ban hành các văn bản, quy định hướng dẫn hoạt động của các công ty này, tạo điều kiện tốt nhất để các công ty tín dụng đi vào hoạt động hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho các NHTM trong công tác nâng cao chất lượng cho vay.

3.3.1.4. Kiến nghị với Bộ tài chính xây dựng hệ thống kế toán thống nhất, đồng bộ và thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc đối với doanh nghiệp

Hiện nay, công tác quản lý của Nhà nước đối với chế độ hạch toán kế toán vẫn còn tồn tại những điểm chưa thống nhất và đồng bộ, nhiều quy định do Bộ tài chính đưa ra khó thực hiện và gây hiểu lầm cho cán bộ làm công tác kế toán. Bên cạnh đó, ngoài các công ty niêm yết phải chấp hành quy định bắt buộc về minh bạch thông tin và kiểm toán báo cáo tài chính, số đông các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn lại chưa được yêu cầu bắt buộc tiến hành kiểm toán và công khai thông tin. Thực tế này dẫn đến hậu quả là một phần thông tin dùng cho công tác tín dụng do bộ phận kế toán cung cấp có chất lượng chưa cao. Do đó, Bộ tài chính cần sớm hoàn chỉnh hệ thống kế toán Việt Nam, đồng thời ban hành những sắc lệnh đi kèm với những chế tài bắt buộc tất cả các doanh nghiệp đều phải sử dụng thống nhất một chế độ kế toán, phải thực hiện kiểm toán bắt buộc và công khai quyết toán của doanh nghiệp.

Bộ tài chính cũng cần có những hỗ trợ cụ thể nhằm mở rộng kiểm toán với mục tiêu đáp ứng nhu cầu thông tin đáng tin cậy cho quản trị tín dụng và phát triển nền kinh tế lành mạnh, an toàn. Cụ thể, cần tạo điều kiện cho các công ty kiểm toán phát triển, mở rộng, tăng cường đào tạo đội ngũ kiểm toán viên, ban hành các văn bản, quy chế hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán...

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Cầu Giấy (Trang 79)